Chính sách kiểm soát cần sa của Việt Nam trước xu thế hội nhập

Với xu thế nới lỏng kiểm soát ma túy hợp pháp, cũng như cho phép sử dụng cần sa vào mục đích giải trí, y tế của một số nước trên thế giới, các bộ, ngành đã nghiên cứu mặt có ích và tác hại của cần sa đối với đời sống xã hội để trình Chính phủ ban hành văn bản quản lý vừa phù hợp với thông lệ quốc tế vừa đủ sức răn đe hành vi trồng, chế biến, tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép cần sa và các chế phẩm của cần sa.

30/06/2020 | Article Rating

   Cần sa có tên La tinh là cannabis sativa, là chi thực vật có hoa được sử dụng như chất gây ảo giác, chất kích thích, được trồng làm thuốc chữa bệnh và sử dụng trong các sinh hoạt tôn giáo tại Ấn Độ cách đây khoảng 2.000 năm. Đến nay, cần sa đã xuất hiện ở 130 nước, vùng lãnh thổ, trong đó khu vực trồng chủ yếu tại Afghanistan, Thái Lan, Lào, Mianmar và Bắc Mỹ. Chế phẩm từ cần sa bao gồm: nhựa cần sa, cồn cần sa, chiết xuất cần sa. Các hoạt chất trong cần sa là cannabinoid (CBD), chủ yếu là tetrahydrocannabinol (THC) có tác dụng dược lý trên toàn cơ thể, đặc biệt là tác động lên hệ thần kinh trung ương, hệ miễn dịch. Nếu sử dụng quá liều sẽ gây ảo giác nguy hiểm, người sử dụng sẽ không làm chủ được hành vi từ đó dẫn đến hành động gây nguy hiểm cho bản thân thậm chí tự tử. Mức độ gây nghiện của cần sa giống như heroin, nếu tăng liều dùng sẽ làm giảm trí nhớ. Chất THC làm cho hệ thống dopamine (chất có chức năng hormone vừa là chất tạo dẫn truyền thần kinh ở não bộ và cơ thể) trong người hoạt động mạnh, tạo cảm giác hưng phấn, bồn chồn. Sau đó, người sử dụng xuất hiện rối loạn về thời gian phản ứng, sự phối hợp với các hoạt động cơ học và cảm xúc về thị giác. Người dùng suy giảm miễn dịch, giảm khả năng học tập, lao động, tăng nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp, bao gồm cả bệnh ung thư phổi. Theo nghiên cứu, trong cần sa chứa nhiều chất gây ung thư hơn cả thuốc lá, hút lâu ngày sẽ gây rối loạn chức năng hô hấp, nghẽn mạch, sơ hóa tế bào phổi. Người dùng thường hút cần sa cuốn với giấy, không có đầu lọc, hít sâu, giữ khói lâu trong cơ thể. Vì thế hút một điếu cần sa sẽ gây nguy hại cho phổi tương đương với hút 05 điếu thuốc lá liên tục. Hút cần sa còn làm suy giảm chất lượng nòi giống ở cả nam và nữ giới. Phụ nữ sử dụng cần sa có nguy cơ sinh con bị dị tật, đẻ non, thiếu cân, thiểu năng, thiếu tập trung, khó hòa nhập cuộc sống sau này.

   Theo báo cáo của Cơ quan phòng, chống ma túy (PCMT) và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), cần sa vẫn là loại ma túy bị lạm dụng phổ biến nhất trên thế giới với 192 triệu người từng sử dụng ít nhất một lần/năm. Con số này cao hơn số người sử dụng methamphetamine (34 triệu người), thuốc phiện (34 triệu người), “thuốc lắc” (21 triệu người). Số người sử dụng cần sa hiện tăng 16% trong 10 năm qua, tương ứng với tốc độ tăng dân số thế giới. Cần sa sử dụng trong y tế là thuốc có nguồn gốc từ cần sa và chế phẩm của cần sa, chủ yếu chứa hoạt chất THC và CBD có tác dụng giảm nôn, giảm buồn nôn trong hóa trị ung thư, đa xơ cứng, động kinh ở trẻ em.

