Những khuynh hướng mới của tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy ở nước ta

Tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy ở nước ta đang diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Trong đó nổi lên một số vấn đề mới cần quan tâm là tỷ lệ sử dụng trái phép các chất ma túy tổng hợp (MTTH) ngày càng tăng so với các loại ma túy “truyền thống” nhóm Opiat (thuốc phiện, heroin…); các đối tượng sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa và tình trạng lợi dụng các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT và dịch vụ nhạy cảm để tổ chức các hoạt động sử dụng trái phép chất ma túy, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và bức xúc trong nhân dân.

21/05/2020 | Article Rating

Tỷ lệ người sử dụng MTTH tăng nhanh, có khoảng 70 - 80% người nghiện ở nước ta đang sử dụng MTTH, đặc biệt tại các tỉnh miền Trung và miền Nam, tỷ lệ này còn lên đến 80 - 95% trong tổng số người nghiện. Các loại MTTH hiện nay rất phổ biến, đa dạng về chủng loại, giá thành ngày càng rẻ, dễ cất giấu, sử dụng, tính độc hại rất cao. MTTH phá hủy, làm tổn thương não bộ, thay đổi cấu trúc tế bào thần kinh, gây ra loạn thần, hoang tưởng, “ngáo đá”, khi dùng thêm rượu mạnh thì nguy hiểm hơn rất nhiều. Do nhận thức chưa đầy đủ của một bộ phận người dân, đặc biệt là giới trẻ cho rằng sử dụng MTTH không gây nghiện, biết sử dụng MTTH mới là “dân chơi”, “sành điệu” nên nhiều người tìm đến chất kích thích này nhằm mục đích giải trí, xả stress, tìm cảm giác lạ. Người dùng MTTH sẽ nhận được sự tác động rất nhanh và mạnh, trực tiếp gây kích thích hệ thần kinh trung ương và có thể tạo ảo giác trong một thời gian dài; sự hưng phấn, sung mãn và tự tin của những người sử dụng MTTH khiến họ có thể làm những điều mà lúc bình thường họ không dám như: chạy xe điên cuồng; tự rạch, cào, cắn vào chính cơ thể mình, quan hệ tình dục tập thể, nhảy nhót, la hét… Tình trạng sử dụng trái phép MTTH đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tâm sinh lý người sử dụng, ảnh hưởng đến TTATXH, trong đó xảy đã xảy ra nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như: vụ 07 người tử vong do sử dụng MTTH trong lễ hội âm nhạc ở công viên nước Hồ Tây ngày 16/9/2018; vụ ca sĩ Châu Việt Cường trong cơn “ngáo đá” làm chết một người; vụ đối tượng Đỗ Thành Trung (24 tuổi, ở Bắc Giang) “ngáo đá” dùng dao đâm khiến Trung tá Trần Văn Dũng (Trưởng Công an xã Tiến Lợi, TP Phan Thiết, Bình Thuận) tử vong ngày 25/12/2018; vụ đối tượng Hoàng Văn Chín sát hại 06 người, khiến 05 người chết, 01 người bị thương nặng ngày 26/12/2019 tại Thái Nguyên, hay gần đây là vụ đối tượng Dương Quang Bình dùng dao uy hiếp 6 người trong đó có 3 cháu nhỏ rồi đâm chết Vũ Mạnh Dũng (NSƯT, Phó Trưởng đoàn Ca kịch của Nhà hát vũ kịch Việt Nam) tại Hà Nội gây hoang mang trong dư luận xã hội.

            

Đối tượng Dương Quang Bình bị Công an khống chế

Theo thống kê, số người nghiện đang ngày càng trẻ hóa, chủ yếu là thanh thiếu niên - tương lai của đất nước. Trong khoảng 235.000 người nghiện có hồ sơ quản lý của cả nước thì dưới 16 tuổi chiếm 0,1%; từ 16 đến dưới 30 tuổi chiếm 48%. Nếu tính đến dưới 35 tuổi thì con số này là 76%. Đáng lo ngại là MTTH cũng đã và đang len lỏi vào học đường bằng cái tên mỹ miều, mang tính quảng cáo như: “tem giấy”, “nước vui”, “trà sữa”, “ma túy dạng khô gà”… Mặc dù lực lượng chức năng cả nước đã tăng cường tuyên truyền tác hại của MTTH trên các phương tiện thông tin đại chúng; tập trung lực lượng điều tra, triệt xóa nhiều tụ điểm sử dụng trái phép MTTH, bắt giữ hàng trăm đối tượng song người nghiện MTTH ở Việt Nam vẫn không ngừng gia tăng, trẻ hóa càng nhanh, là mối lo thật sự trong xã hội.     

