Những khó khăn, vướng mắc trong áp dụng pháp luật giải quyết các vụ án ma túy theo Bộ luật Hình sự năm 2015

Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018) là cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan tư pháp áp dụng trong điều tra, truy tố, xét xử tội phạm. Tuy nhiêu, sau hơn hai năm thực hiện đã cũng nảy sinh những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong việc áp dụng pháp luật giải quyết các vụ án ma túy cần được cơ quan có chức năng ban hành văn bản hướng dẫn nhằm thực hiện một cách thống nhất.

27/04/2020 | Article Rating

Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm (ĐTTP) về ma túy, Bộ Công an, những khó khăn, vướng mắc cơ bản thể hiện ở 04 nội dung sau đây. Trước hết, BLHS năm 2015 đã tách các hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy, vận chuyển trái phép chất ma túy và mua bán trái phép chất ma túy thành 03 điều độc lập (Điều 249, 250, 251) với hình phạt khác nhau, trong đó tội tàng trữ trái phép chất ma túy không áp dụng hình phạt tử hình dẫn đến việc chứng minh hành vi phải chi tiết, phân định rõ, xác định cụ thể đó là hành vi gì. Trước đây các hành vi này được quy định trong một điều luật (Điều 199 - BLHS năm 2009) và đồng nhất về hình phạt cho nên không cần xác định cụ thể hành vi là vận chuyển, tàng trữ hay mua bán mà chỉ cần xác định theo đối tượng ma túy là có thể kết tội. Tuy nhiên, với cách quy định mới tại BLHS năm 2015, để xác định là mua bán, phải xác định được đối tượng giao dịch; để xác định là vận chuyển phải xác định được điểm đi, điểm đến. Nhưng với các phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội về ma túy mới hiện nay, nhiều trường hợp các đối tượng giao dịch ở nước ngoài dẫn đến không xác định được chính xác tình tiết định tội nêu trên mà chỉ có thể xác định là hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy, không thể mở rộng với các đối tượng khác và tính răn đe không cao (do tội tàng trữ trái phép chất ma túy không áp dụng hình phạt tử hình).

 Thứ hai là vướng mắc về xử lý một số loại ma túy mới, đặc biệt là “cỏ Mỹ”. “Cỏ Mỹ” thực chất là ma túy tổng hợp, được pha loãng rồi tẩm ướp vào một loại thảo dược và được phun thêm chất tạo màu, tạo mùi; có công thức là XLR-11. “Cỏ Mỹ” là chất có trong danh mục chất ma túy và tiền chất, cụ thể thuộc các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội (số thứ tự 391, mục IIC) theo Nghị định số 126/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Tại các Điều: 249, 250, 251 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cũng đã quy định rõ các hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy (bao gồm cả XRL-11). Theo đó, mọi hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng “cỏ Mỹ” sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Xong thực tế hiện nay, các vụ mua bán, vận chuyển trái phép “cỏ Mỹ” được phát hiện và thu giữ với số lượng lớn nhưng rất khó xử lý các đối tượng. Do vướng mắc trong việc giám định hàm lượng và định lượng của chất XRL-11 đang gặp rất nhiều khó khăn vì chưa có mẫu chuẩn để giám định. Vì thế, đối với các vụ phát hiện, bắt giữ “cỏ Mỹ”, nếu chứng minh được có hành vi mua bán trái phép chất ma túy thì cơ quan điều tra cũng chỉ xử lý các đối tượng về hình sự ở Khoản 1 Điều 251 BLHS năm 2015“Người nào mua bán trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm”, hoặc điểm b. Khoản 2: Phạm tội 02 lần trở lên thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. Nếu không chứng minh được có hành vi mua bán trái phép chất ma túy (cụ thể là “cỏ Mỹ”) thì chỉ xử phạt vi phạm hành chính.

Nhiều loại “cỏ Mỹ” đã xuất hiện ở nước ta.

Cùng với XRL-11, một số chất ma túy khác cũng chưa có mẫu giám định chuẩn nên không thể xác định được hàm lượng (ví dụ như chất 4-CEC). Hay trong các vụ thu giữ ma túy gồm có nhiều loại ma túy được pha trộn với nhau cũng rất khó để kết luận giám định hàm lượng, thành phần của từng chất ma túy có trong mẫu vật.

Quá trình hoạt động của các cơ quan bổ trợ tư pháp cũng xuất hiện tình huống là: Hiện nay một số địa phương bắt giữ được đối tượng cùng tang vật, các đối tượng khai nhận đó là ma túy tổng hợp được tẩm ướp trong thảo mộc sấy khô nhưng cơ quan giám định địa phương lại không có mẫu chuẩn để giám định. Mặt khác, đây là trường hợp không bắt buộc phải giám định hàm lượng để tính khối lượng chất ma túy theo quy định tại Nghị định số 19/2018/NĐ-CP, cơ quan giám định từ chối thực hiện giám định hàm lượng thì có thể xác định khối lượng chất ma túy để xử lý trách nhiệm hình sự là tổng khối lượng của thảo mộc và ma túy được tẩm ướp vào thảo mộc không?

