Trong năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến cần sa có những diễn biến mới đáng lưu ý, từ trồng, chế biến, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép cần sa. Có vụ bao gồm nhiều hành vi như vụ đối tượng ở xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng trồng cần sa ngay trong vườn nhà, sau đó mua máy móc về chế biến, phân thành nhiều loại, đóng vào hàng trăm gói, dán nhãn mác, cất giữ trong nhà. Cụ thể, vào khoảng 22 giờ ngày 17/3/2020, Đội Cảnh sát ĐTTP về kinh tế - ma tuý Công an huyện Lâm Hà phối hợp Công an xã Phúc Thọ tiến hành bắt quả tang tại nhà nghi can Lê Duy Khánh (SN 1986, trú tại thôn Phúc Thanh, xã Phúc Thọ) đang cất giấu nhiều túi nilon và túi màu bạc, bên trong có chứa thân, cành, lá thực vật khô, nghi là cần sa. Công an đã lập biên bản bắt người phạm tội quả tang, niêm phong thu giữ toàn bộ số vật chứng gồm: 10 túi nilon, 75 túi bạc (kích thước 20x30cm, hàn kín hai đầu, dán nhãn Vương Bảo), 78 túi giấy bạc không có nhãn mác, tất cả được cất giấu trong thùng carton, kiểm tra bên trong đều có chứa thân, cành, lá thực vật khô, nghi là cần sa, 210 ống giấy cuốn chứa bột nghi cần sa, 01 túi đựng hạt màu xanh, nghi hạt cần sa. Ngoài ra, còn thu giữ 01 máy hàn màu xanh để hàn miệng túi bạc, 01 cân điện tử màu xám, 01 máy nghiền không rõ chủng loại, 01 máy tạo khuôn, máy sấy, 01 thùng xốp bên trong có chứa các chất bột màu trắng, xanh, đỏ, 01 thùng gỗ trong có chứa các chất bột màu xanh, máy ảnh, điện thoại và nhiều vật dụng liên quan khác.
Quá trình đấu tranh, Khánh khai nhận, toàn bộ số thực vật khô trên là cần sa được Khánh trồng tại nhà từ tháng 8/2019 đến tháng 11/2019 thì thu hoạch, chế biến, chia vào các túi nilon và túi màu bạc, mục đích để sử dụng. Quá trình chế biến, Khánh mua một số máy móc về sấy khô cần sa, hàn miệng túi màu bạc chứa cần sa, còn túi nilon thì buộc lại. Ngoài ra, đối tượng còn xay nhỏ cần sa thành bột mịn, bỏ vào trong các ống giấy cuốn cất giấu.

Cần sa được đối tượng Lê Duy Khánh đóng trong túi nilon (Ảnh: Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh)
Năm 2019, tình hình trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy (cây cần sa) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có những diễn biến hết sức phức tạp. Các cơ quan chức năng đã phát hiện, nhổ và tiêu hủy 779 cây cần sa trồng trong dân. Trong đó, nhiều nhất là tại huyện Lâm Hà, cơ quan chức năng phát hiện 10 trường hợp trồng 697 cây cần sa, kế tiếp là huyện Đức Trọng với hai trường hợp 40 cây, thành phố Đà Lạt có hai trường hợp trồng 18 cây, huyện Di Linh 05 trường hợp trồng 17 cây, thành phố Bảo Lộc một trường hợp với 07 cây. Trên bình diện cả nước, theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, năm 2019 tình trạng trồng và tái trồng cây cần sa ở một số địa bàn đã cơ bản được kiềm chế, tuy nhiên vẫn chưa giải quyết triệt để và bền vững. Toàn quốc đã phát hiện và triệt phá được 28.052 m2 diện tích trồng cây có chứa chất ma túy. Điển hình ngày 24/9/2019, tại khu vực núi Bể thuộc địa bàn giáp ranh của 03 xã Thắng Hải, Tân Đức, huyện Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận) và xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), lực lượng tuần tra của Đồn Biên phòng Tân Thắng (Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận), Công an huyện Hàm Tân, Trại giam Thủ Đức (Công an tỉnh Bình Thuận) đã phát hiện, phá nhổ và tiêu hủy khoảng 450 cây cần sa vô chủ được trồng trên diện tích khoảng 500m2. Cũng trong năm 2019, lực lượng chức năng toàn quốc thu giữ 586 kg cần sa, là vật chứng các vụ tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy (cần sa).
