Kiên quyết không để Việt Nam là địa bàn sản xuất ma túy tổng hợp

“Ở trong nước lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cơ bản nắm và quản lý được tình hình tội phạm sản xuất trái phép ma túy. Khi các đối tượng tổ chức sản xuất mẻ MTTH đầu tiên đã bị triệt phá, vô hiệu để không kịp đưa ra thị trường”.

30/06/2020 | Article Rating

Đó là chia sẻ của đồng chí Đại tá Vũ Văn Hậu, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an nhân Tháng hành động phòng, chống ma túy (tháng 6).

Đồng chí Đại tá Vũ Văn Hậu, cho biết do chịu tác động trực tiếp từ tình hình tội phạm ma túy thế giới và khu vực, đặc biệt là khu vực “Tam giác vàng” làm cho tình hình ma túy ở nước ta vẫn tiếp tục diễn biến rất phức tạp. Nguồn ma túy chủ yếu từ nước ngoài được mua bán, vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ hoặc tiếp tục vận chuyển đi nước thứ ba qua các tuyến biên giới đường bộ, đường biển và đường hàng không. Xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm ma túy với tính chất ngày càng tinh vi, xảo quyệt, gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy trong quá trình đấu tranh.

Phóng viên: Xin đồng chí có thể nói rõ hơn về những thủ đoạn của tội phạm ma túy?

Đồng chí Đại tá Vũ Văn Hậu: Thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng tội phạm ma túy lợi dụng không gian mạng Internet để mua bán trái phép chất ma túy. Đây là một vấn đề đáng cảnh báo trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển mạnh mẽ và phổ biến của mạng Internet trong đời sống xã hội. Thủ đoạn của các đối tượng là đưa các chất ma túy vào bánh kẹo rồi rao bán trên mạng, nhắm đến các đối tượng chủ yếu là thanh thiếu niên. Bên cạnh đó, các đối tượng còn lợi dụng tuyến bưu điện để tổ chức mua bán vận chuyển trái phép chất ma túy qua đường bưu điện từ các nước châu Âu về Việt Nam, chủ yếu tại địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Ma túy tổng hợp thu giữ được trong một vụ án

Tình hình tổ chức sử dụng và chứa chấp sử dụng trái phép ma túy tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, có chiều hướng gia tăng xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Thủ đoạn của tội phạm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là lợi dụng hoạt động của các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT, dịch vụ nhạy cảm như quán bar, vũ trường karaoke... để tổ chức, chứa chấp, lôi kéo, cưỡng bức người khác sử dụng trái phép các chất MTTH. Đáng lưu ý là ngay cả trong thời điểm cả nước thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhiều cơ sở vẫn lén lút hoạt động, tổ chức sử dụng ma túy tại đây, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Tình trạng sử dụng trái phép MTTH đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tâm sinh lý người nghiện, nhiều người sử dụng MTTH trong thời gian dài dẫn đến rối loạn tâm thần, mất kiểm soát hành vi (ngáo đá) gây ra các vụ án mạng, cố ý gây thương tích, tai nạn giao thông làm chết nhiều người, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến TTATXH.

Phóng viên: Một trong những diễn biến đáng lo ngại đó là tội phạm ma túy liên tục điều chế, sản xuất ra các loại ma túy mới, với những thành phần, tiền chất không thuộc danh mục chất ma túy. Đồng chí có đưa ra nhận định gì về tình hình này?

Đồng chí Đại tá Vũ Văn Hậu: Đầu tiên, phải khẳng định ngay rằng việc điều chế và sản xuất ra các loại ma túy mới nằm ở ngoài lãnh thổ chúng ta. Sự xuất hiện các tiền chất thay thế mới được sử dụng sản xuất trái phép ma túy tổng hợp với phương thức, thủ đoạn tinh vi xảo quyệt, hoạt động có tổ chức, thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra và xử lý. Tiền chất là loại hàng hóa có tính chất lưỡng dụng, vừa phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ đời sống dân sinh, vừa là nguyên liệu để sản xuất ma túy tổng hợp. Nên rất có rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý và kiểm soát, không chỉ ở nước ta mà cả phạm vi thế giới.