Theo Công ước về chất ma túy năm 1961 của Liên hợp quốc quy định, cần sa, nhựa cần sa, chiết xuất và cồn cần sa nằm trong Bảng 1, các chất có tính gây nghiện, nguy cơ bị lạm dụng rất cao. Cần sa và nhựa cần sa còn thuộc Bảng 4, các chất đặc biệt có hại, có tác dụng trong điều trị rất hạn chế. Công ước về các chất hướng thần năm 1971 của Liên hợp quốc quy định, các hoạt chất của cần sa là THC thuộc Bảng 1, là các chất tạo ra mối đe dọa nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng và có rất ít tác dụng điều trị. Hoạt chất dronabinol (delta-9-THC) thuộc Bảng 2, các chất có nguy cơ bị lạm dụng, tạo ra mối đe dọa nguy hiểm đối với sức khỏe cộng đồng, có giá trị điều trị thấp hoặc trung bình. Như vậy, cần sa và chế phẩm của chúng được kiểm soát ở mức độ nghiêm ngặt nhất trong các Công ước quốc tế.

   Tuy nhiên, hiện nay việc kiểm soát cần sa ở các nước có sự khác biệt, thậm chí mâu thuẫn nhau. Sử dụng cần sa để giải trí bị cấm ở hầu hết các nước, nhất là ở khu vực Châu Á, Trung Đông, chỉ cần tàng trữ một lượng nhỏ cần sa có thể bị phạt tù đến vài năm. Các quốc gia hợp pháp cần sa để giải trí gồm: Canada, Nam Phi, Gruzia, Uruguay, 07 bang và quận Columbia của Mỹ, một số bang của Úc. Các nước hợp pháp hóa cần sa y tế gồm: Argentina, Úc, Canada, Chile, Colombia, Croatia, Síp, Đức, Israel, Hy Lạp, Ý, Na Uy, Hà Lan, Thụy Sỹ, Ba Lan, Thái Lan… Ở Mỹ có 33 bang và quận Columbia cho phép hợp pháp hóa cần sa y tế, còn cấm hoàn toàn việc sử dụng cần sa ở mức độ toàn liên bang.

   Pháp luật Việt Nam hiện hành nghiêm cấm toàn bộ hoạt động bao gồm trồng, vận chuyển, mua bán, tàng trữ, sử dụng cần sa. Cụ thể, tại Khoản 1, Điều 3, Luật Phòng, chống ma túy (PCMT) năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2008, quy định nghiêm cấm việc trồng cây có chứa chất ma túy. Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018, quy định các tội về ma túy từ Điều 247 - 252, xử lý hình sự đối với hành vi trồng cây có chứa chất ma túy, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép, chiếm đoạt cần sa, nhựa cần sa với mức phạt tù thấp nhất là 06 tháng và cao nhất là tử hình. Theo Nghị định số 73/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định danh mục các chất ma túy, tiền chất thì cần sa và chế phẩm của cần sa thuộc Danh mục I, các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội. Việc sử dụng các chất này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm phải tuân theo quy định đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền.

   Việc nới lỏng kiểm soát, hay hợp pháp hóa cần sa sẽ gây ảnh hưởng lớn đến chính sách PCMT của các nước. Tại Việt Nam, tình hình mua bán, vận chuyển cần sa vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Campuchia. Năm 2017, lực lượng chức năng cả nước thu giữ 376,4 kg cần sa khô, 111,02 cần sa tươi; năm 2018, thu giữ 254,4 kg cần sa khô; năm 2019, thu giữ 585,99 kg cần sa khô và một số loại bánh ngọt chứa cần sa.  

Đối tượng Phan Xô bị bắt giữ về hành vi trồng cần sa trong rẫy cà phê tại xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, tháng 02/2020.

