Từ năm 2010 đến nay, tình hình TPMT trên tuyến biên giới ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp. Bên phía các tỉnh giáp biên của Lào, các đối tượng lập tụ điểm thu gom ma tuý chờ cơ hội để vận chuyển vào Việt Nam. Nguồn heroin, ma tuý tổng hợp (MTTH) chủ yếu từ khu vực Tam giác vàng qua Lào, Campuchia vào Việt Nam tiêu thụ và tiếp tục được vận chuyển đi nước thứ ba. MTTH từ khu vực Tam giác vàng và Trung Quốc vào Việt Nam chủ yếu bằng đường bộ. Ngoài ra, nguồn cocain, heroin, các dạng MTTH khác từ khu vực Trăng lưỡi liềm vàng, Nam Mỹ vận chuyển vào Việt Nam qua tuyến đường biển, đường hàng không, đường bưu điện chuyển phát nhanh quốc tế. Thủ đoạn hoạt động của đối tượng ngày càng tinh vi, chúng còn trang bị vũ khí nóng để chống trả quyết liệt lực lượng chức năng.
Trước tình hình trên, các lực lượng chức năng đã tích cực đẩy mạnh đấu tranh, trung bình mỗi năm bắt trên 20.000 vụ, trên 30.000 đối tượng phạm tội về ma tuý. Năm 2019, bắt 22.814 vụ, 35.151 đối tượng liên quan đến TPMT. Thu giữ vật chứng gồm: 1.492,3 kg heroin, trên 5,5 tấn + 987.913 viên MTTH, 586 kg cần sa, 120,54 kg cocain cùng nhiều phương tiện, tài sản liên quan. Trong đó có nhiều vụ mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng rất lớn từ nước ngoài vào Việt Nam. Điển hình ngày 17/02/2019, tại tỉnh Hà Tĩnh, lực lượng chức năng bắt giữ 01 đối tượng, thu 278 kg MTTH, điều tra mở rộng bắt thêm 13 đối tượng, thu giữ 300 kg MTTH. Ngày 20/3/2019, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy thông báo cho Cảnh sát và Hải quan Philippines điều tra, bắt giữ thêm 276 kg MTTH trên con tàu xuất phát từ Việt Nam cập cảng Manila. Từ ngày 15 - 17/4/2019, tại tỉnh Nghệ An, lực lượng công an thu giữ gần 1.300 kg MTTH, 40 bánh heroin. Ngày 27/3/2019, qua việc kiểm tra phương tiện giao thông, Công an TP. Hồ Chí Minh đã bắt giữ nhóm đối tượng vận chuyển trái phép 895 bánh heroin. Tất cả số ma tuý này đều có xuất xứ từ nước ngoài.

Tang vật thu giữ trong vụ vận chuyển 895 bánh heroin tại TP Hồ Chí Minh
Bên cạnh kết quả đạt được trong công tác phòng, chống ma tuý (PCMT) song chúng ta cũng gặp phải những khó khăn, vướng mắc. Do nước ta có đường biên giới dài, địa hình hiểm trở cùng đường bờ biển dài và vùng biển rộng gây khó khăn cho công tác tuần tra, kiểm soát. Lực lượng, phương tiện phục vụ công tác PCMT trên tuyến biên giới trên bộ, đường biển, hải đảo còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đấu tranh. Việc kiểm tra người, hàng hóa xuất nhập cảnh của một số đơn vị chức năng còn hạn chế, thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Năm 2013, Cảng hàng không sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất để lọt 600 bánh heroin trên chuyến bay từ TP. Hồ Chí Minh đi Đài Loan (Trung Quốc) là ví dụ điển hình.
Người nghiện ma tuý, nhất là MTTH ở Việt Nam và trên thế giới gia tăng. Tính đến cuối năm 2019, cả nước có hơn 235.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, tại các cơ sở cai nghiện ma tuý, số người nghiện MTTH chiếm khoảng 80%. Một số nơi, cấp ủy, chính quyền địa phương chưa nhận thức hết trách nhiệm, chưa quan tâm đầu tư cho công tác PCMT. Việc tuyên truyền còn hạn chế do thiếu kinh phí, cán bộ thực hiện hoặc chỉ làm qua loa, không đến được nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Việc vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ chưa có hiệu quả. Hầu hết các đối tượng liên quan đến TPMT đều có vũ khí nóng, nên khi bị bắt chúng sẵn sàng chống trả quyết liệt lực lượng chức năng.
Biên chế của các lực lượng PCMT trên tuyến biên giới, hải đảo thiếu, làm việc kiêm nhiệm, hầu hết các đội cảnh sát ĐTTP về ma túy của công an các huyện biên giới, tổ điều tra án ma túy của hải quan tại các cửa khẩu bị sáp nhập vào các đơn vị khác. Công tác nắm địa bàn chưa được quan tâm đúng mức, chủ yếu mới dừng lại ở bắt quả tang, củng cố hồ sơ để truy tố, chưa tích cực đấu tranh mở rộng, bắt triệt để các đối tượng trong đường dây đã ảnh hưởng đến chất lượng công tác PCMT trên địa bàn. Công tác phối hợp giữa các lực lượng trên tuyến chưa có sự chỉ đạo thống nhất, chỉ dừng ở góc độ vụ việc. Một số cán bộ, chiến sỹ chưa thực sự yên tâm công tác, luôn có tư tưởng xin chuyển công tác, nên hiệu quả hợp tác chưa cao.