Đồng chí Đại tá Vũ Văn Hậu, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy

Xác định rõ tính chất quan trọng của tiền chất trong việc sản xuất trái phép ma túy, Bộ Công an (trực tiếp là Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy) đã luôn chú trọng nắm tình hình trong khu vực và các nước trên thế giới và khuyến cáo của Ủy ban kiểm soát ma túy quốc tế (INCB) kịp thời đưa các chất ma túy, tiền chất mới vào danh mục quản lý của Chính phủ (tại Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 và Nghị định số 60/2020/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 73). Do đó, tất cả các loại tiền chất phổ biến mà các đối tượng lợi dụng vào sản xuất ma túy tổng hợp thời gian qua đều là các chất đã có trong danh mục quản lý. Có thể nói, chúng ta đã đi trước đón đầu trong việc đưa vào quản lý các tiền chất, song việc các đối tượng vẫn sản xuất ma túy tổng hợp là do chúng ta còn sơ sở trong việc quản lý, kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy ở trong nước. Điều này, chúng tôi đã và đang phối hợp với các đơn vị chức năng của các bộ, ngành và địa phương tiến hành rà soát và tăng cường công tác quản lý, kiểm soát.  

Phóng viên: Thách thức đặt ra cho lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy là rất lớn, xin đồng chí cho biết, cuộc chiến với loại tội phạm này đã và đang được triển khai như thế nào và lực lượng gặp những khó khăn ra sao?

Đồng chí Đại tá Vũ Văn Hậu: Do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tình hình tội phạm ma túy trên thế giới và trong khu vực, nhất là khu vực “Tam giác vàng” do vậy tình hình tội phạm ma túy ở nước ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, phức tạp.

Thứ nhất, tuyến biên giới giữa Việt Nam và các nước láng giềng trải dài, phần lớn là rừng núi hiểm trở, có nhiều cửa khẩu lớn, nhỏ và rất nhiều đường mòn, lối mở, trong khi lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy còn mỏng, phương tiện và các điều kiện đảm bảo còn hạn chế, nên công tác phòng ngừa, ngăn chặn và kiểm soát ma túy của các cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn. Các tuyến đường biển, đường hàng không, bưu điện có phạm vi rộng lớn và rất khó kiểm soát trong điều kiện thiếu cả về nhân lực và vật lực. Trong khi đó, không gian mạng internet được cảnh báo sẽ sớm trở thành “địa bàn mới” của tội phạm ma túy.

Thứ hai, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, xảo quyệt và manh động hơn, sẵn sàng sử dụng vũ khí chống trả lực lượng chức năng, gây ra những tổn thất cả về con người, vật chất cũng như ảnh hưởng tiêu cực phần nào đến tinh thần chiến đấu của một bộ phận cán bộ, chiến sỹ cũng như quần chúng nhân dân. Đây là một thực trạng rất đáng lo ngại, đặt ra vấn đề phải làm sao vừa bóc gỡ, triệt phá toàn bộ đường dây tội phạm, thu giữ vật chứng và đưa các đối tượng phạm tội ra truy tố trước pháp luật, vừa phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho lực lượng, phương tiện và quần chúng nhân dân, kể cả đối tượng bị bắt giữ.

Thứ ba, tình trạng mua bán, sử dụng trái phép các loại ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng, nếu không có biện pháp giải quyết hiệu quả công tác quản lý tiền chất; không bịt kín những sơ hở trong công tác quản lý các hoạt động kinh doanh, dịch vụ nhạy cảm như quán bar, vũ trường, karaoke, nhà nghỉ, khách sạn, không có biện pháp cai nghiện hữu hiệu... thì có thể sẽ hình thành nhiều điểm, tụ điểm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; sẽ còn nhiều những sự việc đáng tiếc do người sử dụng ma túy tổng hợp bị rối loạn tâm thần (ngáo đá) gây ra cho xã hội; đe dọa cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.

