Thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy
Tội phạm ma túy thường sử dụng các thủ đoạn hoạt động trong lĩnh vực hải quan như: lợi dụng chủ trương ưu đãi, thu hút đầu tư, thành lập doanh nghiệp để vận chuyển phương tiện, thiết bị, nguyên liệu, thuê kho bãi... phục vụ hoạt động sản xuất, vận chuyển trái phép ma túy từ nước ngoài vào nước ta và tiếp tục đưa đi nước thứ ba tiêu thụ. Lợi dụng chính sách tạo thuận lợi của nhà nước trong thông quan đối với hàng hoá xuất nhập khẩu, hành lý, phương tiện xuất, nhập cảnh để cất giấu ma túy với các phương thức, thủ đoạn thường sử dụng là: khai báo sai tên hàng hoá, số lượng, chủng loại hàng hoá; lợi dụng các doanh nghiệp được ưu tiên để trà trộn, cất giấu ma tuý vào hàng hoá xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh, quá cảnh, cất giấu trong người, hành lý để đưa ma tuý vào Việt Nam hoặc ra nước ngoài tiêu thụ.
Đối với loại hình hàng hoá, phương tiện quá cảnh, tội phạm ma tuý thường lợi dụng chính sách quản lý hải quan đối với hàng quá cảnh là chỉ giám sát hàng hóa từ cửa khẩu nhập đến cửa khẩu xuất, không kiểm tra hải quan để cất giấu ma túy trong hàng hóa do các phương tiện quá cảnh chuyên chở (nhất là các phương tiện xe container) nhằm trốn tránh sự kiểm soát của các lực lượng chức năng. Lợi dụng loại hình hàng tạm nhập - tái xuất để cất giấu vào hàng hoá đựng trong các container, vận chuyển mua ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam, sau đó vận chuyển đi nước thứ ba tiêu thụ.
Đối với hành lý mang theo người làm thủ tục xuất nhập cảnh, bọn tội phạm thường giấu ma túy tinh vi bên trong các vali, túi xách được thiết kế hai đáy, gia cố cất giấu giữa các cạnh, vách thùng đựng hàng hóa; cất giấu trong hàng tạp hóa, tượng, tranh sơn dầu, loa thùng..., sau đó trực tiếp hoặc thuê cư dân biên giới, các đối tượng lao động tự do thường xuyên qua lại hai bên biên giới, thăm thân, du lịch để vận chuyển.
Theo quy định về phân luồng tự động kiểm tra hải quan ở nước ta, hiện có 03 mức:
- “Luồng xanh”: không phải kiểm tra tra hồ sơ và hàng hóa được thông quan ngay sau khi đã nộp đủ thuế: được áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp được phân loại là Doanh nghiệp ưu tiên (do Tổng cục Hải quan công nhận). Ngoài ra, các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật và không nằm trong các tiêu chí rủi ro sẽ được phân “luồng xanh” theo tỷ lệ nhất định.
- “Luồng vàng”: chỉ kiểm tra hồ sơ.
- “Luồng đỏ”: kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa.
Ngoài việc phân luồng tự động, khi có thông tin về dấu hiệu vi phạm, Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu có quyền chuyển “luồng đỏ” để kiểm tra thực tế hàng hóa.
Trong 03 năm gần đây (2017-2019), xu thế chung tỉ lệ phân “luồng xanh” tăng lên, “luồng vàng”, “luồng đỏ” giảm do hoạt động thông quan hàng hóa ngày càng thông thoáng theo đòi hỏi của Tổ chức Hải quan thế giới.
|
Nhiều kết quả đáng khích lệ
Với vai trò là thành viên Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống ma túy, mại dâm, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo lực lượng hải quan chủ trì và phối hợp với các lực lượng chức năng trong nước và nước ngoài liên tiếp triệt phá thành công các đường dây, ổ nhóm buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy liên tỉnh, xuyên quốc gia. Trong năm 2019, toàn ngành hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện và bắt giữ hơn 150 vụ, 147 đối tượng, thu giữ 19,2kg + 764 bánh heroin; 1.668kg + 308.539 viên ma túy tổng hợp; 24,3kg cần sa; 21kg thuốc phiện; 04kg cocain và nhiều tài liệu có liên quan.
Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 133/2002/QĐ-TTg ngày 09/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp giữa lực lượng công an, biên phòng, cảnh sát biển và hải quan trong đấu tranh phòng, chống các tội phạm về ma túy tại địa bàn biên giới, cửa khẩu và trên biển, công tác phối hợp giữa 04 lực lượng đã ngày càng nhịp nhàng, chặt chẽ, hiệu quả hơn. Các đơn vị đã tăng cường công tác trao đổi thông tin, cảnh báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm ma túy; tích cực phối hợp xây dựng các kế hoạch, phương án đấu tranh thành công nhiều vụ án ma túy lớn. Quá trình phối hợp, công tác trao đổi, xử lý, xác minh thông tin, xác lập, đấu tranh chuyên án chung từng bước đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả, kết quả điều tra các vụ án ma túy ngày càng được tăng cường. Nhờ đó, đã phối hợp triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia và nhiều tụ điểm phức tạp về ma túy tại các tuyến, địa bàn trọng điểm. Tỉ lệ phát hiện, bắt giữ tội phạm và thu giữ ma túy ngày càng tăng, thể hiện sự phối hợp ngày càng chặt chẽ, tinh thần đoàn kết, quyết tâm đấu tranh với tội phạm ma túy ngay từ địa bàn biên giới, cửa khẩu, đến nội địa của các lực lượng phòng, chống ma túy. Trong 03 năm (2017-2019), lực lượng hải quan đã chủ trì và phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 251 vụ, 256 đối tượng phạm tội về ma túy; thu giữ gần 38kg + 856 bánh heroin, khoảng 1.850kg + 467.000 viên ma túy tổng hợp, 72kg thuốc phiện, 168kg cần sa, 18,190kg cocain, 2.801kg lá khát…
Điển hình ngày 11/5/2019, Đội Kiểm soát phòng, chống ma túy, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh phối hợp với Cục Cảnh sát ĐTTP về ma tuý, Bộ Công an; Đội Kiểm soát chống buôn lậu ma túy khu vực phía Nam thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan (Đội 6)… đồng loạt tiến hành kiểm tra kho chứa hàng tại huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh, phát hiện 04 máy ép bao bì chân không dùng để ép ma túy và gần 500kg ketamine được ngụy trang dưới lớp vải bạt, cất giấu trong 01 xe ô tô và 02 valy vải. Theo Tổng cục Hải quan, đây là vụ vận chuyển trái phép ma túy ketamine từ Lào vào Việt Nam do nhóm đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc) cầm đầu với số lượng lớn nhất từ trước đến nay (trị giá gần 500 tỷ đồng) để đi nước thứ ba tiêu thụ. Ngày 03/11/2019 tại TP Hồ Chí Minh, Đội 6, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan chủ trì, phối hợp với các đơn vị trực thuộc Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy, Bộ Công an và Phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy, Công an TP Hồ Chí Minh triệt phá thành công chuyên án, bắt giữ 02 đối tượng, thu 446 bánh heroin.

Tổng cục Hải quan trao thưởng cho các đơn vị phá chuyên án, thu 500kg ketamine.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống ma túy của ngành hải quan cũng còn một số tồn tại nhất định như chưa khai thác, phát huy có hiệu quả các phương tiện máy soi, máy phát hiện ma túy, máy kiểm thể, chó nghiệp vụ trong công tác kiểm soát ma túy; còn để lọt ma túy qua khu vực kiểm soát hải quan. Công tác phối hợp trong quản lý các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy mà chủ yếu là tiền chất ma túy mới dừng lại ở mức kiểm soát trong các khâu xuất, nhập khẩu, chưa quan tâm đến việc quản lý, sử dụng, tiêu hao, tồn đọng trong các khu vực kiểm soát hải quan mà tội phạm ma tuý có thể lợi dụng điều chế, sản xuất ma tuý tổng hợp... Ngoài ra, trong công tác phối hợp giữa 04 lực lượng (hải quan, công an, biên phòng, cảnh sát biển), hoạt động trao đổi thông tin mới chỉ thể hiện trên các văn bản, việc trao đổi và phản hồi thông tin nghiệp vụ chưa được thực hiện thường xuyên, kịp thời nhất là những thông tin liên quan đến đối tượng, đường dây, tổ chức tội phạm ma tuý hoặc kết quả xử lý các vụ việc, vật chứng liên quan đến tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma tuý qua biên giới bị bắt giữ.
Thời gian tới, ngành hải quan tiếp tục phấn đấu tạo bước chuyển mạnh mẽ trong công tác phòng, chống ma túy nhằm đạt được mục tiêu đề ra tại Kế hoạch tăng cường công tác kiểm soát ma túy, tiền chất trong địa bàn hoạt động hải quan. Nâng cao hiệu quả phát hiện ma túy qua công tác tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, trung chuyển tại các chi cục hải quan. Các lực lượng cần phối hợp soạn thảo, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định mới thay thế Quyết định số 133/2002/QĐ-TTg ngày 09/10/2002 ban hành Quy chế phối hợp giữa lực lượng công an, biên phòng, cảnh sát biển và hải quan trong đấu tranh phòng, chống các tội phạm về ma túy tại địa bàn biên giới, cửa khẩu và trên biển; trong đó lưu ý công tác trao đổi và phản hồi thông tin cần phải được thực hiện thường xuyên, kịp thời; phối hợp xử lý các vụ việc, vật chứng liên quan; lập kế hoạch đấu tranh chuyên án chung, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho các lực lượng tham gia từ khâu phát hiện, bắt giữ đến giải quyết vụ án./.
Nguyễn Xuân