Chiết xuất cần sa và cồn cần sa, cần sa, nhựa cần sa, hiện đang nằm trong Bảng 1 của Công ước 1961 của Liên hợp quốc. Theo khuyến nghị 5.4 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bỏ chiết xuất cần sa, cồn cần sa ra khỏi Bảng 1, Công ước 1961 đồng nghĩa với các sản phẩn này sẽ không còn bị kiểm soát quốc tế, không áp dụng hạn chế sản xuất, xuất nhập khẩu, mua bán, phân phối, sử dụng, tồn trữ vì mục đích khoa học và y tế. Điều này trái với quy định của pháp luật Việt Nam, gây khó khăn cho công tác đấu tranh chống tội phạm ma túy nói chung và tội phạm liên quan đến cần sa nói riêng ở nước ta.

Theo khuyến nghị 5.5 của WHO, chế phẩm chứa chủ yếu CBD và hàm lượng THC dưới 0,2% thì không thuộc diện kiểm soát quốc tế. Chế phẩm này được chiết xuất từ cây cần sa, do đó phải được kiểm soát nghiêm ngặt như các chất thuộc Bảng 1 và Bảng 4, Công ước 1961. Thực tế tại Việt Nam hiện nay chưa có nghiên cứu khoa học hay sử dụng chế phẩm cần sa, trong đó có chế phẩm CBD vào mục đích điều trị. Hiện tại chỉ có lượng nhỏ các chất nhóm CBD được nhập khẩu phục vụ công tác giám định, thử tay nghề vì mục đích quốc phòng, an ninh. Hiện có rất ít chế phẩm từ cần sa được đưa vào sử dụng ở một số nước, song hiệu quả điều trị không cao và có thể thay thế bằng thuốc hợp pháp sẵn có, do đó cũng chưa tạo được sự thay đổi lớn trong chính sách về cần sa của các nước. Do đó việc hợp pháp hóa cần sa cũng như chế phẩm CBD cho mục đích y tế không đem lại hiệu quả kinh tế, đồng thời gây khó khăn cho công tác kiểm soát, phát hiện, thu giữ các chế phẩm cần sa y tế lưu hành bất hợp pháp, công tác cai nghiện cần sa hiện nay ở nước ta hiện nay.

Tại các kỳ họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc về PCMT (CND) trước đây, các cơ quan, ban ngành của nước ta sau khi cân nhắc mặt lợi hại trong điều trị và nguy cơ bất ổn xã hội đã thống nhất quan điểm để tham mưu cho Chính phủ không đồng thuận việc nới lỏng kiểm soát, hợp pháp hóa cần sa và các chế phẩm của chúng trong y học và đời sống xã hội. Bên cạnh đó, các lực lượng công an, hải quan, quân đội cần đẩy mạnh phối hợp trao đổi thông tin tội phạm, hiệp đồng tác chiến ngăn chặn ma tuý từ nước ngoài xâm nhập vào nội địa. Điều cần nhất là các cơ quan chức năng nước ta cần tăng cường tuyên truyền về tác hại của tệ nạn ma tuý nói chung, cần sa nói riêng để người dân nâng cao nhận thức tự phòng tránh. Các ngành cùng chung tay xây dựng đời sống văn hoá mới ở khu dân cư, thu hút người dân nhất là thanh thiếu niên tham gia các hoạt động giải trí lành mạnh để tránh xa tệ nạn ma tuý. Ngành y tế, công thương phối hợp kiểm soát chặt chẽ các loại thuốc, nguyên liệu dùng làm thuốc có chứa chất gây nghiện, hướng thần trong quá trình xuất nhập khẩu, phân phối, kê đơn, sử dụng. Nghiên cứu, sản xuất các loại thuốc mới có tác dụng giảm đau, an thần, hỗ trợ điều trị các bệnh hiểm nghèo ít có khả năng gây nghiện nhằm hạn chế việc kê đơn, sử dụng thuốc chiết xuất từ các chất ma tuý trong cần sa và chế phẩm của cần sa.

Minh Châu