... Đến mua bán cần sa trên mạng xã hội
Gần đây, cần sa còn được mua bán thông qua các “nhóm kín” trên mạng xã hội. Người mua muốn vào các nhóm này phải được người quản lý trang đồng ý và bán hàng đăng lên các nhóm này cũng phải được sự phê duyệt của người quản lý trang. Sau khi đăng bài, ai mua hàng thì nhắn tin riêng cho người bán, nhưng cũng phải là người quen biết thì mới thỏa thuận mua bán. Đáng chú ý, các đối tượng thường sử dụng nick "ảo" để trao đổi nên rất khó xác định được chủ sở hữu thật sự của các trang mạng cá nhân này. Khi xong thỏa thuận, các đối tượng lại thuê những người shipper giao hàng và nói hàng hóa là những mặt hàng thông thường như nước hoa, mỹ phẩm để tránh bị nghi ngờ. Điển hình là vụ thông qua các “nhóm kín” trên mạng xã hội, Nguyễn Nam Cao (SN 198l, trú tại xã Đông Dư, huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã thuê những người tại chính nơi mình ở đi giao hàng cho khách để trốn tránh cơ quan chức năng... Cụ thể, chiều 21/02/2020, tại địa bàn xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, tổ công tác Đội Cảnh sát ĐTTP về kinh tế - ma túy, Công an huyện Hoài Đức làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát đã tiến hành kiểm tra hành chính ông N.T.V trú tại xã Đông Dư, huyện Gia Lâm. Ông V khai mình là shipper đi giao hàng cho khách theo yêu cầu của một người ở gần nhà tên là Cao. Trong tay ông V có một túi giấy bên ngoài có ghim một dòng chữ ghi “Đại học Thành Đô, thu 600K”. Bên trong túi giấy có một hộp nhựa màu trắng chứa thảo mộc khô và một bao thuốc lá chứa 05 điếu thuốc lá. Giám định sơ bộ tại Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an thành phố Hà Nội xác định thảo mộc bên trong hộp nhựa màu trắng có khối lượng 5,150g là ma túy loại cần sa. Thảo mộc bên trong 05 điếu thuốc có khối lượng 2,807g.
Quá trình điều tra xác định, sáng cùng ngày, do có nhu cầu sử dụng ma túy, Đỗ Văn Đông, trú tại huyện Hoài Đức đã dùng tài khoản Facebook nhắn tin đến tài khoản Facebook có tên là “Thảo dược store” với nội dung hỏi mua ma túy cần sa. Chủ của trang Facebook này là Nguyễn Nam Cao đã đồng ý bán cho Đông 05g ma túy cần sa và 05 điếu thuốc lá chứa ma túy cần sa với giá 600.000 đồng. Cao đã thuê ông N.T.V đi ship hàng cho mình chuyển đến cho Đông. Khi ông V đang đi giao hàng cho Đông thì bị cơ quan công an kiểm tra bắt giữ. Điều tra mở rộng, Đội Cảnh sát ĐTTP về kinh tế - ma túy, Công an huyện Hoài Đức xác định người bán cần sa cho Nguyễn Cao Nam là Dương Quang Huy (SN 1981, trú tại phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội). Triệu tập Dương Quang Huy đến cơ quan công an, đối tượng này cũng đang trên đường đi bán cần sa, thu giữ 98,909g ma túy cần sa.
Trước đó, vào cuối năm 2019, Công an thành phố Hà Nội cũng đã phối hợp với Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy phát hiện ra thủ đoạn mới của tội phạm ma túy là xay, cắt và nghiền nhỏ cần sa làm thành dạng bánh bán qua mạng internet gây bức xúc trong dư luận xã hội như vụ kiểm tra, bắt giữ Hoàng Minh Quang (SN 1999, đăng ký hộ khẩu tại phường Iakring, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, trú tại Time City, phường Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đang mua bánh có chứa cần sa của đối tượng Nguyễn Lan Hương (SN 1966, trú tại ngõ 53 Đường Thành, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Vật chứng thu giữ 04 bánh chất bột màu nâu, tổng khối lượng 147,54 gam, qua giám định cả 04 bánh này đều có chứa chất THC là chất ma túy có trong cần sa.
Cần kiểm soát chặt chẽ cần sa
Trước diễn biến mới của tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến cần sa, đặc biệt đáng lưu ý là thủ đoạn đối tượng dùng mạng xã hội để mua bán cần sa hoặc bánh chứa cần sa như đã nêu trên, các cơ quan chức năng cần phải tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này. Bên cạnh giải pháp tuyên truyền rộng rãi cho nhân dân về tác hại của việc lạm dụng cần sa, cần phải tăng cường kiểm duyệt, điều tra, phát hiện và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức giới thiệu, mua bán, khuyến khích sử dụng cần sa nói riêng, các chất ma túy, chất gây nghiện, chất gây ảo giác trên mạng xã hội. Chúng ta kiên quyết kiểm soát chặt chẽ cần sa, mặc dù trong bối cảnh vài năm gần đây, một số nước trên thế giới tìm cách hợp pháp hóa cần sa vì mục đích y tế và nghiên cứu khoa học, trong đó có một số nước ở khu vực Đông Nam Á, tạo ra nguy cơ mới khiến công tác kiểm soát ma tuý của các nước, trong đó có Việt Nam trở nên khó khăn hơn.
Báo cáo về tình hình ma túy của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) vừa qua tiếp tục khẳng định cần sa là loại ma túy phổ biến nhất trên toàn cầu với 192 triệu người đã từng sử dụng ít nhất một lần trong năm qua. Số lượng người lạm dụng cần sa cao hơn rất nhiều các loại ma túy khác, như methamphetamine và thuốc phiện: 34 triệu người, ecstasy: 21 triệu người...
Pháp luật Việt Nam cấm toàn bộ các hoạt động liên quan đến cần sa (trồng, vận chuyển, mua bán, sử dụng cần sa). Hiện nay ở Việt Nam chưa có nghiên cứu khoa học cũng như nhu cầu sử dụng chế phẩm cần sa trong y tế, hiện tại chỉ có một lượng mẫu rất nhỏ các chất nhóm cannabinoid được nhập khẩu phục vụ công tác giám định, thử tay nghề.
|
Tạ Đức