Nhìn lại vụ án Nguyễn Duy Dũng cùng đồng bọn mua bán trái phép chất ma tuý xảy ra tại tỉnh Nghệ An và TP. Hồ Chí Minh

Từ năm 1995 - 2000, do lợi nhuận lớn thu được từ việc mua bán trái phép ma tuý, số người nghiện gia tăng, các đối tượng liên quan đến ma túy bắt đầu hoạt động mạnh. Sau khi, lực lượng phòng, chống tội phạm ma tuý được thành lập, nhiều đường dây mua bán trái phép ma tuý ở các tỉnh phía Bắc và Nghệ An bị triệt phá. Mặt khác,  địa bàn TP. Hồ Chí Minh do có nhiều người nghiện ma tuý, tình hình tội phạm phức tạp, các đối tượng phạm tội đã chuyển hướng vào đây hoạt động.

28/05/2020 | Article Rating

Qua tài liệu thu được, nổi lên việc Nguyễn Duy Dũng, Trần Văn Thanh, quê ở Nghệ An cùng vợ vào TP. Hồ Chí Minh núp dưới danh nghĩa kinh doanh nhà hàng, khách sạn để mua bán trái phép ma tuý. Tháng 3/2001, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma tuý phối hợp với công an các địa phương tập trung xác minh làm rõ. Ngày 06/5/2001, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma tuý bắt Nguyễn Duy Dũng về hành vi mua bán trái phép ma tuý (trong vụ án Phùng Đức Thịnh), do Công an tỉnh An Giang thụ lý. Trong quá trình tạm giam, Dũng không khai nhận về hành vi phạm tội. Căn cứ vào tài liệu thu thập được, Dũng là đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự, là "ông trùm" ma tuý lớn ở tỉnh Nghệ An. Cả hai vợ chồng Dũng là cặp bài trùng đã từng nhiều lần mua bán ma tuý trót lọt. Năm 1998, Dũng vào TP. Hồ Chí Minh xây dựng đường dây mua bán ma tuý lớn với nhiều đối tượng tham gia. Tháng 3/2002, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy trích xuất Dũng về Trại tạm giam Công an tỉnh Tiền Giang để tiếp tục đấu tranh làm rõ hành vi phạm tội của y và đồng bọn. Sau thời gian kiên trì đấu tranh, Dũng khai nhận từ năm 1998, Dũng và vợ là Nguyễn Thị Hương đã mua của Trần Văn Thanh và một số đối tượng khác hàng trăm bánh heroin. Số ma túy này được đưa từ Nghệ An vào giao cho Lê Thanh Hiền, Nguyễn Đức Bình và nhiều đối tượng khác chia nhỏ để bán tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Khi có hàng, Thanh gọi điện thoại thông báo cho Dũng biết, rồi hẹn nhau tại quán cà phê, Thanh cùng vợ là Nguyễn Thị Nguyệt mang heroin đựng trong cặp số đưa cho Dũng. Dũng mang tiền cũng đựng trong cặp số (giống nhau) đến ngồi bàn gần đó uống cà phê, coi như không biết nhau, ra ám hiệu, đến khi ra về hai bên đổi cặp cho nhau. Dũng còn khai, năm 1999, Lê Thanh Hiền bị Công an TP. Hồ Chí Minh bắt, Dũng và Trần Văn Tài đã đưa cho luật sư Phan Văn Hải 20.000 USD và 04 cây vàng để chạy tội cho Hiền. Vụ việc đã được điều tra xử lý. Trên cơ sở chứng cứ thu được, cơ quan điều tra đã ra lệnh bắt Ngô Đức Minh, vợ chồng Trần Văn Thanh, Ngô Xuân Phương (Việt kiều sinh sống tại Nhật Bản), Tăng Anh Tuấn (tiếp viên hàng không), Đặng Văn Rơi, Lưu Công Dũng (thuỷ thủ tàu viễn dương) và các đối tượng liên quan.

