Nỗ lực ngăn chặn ma túy trên tuyến biển

Những năm qua, trên tuyến biển, tình hình tội phạm ma túy (TPMT) diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ khó lường.

16/07/2020 | Article Rating

Đáng chú ý, đối tượng nước ngoài dưới vỏ bọc là du khách, nhà đầu tư nước ngoài, Việt kiều về nước thăm thân để móc nối với số đối tượng trong nước thành lập doanh nghiệp “bình phong” cho hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy với khối lượng lớn từ nước ngoài về Việt Nam để đưa sang nước thứ ba tiêu thụ. Đặc biệt, từ 30/11 - 03/12/2019, tại khu vực ven biển các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, ngư dân đã thu gom được số lượng ma túy lớn từ ngoài khơi dạt vào bờ và giao nộp cho các đơn vị chức năng đóng trên địa bàn. TPMT lợi dụng tuyến biển để mua bán, vận chuyển trái phép không phải là vấn đề mới mà đang đang diễn ra với thủ đoạn ngày càng tinh vi trên các vùng biển nước ta. Trong khi đó, công tác phòng ngừa, đấu tranh của các lực lượng chức năng còn gặp nhiều khó khăn.

Thực hiện Quyết định số 133/2002/QĐ-TTg, ngày 09/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế phối hợp giữa lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan trong đấu tranh phòng, chống TPMT tại địa bàn biên giới, cửa khẩu và trên biển, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam tiếp tục quán triệt sâu sắc nội dung, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng đẩy mạnh đấu tranh, ngăn chặn nguồn ma túy xâm nhập vào nước ta trên tuyến biển. Phối hợp xây dựng, triển khai các kế hoạch phòng, chống TPMT trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, mở các đợt cao điểm tấn công truy quét tội phạm, tệ nạn ma túy, tổng kết, rút kinh nghiệm sau các chuyên án, vụ án phối hợp. Cảnh sát biển thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng phối hợp tham mưu xây dựng, tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (PCMT) sửa đổi, bổ sung, Luật Cảnh sát biển Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành qua đó tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác phòng ngừa, đấu tranh.

Trong quá trình phối hợp phòng ngừa, đấu tranh, công tác nắm tình hình, trao đổi thông tin đối tượng phạm tội về ma túy giữa cảnh sát biển và lực lượng phối hợp ngày càng được chú trọng, đi vào chiều sâu được thể hiện qua các hội nghị giao ban định kỳ, trao đổi bằng văn bản, điện thoại đường dây nóng… Các đơn vị tập trung trao đổi tình hình, diễn biến, phương thức, thủ đoạn mới của TPMT, các loại chất ma túy, chất hướng thần mới xuất hiện ở trong nước, qua đó tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy các cấp đánh giá đúng tình hình, đề ra giải pháp đấu tranh phù hợp với từng thời điểm, từng địa bàn. Cảnh sát biển phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, hải quan trong việc hỗ trợ cán bộ cùng trang bị, phương tiện kỹ thuật trong đấu tranh bắt giữ đối tượng phạm tội về ma túy. Hợp tác trao đổi thông tin, điều tra, xác minh đối tượng nghi vấn tham gia điều hành đường dây ma túy hoạt động trên tuyến biển. Hỗ trợ kiểm tra, kiểm soát tàu thuyền nước ngoài đi vào vùng biển Việt Nam có biểu hiện nghi vấn vận chuyển trái phép chất ma túy. Định kỳ hàng năm, các đơn vị nghiệp vụ phòng, chống TPMT của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam tham gia các hội nghị giao ban luân phiên với lực lượng công an, hải quan, biên phòng nhằm đánh giá hiệu quả công tác phối hợp, chỉ rõ mặt tồn tại khó khăn để bàn biện pháp giải quyết. Bên cạnh đó, các lực lượng thường xuyên phối hợp mở các khóa tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ, pháp luật cho cán bộ, chiến sỹ trực tiếp tham gia đấu tranh chống TPMT, đồng thời tích cực phối hợp triển khai hoạt động hợp tác PCMT với các nước, tổ chức quốc tế. Trong các vụ ma túy trôi dạt vào bờ biển miền Trung, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã chủ động gửi Thư trao đổi, thông báo tình hình và đã nhận được phản hồi tích cực, sự đánh giá cao từ cảnh sát biển các nước trong khu vực.