Thứ ba là vướng mắc về quy định liên quan đến cây, quả thuốc phiện và cây có chứa chất ma túy. Cụ thể, trong BLHS năm 2015 có nêu khái niệm "quả thuốc phiện tươi" và "quả thuốc phiện khô", tuy nhiên tại các điều này không quy định cụ thể quả thuốc phiện khô và quả thuốc phiện tươi, cũng chưa có văn bản pháp luật nào hướng dẫn xác định thế nào là quả thuốc phiện khô và quả thuốc phiện tươi. Thực tế các cơ quan giám định từ trung ương đến địa phương đều không trả lời được vấn đề này khi cơ quan điều tra yêu cầu. Thậm chí từ chối giám định như trường hợp ngày 03/02/2018, Công an huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An bắt giữ Đậu Quang Đức (SN 1983, trú tại huyện Quỳ Châu) và Hà Thị Huệ (SN 1985 trú tại huyện Quế Phong) về hành vi mua bán quả thuốc phiện với khối lượng 34,2kg. Tại biên bản mở niêm phong xác định khối lượng lấy mẫu vật giám định ghi nhận đặc điểm như sau: Bên trong 2 thùng cát tông màu vàng có chứa nhiều quả cây màu xanh, có đặc điểm giống nhau, nhiều quả còn có nhựa (nghi là quả thuốc phiện). Ngay từ khi tiếp nhận tin báo, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Nghi Lộc đã phối hợp cùng cơ quan cảnh sát điều tra để làm rõ hành vi các đối tượng để xử lý theo quy định của pháp luật và yêu cầu cơ quan cảnh sát điều tra tiến hành trưng cầu số quả nghi là thuốc phiện trên và cho biết đó là quả tươi hay khô. Tại bản Kết luận giám định số 308 ngày 08/02/2018 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Nghệ An kết luận: Các mẫu quả thực vật hình cầu màu xanh gửi tới giám định đều là ma túy (quả thuốc phiện), nhưng không trả lời được là quả tươi hay quả khô.

Để có căn cứ khởi tố bị can theo điểm khoản nào của Điều 251 BLHS năm 2015, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Nghi Lộc đã có yêu cầu cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Nghi Lộc tiếp tục trưng cầu đến Viện Khoa học hình sự Bộ Công an để xác định loại quả thuốc phiện này là quả khô hay quả tươi. Ngày 22/02/2018, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an đã trả lời: Căn cứ Điểm d Khoản 2 Điều 68 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; căn cứ Điểm 2 Điều 11 Luật Giám định tư pháp, Viện Khoa học hình sự từ chối giám định do chưa có căn cứ pháp lý kết luận các mẫu quả thuốc phiện gửi tới giám định là quả tươi hay quả khô. Do đó, khi cơ quan điều tra phát hiện, thu giữ quả thuốc phiện không có căn cứ để xác định là “khô” hay “tươi”, gây khó khăn trong quá trình điều tra để xử lý đúng người, đúng tội theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Điều 247 BLHS năm 2015 quy định về tội trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy, tuy nhiên không quy định cụ thể “cây” được xác định như thế nào (cây đã trưởng thành hay cây mới nảy mầm), dẫn đến nhận thức của cơ quan điều tra không thống nhất, rất khó cho công tác điều tra, xử lý. Hay trong một số điều có liên quan đến cây thuốc phiện, cây cần sa và một số cây khác có quy định“…bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định…?”. Hiểu thế nào về quy định này, khi thu giữ được vật chứng là bộ phận của cây (nghi là cây có chứa chất ma túy trong danh mục quy định của Chính phủ) thì có cần phải yêu cầu giám định tìm chất ma túy trong bộ phận của cây đó không hay chỉ yêu cầu giám định xác định tên loại cây là đủ?

Thứ tư là khó khăn trong việc xác định dụng cụ dùng để sử dụng trái phép chất ma túy và dụng cụ dùng để sản xuất trái phép chất ma túy. Thực tế hiện nay, BLHS năm 2015 quy định về tội mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép dụng cụ dùng để sử dụng trái phép chất ma túy và dụng cụ dùng để sản xuất trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, chưa có quy định cơ quan nào có chức năng xác định, kết luận các loại dụng cụ này. Do vậy dẫn đến việc nhận thức của các cơ quan tiến hành tố tụng không thống nhất, mỗi nơi áp dụng một cách khác nhau, rất khó cho công tác điều tra, xử lý đối với loại tội phạm này.

Điều 254 BLHS năm 2015 quy định về tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy, theo đó phương tiện, dụng cụ được tính bằng “đơn vị” (BLHS năm 2009 quy định là “bộ”). Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể “đơn vị” là như thế nào dẫn đến cơ quan điều tra các cấp nhận thức không thống nhất, phải xin thỉnh thị của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.

Tất cả các vấn đề nêu trên, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy, Bộ Công an đang tham mưu cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị các cấp có thẩm quyền (Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc liên ngành Tư pháp trung ương) ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể để thực hiện thống nhất trên toàn quốc. Ngoài ra, một câu hỏi đặt ra là: trước đây có các văn bản hướng dẫn thi hành một số quy định tại Chương XVIII về “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999 như Thông tư liên tịch số 17/2007 ngày 24/12/2007; Thông tư liên tịch số 08/2015 ngày 14/11/2015; Nghị quyết số 01/2001 ngày 15/3/2001 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. BLHS năm 2015 có nhiều nội dung mới, như vậy kể từ ngày 01/01/2018 các thông tư, nghị quyết nêu trên có còn được vận dụng hướng dẫn thi hành cho BLHS năm 2015 không? Do đó, liên ngành Tư pháp trung ương sớm ban hành thông tư liên tịch thay thế Thông tư số 17/2007/TTLT-BCA-VKDNDTC-TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương “các tội phạm về ma túy” để thực hiện cho thống nhất./.

Thanh Minh