 Để bắt giữ được các đối tượng Minh, Thanh và Phương là việc rất khó khăn, phức tạp. Minh là trùm giang hồ đất cảng Hải Phòng, nguyên là cán bộ công an biến chất bị thải hồi, từng cầm đầu đường dây buôn lậu trên biển. Năm 1986, Minh bị khởi tố bắt giam về tội buôn lậu. Sau khi ra tù, vào TP. Hồ Chí Minh, Minh thành lập công ty vận tải biển, kết nghĩa anh em với “bà trùm” Dung Hà (trong vụ án Năm Cam) và thu nạp đám giang hồ đất Cảng phiêu bạt vào làm tay chân. Do có liên quan trong vụ án Năm Cam, khi Dung Hà bị giết hại, Năm Cam và đồng bọn bị bắt, Minh rất cảnh giác với mọi người xung quanh. Phương là Việt kiều rất ít khi có mặt tại Việt Nam. Để bắt được chúng, các trinh sát đã phải mất rất nhiều thời gian, lên kế hoạch tỷ mỷ, áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ xác minh chính xác các mối quan hệ, quy luật đi lại, làm ăn của đối tượng, bắt phải đảm bảo bí mật bất ngờ, nếu chỉ một sai sót nhỏ thì đám đàn em giang hồ của Minh sẽ đến chống đối, giải thoát cho đàn anh. Bắt được Minh, Phương là thành công lớn của Ban chuyên án. Tuy nhiên, việc xét hỏi Minh và các đối tượng đòi hỏi các điều tra viên phải có trình độ nghiệp vụ vững vàng, dày dạn kinh nghiệm trong đấu tranh chống tội phạm, phải có cách ứng xử khôn khéo, áp dụng linh hoạt nhiều chiến thuật... Minh luôn chối tội, không nhận liên quan đến ma tuý và vụ án Năm Cam. Nhưng bằng sự kiên trì và bản lĩnh của điều tra viên, Minh và các đối tượng đã "tâm phục khẩu phục", khai báo thành khẩn toàn bộ hành vi phạm tội, cộng tác với cơ quan điều tra để mở rộng vụ án. Cơ quan điều tra đã xác định từ năm 1993 - 1998, Minh và đồng bọn đã mua bán trót lọt 50 kg cần sa, 115 bánh heroin, 6.700 viên ma tuý tổng hợp từ Lào rồi vận chuyển về Hải Phòng, Nghệ An, Bình Định, TP. Hồ Chí Minh, sau đó thuê các đối tượng là thuỷ thủ tàu viễn dương, tiếp viên hàng không vận chuyển sang cho Ngô Xuân Phương, Nguyễn Thế Vinh là Việt kiều để tiêu thụ tại Nhật Bản.

Đối với Trần Văn Thanh, cũng là một trong những trùm mua bán trái phép ma tuý khét tiếng ở tỉnh Nghệ An. Với số tiền kiếm được từ ma túy, Thanh thường lui đến các khách sạn tại thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh ăn chơi, rồi lấy được cô vợ là lễ tân xinh đẹp. Cưới xong, Thanh đưa vợ vào TP. Hồ Chí Minh mua khách sạn để kinh doanh, đồng thời tiếp tục cùng Nguyễn Duy Dũng thiết lập đường dây mua bán trái phép “cái chết trắng”. Thanh có nhiều người thân, bạn bè ở Lào, nên thường sang đó mua ma tuý với số lượng lớn mang về Nghệ An bán kiếm lời. Khi bị bắt, Thanh không khai báo nhưng với tài liệu thu thập được cùng sự động viên, thuyết phục của các điều tra viên, cuối cùng cũng khiến Thanh khai nhận. Từ tháng 11/1998 - 3/1999, Thanh đã 05 lần sang Lào mua 82 bánh heroin vận chuyển về TP. Hồ Chí Minh bán cho Dũng. Sau khi khai báo một phần hành vi phạm tội của bản thân và đồng bọn, lo sợ sẽ phải chịu mức án tử hình nên Thanh đã tự sát tại nơi tạm giam, hy vọng cơ quan điều tra sẽ không tịch thu sung công số tài sản do phạm tội mà có, để cho vợ con còn có kế sinh nhai. Nguyễn Thị Nguyệt (vợ Thanh), khi bị bắt đang nuôi hai con sinh đôi 06 tháng tuổi. Nguyệt khai biết chồng mua bán trái phép ma tuý thu lời lớn, rồi dùng số tiền đó mua khách sạn để kinh doanh. Tuy Nguyệt có khuyên can nhưng Thanh không nghe. Nguyệt được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật cho tại ngoại để nuôi con và được tòa án xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Bị cáo Nguyễn Duy Dũng khai nhận hành vi phạm tội trong phiên tòa xét xử sơ thẩm

 Vụ án đến đây đã làm rõ được trên 50 đối tượng có liên quan, ngoài ra còn làm rõ hàng chục đối tượng khác có hành vi mua bán, tổ chức sử dụng trái phép ma tuý, đánh bạc ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Kết thúc điều tra giai đoạn một, Ban chuyên án đề nghị truy tố 23 bị can. Qua xét xử, 09 bị cáo bị tuyên phạt mức án tử hình, 10 bị cáo tù chung thân và nhiều mức án tù giam dành cho các bị cáo khác. Đối với bị cáo Nguyễn Duy Dũng, Ngô Đức Minh quá trình điều tra đã khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, tích cực cộng tác với cơ quan điều tra, nên đã được hội đồng xét xử áp dụng tình tiết giảm nhẹ, xử phạt mức án tù chung thân./.

          Công Trình