Các đơn vị cảnh sát biển đầu tư xây dựng, biên soạn nội dung tuyên truyền phong phú, phù hợp với nhận thức của người dân, thống nhất hình thức tổ chức. Qua đó đã tổ chức 206 đợt tuyên truyền kiến thức về PCMT kết hợp với phát tờ rơi, tranh, ảnh, sách pháp luật cho trên 70.000 lượt cán bộ, nhân dân, ngư dân đánh bắt hải sản trên các vùng biển góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tích cực tham gia phòng ngừa, tố giác TPMT trên tuyến biển, đảo. Lồng ghép nội dung tuyên truyền PCMT trong Chương trình “Em yêu biển, đảo quê hương” cho học sinh và người dân các địa phương. Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí của trung ương và địa phương đăng tải hàng trăm tin, bài phản ánh kết quả công tác tuyên truyền, đấu tranh ngăn chặn tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn ven biển, hải đảo.

Qua những việc đã triển khai, từ năm 2017 - 6/2020, lực lượng cảnh sát biển đã trực tiếp và phối hợp với các đơn vị công an, biên phòng, hải quan đấu tranh thành công 698 vụ án, bắt giữ 1.125 đối tượng phạm tội về ma túy, trong đó trực tiếp điều tra, khởi tố 303 vụ, 414 đối tượng. Thu giữ 387,6 kg heroin, 204 kg ma túy tổng hợp, 108,8 kg cần sa, 11 khẩu súng, 91 viên đạn cùng nhiều vật chứng liên quan. Trong đó, có nhiều chuyên án, vụ án diễn biến phức tạp, thu giữ khối lượng ma túy lớn, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương ghi nhận, đánh giá cao. Điển hình, ngày 05/6/2020, tại địa bàn ven biển huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, Đoàn Đặc nhiệm phòng, chống TPMT số 2, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đấu tranh thành công chuyên án, bắt quả tang đối tượng Hoàng Minh Tâm về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy, thu giữ 02 bánh heroin, 01 kg ketamin, 01 kg ma túy "đá", 6.000 viên ma túy tổng hợp. Số ma túy trên có nguồn gốc từ Lào do đối tượng đưa qua biên giới về Diễn Châu, rồi tiếp tục vận chuyển đi các địa phương khác tiêu thụ. Đơn vị đã khởi tố vụ án hình sự, hoàn thiện hồ sơ và bàn giao đối tượng, vật chứng, hồ sơ vụ án cho Công an tỉnh Nghệ An tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối tượng Hoàng Minh Tâm cùng vật chứng bị bắt giữ.

Trong bối cảnh chung, TPMT diễn biến phức tạp ở trên thế giới và trong nước, nước ta nằm gần khu vực Tam giác vàng và có tuyến đường biển dài, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng biển đạt trên 500 triệu tấn/năm Vì vậy, các tổ chức tội phạm quốc tế sẽ câu kết với đối tượng trong nước lợi dụng tuyến đường biển để vận chuyển ma túy vào nước ta rồi trung chuyển sang nước thứ ba tiêu thụ. Để chủ động phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả, thời gian tới Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam tiếp tục tăng cường chỉ đạo, điều hành các cấp, nhất là cấp cơ sở xác định PCMT là nhiệm vụ trọng tâm gắn với trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp. Triển khai đồng bộ các hình thức tuyên truyền PCMT, hướng tới nhóm đối tượng là học sinh, sinh viên, ngư dân, xây dựng, nhân rộng các mô hình hiệu quả gắn với nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận.

Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn ma túy từ nước ngoài xâm nhập nước ta qua đường biển. Quản lý chặt chẽ phương tiện thủy nước ngoài nghi vấn phạm tội về ma túy hoạt động trên vùng biển trọng điểm, các tuyến hàng hải quốc tế. Tổ chức các cao điểm tấn công trấn áp TPMT trên tuyến biển, đảo. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng chuyên trách PCMT của công an, biên phòng, hải quan trong kiểm soát tàu thuyền ra vào cảng, trao đổi thông tin phục vụ xác lập, tổ chức đấu tranh bắt giữ các đường dây ma túy hoạt động trên tuyến biển. Tiến hành sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm các chuyên án, vụ án điển hình.

Huy động, sử dụng có hiệu quả sự quan tâm, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế trong công tác PCMT trên biển. Tổ chức thực hiện tốt các cam kết quốc tế, nhất là với các nước có vùng biển tiếp giáp, các nước có ký kết hiệp định, biên bản ghi nhớ về PCMT. Tăng cường trao đổi thông tin với cảnh sát biển các nước, đồng thời tham mưu Bộ Quốc phòng các nội dung, quy định về hợp tác quốc tế trong kiểm soát ma túy trên biển. Rà soát để tham mưu các bộ, ngành trình Chính phủ, Quốc hội kịp thời sửa đổi, bổ sung những quy định của pháp luật còn chồng chéo theo hướng đồng bộ, thống nhất với luật pháp quốc tế và thực tế công tác đấu tranh chống TPMT ở nước ta hiện nay./.

Lạc Viên