Phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong công tác phòng, chống ma túy

Ma tuý và tệ nạn ma túy đã và đang trở thành hiểm họa lớn của toàn nhân loại, tác động trực tiếp đến các quốc gia, dân tộc. Hậu quả do ma túy và tệ nạn ma tuý gây ra là đặc biệt nghiêm trọng trên các lĩnh vực an ninh trật tự, kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội; đồng thời là tội phạm của các loại tội phạm, nguyên nhân làm phát sinh, phát triển nhiều loại tội phạm khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định, phồn vinh và sự trường tồn của mỗi quốc gia, dân tộc.

19/05/2020 | Article Rating

Do vậy từ nhiều năm qua, công tác phòng, chống ma tuý luôn được Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm chú trọng, ưu tiên đầu tư nhiều nguồn lực để tập trung thực hiện. Đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tệ nạn này ra khỏi đời sống xã hội. Ngày 30/11/1996, Bộ Chính trị (khoá VIII) đã ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý” (Chỉ thị 06-CT/TW). Sau khi tiến hành tổng kết Chỉ thị 06-CT/TW, nhận định tình hình tội phạm và tệ nạn ma tuý vẫn diễn biến rất phức tạp, ngày 26/3/2008, Bộ Chính trị (khoá X) ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW về “Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý trong tình hình mới” (Chỉ thị 21) nhằm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện quyết liệt công tác này. Trong đó xác định rõ trách nhiệm của cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên trong công tác phòng, chống ma tuý. Đặc biệt là việc đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác này; kiên quyết kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra tình hình ma túy phức tạp, kéo dài tại địa phương, đơn vị do mình quản lý.

 Kết quả, sau hơn 10 năm tổ chức triển khai Chỉ thị 21 của Bộ Chính trị,  công tác phòng, chống ma túy đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo chuyển biến tích cực, căn bản trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công tác này, góp phần đảm bảo vững chắc an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phòng, chống ma tuý trong thời gian qua còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế như: nhận thức, trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền (nhất là ở cấp cơ sở) về công tác phòng, chống ma túy chưa cao, chưa xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; công tác tuyên truyền chậm được đổi mới, thiếu sáng tạo; hiệu quả bắt giữ tội phạm ma túy chưa tương xứng với tình hình thực tế; số người nghiện ma túy ngoài xã hội vẫn còn nhiều và có xu hướng gia tăng, tỷ lệ tái nghiện vẫn ở mức cao. Nghiêm trọng hơn, trong hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị 21 trên phạm vi toàn quốc, đã có trên 1.500 cán bộ, đảng viên vi phạm về ma túy bị xử lý kỷ luật; thậm chí nhiều trường hợp phải xử lý hình sự.

Tỉnh ủy Ninh Bình tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 21/CT-TƯ của Bộ Chính trị.

Đứng trước tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy không ngừng diễn biến phức tạp với hơn 235.000 người nghiện có hồ sơ quản lý; các đường dây tội phạm ma túy quốc tế không ngừng đẩy mạnh hoạt động, gây nguy cơ đưa nước ta trở thành địa bàn sản xuất, trung chuyển ma túy lớn... ngày 16/8/2019, Bộ Chính trị (khóa XII) đã kịp thời ban hành Chỉ thị số 36 - CT/TW về “Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý” với mục tiêu phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân nhằm từng bước kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma túy; xóa bỏ triệt để các tổ chức, đường dây, tụ điểm sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy ở trong nước; ngăn chặn hiệu quả nguồn ma túy chuyển lậu vào trong nước, không để Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế... Để triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự của đất nước, Bộ Chính trị đã yêu cầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị, xã hội và toàn thể cán bộ, đảng viên cần chú trọng thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu các đơn vị, địa phương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về phòng, chống ma tuý. Cấp ủy đảng các cấp và người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải nhận thức đầy đủ vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các Chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của các bộ, ban, ngành Trung ương về công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới. Cần phải xác định phòng, chống ma túy là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục và lâu dài; đồng thời phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia với mục tiêu đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả tội phạm và tệ nạn ma túy, không để gia tăng phức tạp hơn so với những năm trước đây và kiên quyết không để Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế.