  

Ma túy tổng hợp được “hô biến” thành “nước vui”, “trà sữa”

Tình trạng tổ chức sử dụng trái phép chất MTTH tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự và dịch vụ nhạy cảm đang diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Các tụ điểm sử dụng MTTH trá hình xuất hiện ngày càng nhiều, nhất là tại các trung tâm thành phố, thị xã, nơi tập trung đông dân cư để lôi kéo khách, tập trung nhiều ở 05 thành phố lớn là: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và các tỉnh như Bắc Ninh, Quảng Ninh, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bình Dương... thậm chí nhiều cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự và dịch vụ nhạy cảm như vũ trường, quán bar, nhà hàng, khách sạn còn tổ chức sử dụng MTTH để kiếm lời. Thời gian qua, Công an ở nhiều đơn vị, địa phương đã ra quân triệt phá các tụ điểm tổ chức sử dụng MTTH ở quán bar, vũ trường, karaoke... Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã tham mưu lãnh đạo Bộ Công an ban hành văn bản chỉ đạo về việc rà soát, kiểm tra, đánh giá thực trạng tình hình hoạt động của các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT liên quan đến tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tại các địa phương và trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy trên cả nước tiếp tục thực hiện nghiêm túc tập trung phối hợp xác minh, làm rõ và có kế hoạch đấu tranh với các điểm, tụ điểm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy phức tạp, gây bức xúc dư luận. Việc tổ chức đấu tranh, triệt phá các điểm kinh doanh nhạy cảm, phức tạp về ma túy còn nhiều khó khăn do các đối tượng hoạt động núp dưới danh nghĩa hợp pháp. Công tác phòng ngừa, đấu tranh đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể địa phương, tuy nhiên hầu như hiện nay, việc này được giao phó hoàn toàn cho lực lượng Công an. Bên cạnh đó, việc phân công, phân cấp kiểm tra, giám sát công khai thực hiện chưa thường xuyên, chế tài xử lý chưa đủ mạnh dẫn đến hoạt động vẫn diễn biến phức tạp.

Trước những khuynh hướng mới của tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy ở nước ta, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp, phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống ma túy. Cần phải đổi mới mạnh mẽ nội dung và hình thức tuyên truyền với giới trẻ, nhất là bộ phận học sinh, sinh viên, công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Nội dung nhấn mạnh vào tác hại khủng khiếp của MTTH và trang bị cho giới trẻ kỹ năng phòng, chống loại ma túy nguy hiểm này. Đặc biệt, nâng cao hiệu quả việc sử dụng mạng xã hội gần gũi với giới trẻ như Zalo, Facebook... trong tuyên truyền phòng, chống ma túy. Phối hợp với Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, các trường học tổ chức tuyên truyền phòng, chống ma túy với nhiều hình thức như: Tổ chức tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt chi đoàn, chi hội... Đối với đối tượng là học sinh, sinh viên, cần nâng cao hiệu quả phối hợp giữa “Gia đình - nhà trường và xã hội”. Đây là nhân tố có vai trò quan trọng trong việc giáo dục đạo đức, lối sống của học sinh làm tiền đề cho sự ngăn chặn MTTH len lỏi vào học đường. Cần nâng cao nhận thức của các bậc phụ huynh, nhà trường về sự phối hợp này, các bậc phụ huynh cần thường xuyên nắm bắt tình hình học tập, rèn luyện của con em mình; nhà trường cần lồng ghép các nội dung giảng dạy kỹ năng mềm giúp các em biết tự bảo vệ mình trước những cám dỗ của MTTH và các hành vi lôi kéo, dụ dỗ, cưỡng bức các em sử dụng trái phép MTTH. Các tổ chức đoàn thể, quần chúng cần thiết phải tăng cường tương tác với các học sinh, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao nâng cao đời sống tinh thần cho các em, giúp các em tránh căng thẳng, trầm cảm dễ dẫn đến nguy cơ sử dụng MTTH để “giải tỏa”.