Tình hình TPMT trong năm tới sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, do số người nghiện ma tuý ở trong nước và thế giới gia tăng trung bình khoảng 7 - 12%/năm. Mặt khác, tình trạng xung đột quân sự tại khu vực Tam giác vàng, Trăng lưỡi liềm vàng và Nam Mỹ còn tiếp diễn. Các nhóm phiến quân gia tăng trồng, sản xuất ma túy bán lấy tiền mua vũ khí. Do đó, TPMT sẽ tiếp tục gia tăng. Việt Nam tiếp giáp khu vực Tam giác vàng, là nơi sản xuất mỗi năm khoảng 500 tấn thuốc phiện, 200 tấn MTTH (dạng tinh thể), trên 01 tỷ viên MTTH. Nguồn ma tuý này chủ yếu vận chuyển qua Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan đi các nước tiêu thụ. Nếu Trung Quốc, Thái Lan đấu tranh mạnh như hiện nay thì hầu hết lượng ma túy này sẽ vào nước ta. Nếu không sớm có chủ trương, giải pháp đấu tranh quyết liệt, ngăn chặn có hiệu quả, chúng ta sẽ trở thành địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế.
Để góp phần đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả TPMT từ nước ngoài vào Việt Nam, chúng tôi xin kiến nghị một số giải pháp sau:
Một là, cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng các cơ quan đơn vị cần tổ chức quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới cán bộ, đảng viên và quần chúng về Chỉ thỉ số 36-CT/TW, ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Tuyên truyền cho nhân dân về tác hại của tệ nạn ma túy, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm qua đó phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nói chung, PCMT nói riêng.
Hai là, Bộ Công an sớm báo cáo Chính phủ có đề án, giải pháp tăng cường biên chế, kinh phí, phương tiện kỹ thuật hiện đại cho công tác PCMT. Chỉ đạo thống nhất các địa phương có tuyến biên giới, đường biển, các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường phối hợp với cảnh sát các nước có chung biên giới thường xuyên tuần tra, kiểm soát chặt chẽ người, hàng hoá, phương tiện ra, vào Việt Nam. Nghiên cứu học tập kinh nghiệm PCMT của Trung Quốc, Thái Lan thành lập tổ công tác liên ngành bao gồm lực lượng công an, biên phòng, hải quan tại các cửa khẩu, sân bay, bến cảng có tình hình TPMT phức tạp, có lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn. Thành lập các trạm kiểm soát công khai, di động, trang bị máy soi chiếu hiện đại tại các tuyến trọng điểm về ma túy gần khu vực biên giới như tuyến Lạng Sơn - Hà Nội, Quốc lộ 6, Quốc lộ 3, Quốc lộ 7, Quốc lộ 9, tuyến Tây Ninh - TP. Hồ Chí Minh…
Ba là, lực lượng chuyên trách PCMT của Bộ Công an có trách nhiệm là chủ công, nòng cốt chủ động tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương có kế hoạch phối hợp với các ngành, các cấp tuyên truyền sâu rộng qua đó vận động toàn dân chung sức cùng với lực lượng chức năng PCMT trên tuyến biên giới đường bộ, đường biển. Đồng thời chủ động phối hợp với biên phòng, hải quan, cảnh sát biển cử cán bộ thường xuyên trao đổi thông tin, hợp tác với cảnh sát các nước trong khu vực. Làm tốt công tác nắm tình hình đối với những tuyến, địa bàn trọng điểm nằm dọc biên giới trên bộ, tuyến đường biển, đường hàng không được xác định phức tạp về ma túy. Lập danh sách các điểm, tụ điểm, đối tượng liên quan đến TPMT, nhất là đối tượng phạm tội về ma túy trốn truy nã ở khu vực giáp biên, trốn ra nước ngoài nghi vấn hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy từ nước ngoài vào nội địa. Trên cơ sở tài liệu thu thập được và đơn thư tố giác tội phạm, lực lượng chức năng tích cực đấu tranh, truy bắt đối tượng phạm tội, triệt phá các tụ điểm ma túy phức tạp tại khu vực biên giới, ven biển, hải đảo.
Bốn là, các lực lượng chuyên trách PCMT của công an, biên phòng, cảnh sát biển, hải quan, là các đơn vị trực tiếp đấu tranh chống TPMT trên biên giới đất liền, tuyến biển phải thực hiện tốt Quy chế 133/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tập trung lực lượng, nêu cao ý thức trách nhiệm, chủ động có kế hoạch nắm chắc tuyến, địa bàn phụ trách. Tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát người, hàng hoá qua biên giới, cửa khẩu không để ma túy xâm nhập vào Việt Nam. Chủ động phối hợp, trao đổi thông tin, kinh nghiệm đấu tranh, mở cao điểm tấn công trấn áp TPMT với Cảnh sát Trung Quốc, Lào, Campuchia và các nước liên quan.
Năm là, Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính tăng thêm biên chế, tái thành lập các đội PCMT tại công an các huyện biên giới, đồn biên phòng và chi cục hải quan các cửa khẩu. Đây là các đơn vị trực tiếp đấu tranh với TPMT trên tuyến biên giới. Hàng năm, tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ chiến thuật, nghiệp vụ trong đấu tranh truy bắt TPMT, đồng thời quan tâm đảm bảo đời sống để cán bộ, chiến sỹ yên tâm công tác.
Sáu là, có chế độ thi đua khen thưởng kịp thời đối với cán bộ, chiến sỹ lập thành tích xuất sắc trong đấu tranh chống TPMT. Hỗ trợ kinh phí cho các chuyên án. Đối với các vụ án ma túy lớn phải điều tra làm rõ ma tuý lọt qua cửa khẩu, biên giới thuộc trách nhiệm của đơn vị, cá nhân nào để rút kinh nghiệm, cần thiết phải kiến nghị xử lý nghiêm minh đối với các đơn vị, cá nhân lơ là, thiếu trách nhiệm trong đấu tranh./.
Công Trình