Hai là, cần tập trung chỉ đạo công tác phòng ngừa, xác định đây là giải pháp chiến lược, lâu dài; phát động phong trào toàn dân tham gia phòng, chống ma túy, tích cực phát hiện tố giác tội phạm, các tụ điểm mua bán, tổ chức sử dụng ma túy với cơ quan chức năng. Thường xuyên cập nhật và phổ biến thông tin cho nhân dân về tác hại và biện pháp phòng tránh ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp cũng như phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm ma túy; xây dựng chương trình tuyên truyền chuyên biệt cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao; kịp thời phát hiện, khuyến khích nhân rộng và biểu dương khen thưởng những mô hình, cá nhân tiêu biểu trong phòng, chống ma túy. Tăng cường quản lý chặt chẽ đối với người nghiện ma túy ngoài xã hội, người nghiện sau cai nghiện; thực hiện hiệu quả công tác cai nghiện tại các trung tâm, cơ sở cai nghiện nhằm kiểm soát mức độ nghiện, tình trạng nghiện hiện có, từng bước làm giảm người nghiện và chuyển hóa địa bàn trọng điểm về ma túy tại xã, phường, thị trấn trên toàn quốc.

Ba là, các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma tuý cần tăng cường phối hợp, triển khai các hoạt động nghiệp vụ trên các tuyến, địa bàn để nắm chắc tình hình hoạt động của các đối tượng phạm tội ma tuý. Tập trung đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng mua bán, vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào nội địa; triệt phá, bóc gỡ triệt để các đường dây tội phạm ma tuý lớn, hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia, không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma tuý; nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm ma túy đảm bảo đúng pháp luật. Tổ chức phát hiện và đấu tranh triệt để với những tổ chức, đường dây mua bán ma túy lớn, xuyên quốc gia; xóa bỏ các điểm, tụ điểm mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; chuyển hóa làm trong sạch các địa bàn phức tạp, không để phát sinh hoặc tái phức tạp trở lại; kịp thời phát hiện, triệt phá diện tích trồng cây cần sa, thuốc phiện tại các thành phố lớn và các tỉnh miền núi.

Bốn là, tăng cường kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, không để tội phạm lợi dụng sản xuất, mua bán các chất ma túy trong nội địa. Giám sát, quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các công ty, doanh nghiệp (nhất là các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài) phòng ngừa tình trạng tội phạm ma túy lợi dụng, thành lập các công ty “bình phong” để điều chế, sản xuất ma tuý bất hợp pháp. Tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự như: vũ trường, quán bar, quán karaoke, nhà nghỉ… không để các đối tượng lợi dụng tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý; thường xuyên rà soát để kịp thời đề xuất, bổ sung các chất mới vào danh mục chất ma túy và tiền chất theo quy định của Chính phủ.

 Năm là, cùng với việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống ma túy; sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống ma túy và các văn bản pháp luật khác có liên quan theo hướng đồng bộ, thống nhất, phù hợp với luật pháp của Việt Nam và quốc tế; thực tiễn công tác phòng, chống ma túy ở Việt Nam, cần tiếp tục củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực của các cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy. Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, trong đó phát huy vai trò chủ trì, chủ công, nòng cốt của lực lượng Công an nhân dân; phân công trách nhiệm rõ ràng và phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan trong ngăn chặn nguồn ma tuý từ nước ngoài chuyển lậu vào Việt Nam ngay từ khu vực biên giới, cửa khẩu; có giải pháp căn cơ, xây dựng cơ chế chính sách đặc thù và ưu tiên đầu tư nguồn lực, trang thiết bị chuyên dụng cho lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy.

Sáu là, tích cực, chủ động hợp tác quốc tế trong phòng, chống ma tuý; thực hiện nhất quán quan điểm không hợp pháp hóa các chất ma túy; triển khai thực hiện có hiệu quả 03 Công ước quốc tế về kiểm soát ma tuý, các hiệp định và thoả thuận song phương, đa phương về hợp tác phòng, chống ma túy mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia. Tăng cường hợp tác giữa lực lượng chuyên trách phòng, chống ma tuý của Việt Nam với lực lượng phòng, chống ma túy các nước, các tổ chức quốc tế; ưu tiên hợp tác với các nước có chung đường biên giới và khu vực thông qua hoạt động trao đổi thông tin, xác lập chuyên án điều tra chung với các nước để triệt phá toàn bộ đường dây. Đồng thời tổ chức các hoạt động giao ban định kỳ, chia sẻ kinh nghiệm, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho lực lượng phòng, chống của Việt Nam và các nước trong khu vực, các nước có chung đường biên giới./.

Minh Anh