Tập trung làm tốt công tác cai nghiện và quản lý sau cai. Riêng đối với nghiện MTTH cần nghiên cứu kết hợp điều trị theo pháp đồ của Bộ Y tế với các biện pháp trị liệu tâm lý thì việc điều trị nghiện MTTH mới thực sự có hiệu quả. Bên cạnh việc giảm nguồn cầu thì việc giảm nguồn cung cũng được lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy xác định là vấn đề mang tính chất quan trọng nhằm kiềm chế sự gia tăng người sử dụng MTTH. Thống kê cho thấy, số vụ, số đối tượng và lượng ma túy thu giữ được năm sau luôn cao hơn năm trước. Nguồn cung MTTH từ nước ngoài vào nước ta không ngừng gia tăng, những vụ án bị lực lượng chức năng phát hiện, vật chứng thu giữ đã lên đến hàng trăm, thậm chí hàng tấn MTTH mỗi lần đối tượng vận chuyển. Do vậy, cần phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chuyên trách đấu tranh chống tội phạm ma túy và các nước láng giềng, phòng ngừa, ngăn chặn ma túy từ xa và tập trung đánh trúng các đường dây ma túy lớn, bắt giữ các đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Đặc biệt, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cần chủ động phối hợp với lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH, Cảnh sát PCCC & CNCH, Cảnh sát khu vực và các lực lượng chức năng khác đấu tranh mạnh với tội phạm lợi dụng hoạt động của các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT và dịch vụ nhạy cảm để tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

Đối với tình trạng người sử dụng MTTH có biểu hiện “ngáo đá”, lực lượng Công an cơ sở cần nắm chắc, lập danh sách đối tượng để có biện pháp quản lý và phối hợp với các đơn vị chức năng đưa đi cai nghiện. Theo thống kê hiện nay số người nghiện đang sinh sống ngoài xã hội chiếm tỷ lệ cao (khoảng gần 70%); số còn lại được quản lý trong các cơ sở cai nghiện bắt buộc, trại tạm giam, tạm giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng. Như vậy, tiềm ẩn nhiều nguy cơ các đối tượng “ngáo đá” thực hiện các hành vi gây mất trật tự an toàn xã hội. Trong khi đó, các văn bản quy pháp pháp luật hiện hành còn bộc lộ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các biện pháp quản lý đối tượng nghiện, do vậy cần phải sửa đổi, bổ sung các văn bản như: Luật Xử lý vi phạm hành chính; Nghị định 167/2013 của Chính phủ; Thông tư 17/2015/TTLT-BYT-BLĐTBXH-BCA của liên Bộ ngày 09/7/2015 “Quy định về thẩm quyền, thủ tục và quy trình xác định tình trạng nghiện ma túy”. Phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Y tế, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội và các cơ sở cai nghiện, bệnh viện tâm thần điều trị cho các đối tượng “ngáo đá” theo hướng dẫn can thiệp lạm dụng MTTH dạng Amphetamine mới ban hành. Đồng thời cần xử lý nghiêm khắc những đối tượng “ngáo đá” gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội để tạo tính răn đe, chủ động phòng ngừa, không để người nghiện ma túy phạm tội. Quan tâm đến việc trang bị kỹ năng, phương tiện, công cụ và cách thức tổ chức giải quyết các đối tượng “ngáo đá” cho lực lượng Công an (nhất là tại địa bàn cơ sở) và lực lượng dân phòng, bảo vệ khu phố có đầy đủ kiến thức, kỹ năng để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân, lực lượng chức năng và cả đối tượng. Tích cực tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trách nhiệm khi phát hiện đối tượng “ngáo đá” cần báo ngay cho lực lượng Công an xử lý, tránh gây ra những hậu quả xấu; tuyệt đối không để đối tượng bị kích động. Không được tiếp cận đối tượng quá gần khi chưa có biện pháp phòng ngừa kèm theo và tránh để bị đối tượng “ngáo đá” gây sát thương. Mặt khác, cần dùng lời lẽ mềm mỏng để vận động, thuyết phục đối tượng và nhanh chóng cách ly đối tượng với những người xung quanh./.

An Phong