Thứ tư, tội phạm ma túy có yếu tố nước ngoài, nhất là tội phạm người Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) có nguy cơ gia tăng sẽ gây ra rất nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm ma túy  nói riêng và tình hình an ninh, trật tự của đất nước nói chung, thậm chí còn tác động đến cả lĩnh vực chính trị - ngoại giao và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường thu hút đầu tư, kinh doanh của nước ta.

Một vấn đề nữa là các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy nói chung và lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy nói riêng vẫn còn thiếu về số lượng, trình độ pháp luật và nghiệp vụ không đồng đều, đặc biệt là tại các tuyến và địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới. Hiệu quả tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, nhất là biện pháp nghiệp vụ cơ bản còn chưa thường xuyên, chất lượng, hiệu quả chưa cao; các loại thiết bị, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ tuy đã được bổ sung nhưng còn thiếu, một số đã cũ kỹ, lạc hậu, hỏng hóc không được sữa chữa, thay thế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn công tác, chiến đấu...

Phóng viên: Cùng với giải pháp đấu tranh quyết liệt của lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, thì theo đồng chí, giải pháp nào để ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm ma túy, giảm thiểu hệ lụy từ ma túy gây ra cho cộng đồng, xã hội?

Đồng chí Đại tá Vũ Văn Hậu: Để phòng ngừa tội phạm ma túy phải giải quyết tốt đồng thời hai vấn đề đó là “cung” và “cầu”. Về vấn đề “cung”, lực lượng phòng, chống tội phạm ma túy phải tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, điều tra khám phá các tổ chức, đường dây tội phạm ma túy liên tỉnh, xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài, nhất là trên các tuyến, địa bàn trọng điểm (đường bộ, đường biển, đường hàng không, tuyến bưu điện chuyển phát nhanh, không gian mạng Internet…). Mặt khác, tăng cường kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn không để các cơ sở sản xuất, kinh doanh hợp pháp sử dụng các tiền chất, hóa chất để lợi dụng sản xuất trái phép chất ma túy.

Thứ hai là giảm nguồn “cầu”, cần thực hiện tổng rà soát người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy trên toàn quốc để có cơ sở đánh giá toàn diện, chính xác thực trạng người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy ở Việt Nam, từ đó đề ra những chính sách, biện pháp quản lý phù hợp, góp phần làm giảm “nguồn cầu” ma túy. Ngoài ra, cần tăng cường phối hợp quản lý chặt chẽ người nghiện ma túy, nhất là số có biểu hiện rối loạn tâm thần, “ngáo đá”, có phương án phát hiện, ngăn chặn kịp thời, không để gây ra các vụ phạm pháp hình sự. Theo thống kê, độ tuổi sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa, trong đó có nhiều học sinh, sinh viên. Vì vậy, cần nâng cao hiệu quả tuyên truyền của các phương tiện thông tin đại chúng và khai thác tối đa hiệu quả của các mạng xã hội, các diễn đàn internet của giới trẻ. Ngoài nội dung về tác hại khủng khiếp của MTTH cần phổ biến, trang bị cho giới trẻ các kỹ năng tự bảo vệ bản thân để không bị dụ dỗ, lôi kéo sử dụng MTTH.

Bất chấp đại dịch covid-19, tội phạm ma túy gia tăng

6 tháng đầu năm 2020, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến đặc biệt phức tạp trên phạm vi toàn cầu, đã tác động sâu rộng và ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, chính trị - ngoại giao, an ninh, trật tự an toàn xã hội của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam; tuy nhiên tình hình tội phạm ma túy ở nước ta vẫn có chiều hướng gia tăng. Đã phát hiện 12.215 vụ (tăng 9,46% số vụ so với cùng kỳ năm 2019), 15.775 đối tượng phạm tội về ma túy (tăng 0,3%); thu giữ: 235 kg heroin; gần 1,6 tấn + 852.538 viên MTTH.