Bộ đội Biên phòng (BĐBP) được giao quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển, đảo với đường biên giới đất liền dài gần 5.000 km, bờ biển dài 3.260 km và nội thủy rộng trên 1 triệu km2. Địa bàn khu vực biên giới gồm 1.075 xã, phường thuộc 235 huyện, thị của 44 tỉnh, thành phố và là nơi sinh sống của hơn 9,5 triệu người dân, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số. Tuyến biên giới tuyến đất liền chủ yếu là núi cao, rừng sâu, địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn. Tuy nhiên, lại là điều kiện thuận lợi để các đường dây tội phạm lợi dụng hoạt động tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới vào sâu trong nội địa.
Năm 2017, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Quyết định số 1960 phê duyệt Đề án chuyển hóa địa bàn trọng điểm phức tạp về TTATXH đến năm 2020. Tiếp đó, ngày 14/12/2018, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Quyết định số 8014 phê duyệt Dự án “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy tại xã, phường, thị trấn giai đoạn 2019-2020” triển khai trên phạm vi toàn quốc (Dự án). Trên cơ sở các quyết định đã ban hành, Bộ Tư lệnh BĐBP đã xây dựng Kế hoạch số 410/KH-BTL ngày 24/01/2019 về triển khai thực hiện Dự án tại địa bàn các xã, phường, thị trấn ở khu vực biên giới; chỉ đạo BĐBP các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; phối hợp với lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tăng cường lực lượng, phương tiện, triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy tại các địa bàn.
Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo Cục Chính trị, BĐBP các tỉnh, thành phố làm tốt công tác tham mưu; phát huy vai trò quản lý nhà nước của UBND cấp xã về phòng, chống ma túy; tham gia kiện toàn tổ chức chính trị cơ sở, tập trung củng cố các chi, đảng bộ, lực lượng bảo đảm ANTT, chi hội phụ nữ, đoàn thanh niên, Mặt trận Tổ quốc cấp xã; kiện toàn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống ma túy tại các xã, phường, thị trấn ở khu vực biên giới. BĐBP các tỉnh, thành phố đã cử 332 đồng chí cán bộ trực tiếp xuống các xã biên giới đảm nhận cương vị Bí thư Đảng ủy, Phó Bí thư Đảng ủy xã nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy.
Trong công tác tuyên truyền, các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với các lực lượng chức năng đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống ma túy cho các già làng, trưởng bản, trưởng các dòng họ, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc và mọi người dân. Kết quả, đã tổ chức tuyên truyền tập trung được 4.560 buổi, thu hút hơn 70.000 lượt người tham gia; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (phát thanh, truyền thanh) tuyên truyền được 1.056 đợt; phát 15.870 tờ rơi, tổ chức họp dân được hơn 2.000 buổi kết hợp với tuyên truyền cá biệt; đưa đối tượng ra kiểm điểm trước dân, cải tạo giáo dục họ trở thành người tốt. Đồng thời duy trì thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp phòng, chống tệ nạn xã hội giữa các thôn, làng, xóm, tổ dân phố, khu dân cư của 343 xã, 43 phường, thị trấn khu vực biên giới. Phổ biến các mô hình hiệu quả, biểu dương khen thưởng kịp thời các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tội phạm và ma túy; thường xuyên phối hợp triển khai các đợt cao điểm tuyên truyền phòng, chống ma túy, giải quyết kịp thời các vụ việc, không để xảy ra “điểm nóng”, tụ điểm phức tạp về tội phạm, tệ nạn ma túy và các tệ nạn xã hội khác.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển phối hợp tuyên truyền phòng, chống ma túy cho ngư dân
Bộ Tư lệnh BĐBP, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh BĐBP) đã chỉ đạo các đơn vị thường xuyên làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, qua đó nắm chắc tình hình tội phạm ma túy để xác lập chuyên án, kế hoạch đấu tranh có hiệu quả, làm giảm cơ bản tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn. Kết quả năm 2019, các đơn vị BĐBP đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng xác lập đấu tranh 102 chuyên án ma túy, bắt hàng trăm đối tượng, trong đó nhiều đối tượng là người nước ngoài; thu 1.163,924 kg ma túy các loại, 13 tấn + 50 phi hóa chất, tiền chất, nhiều máy móc để sản xuất ma túy… cùng nhiều tang vật, tài liệu, tài sản có liên quan.
Bên cạnh đó, lực lượng BĐBP đã thực hiện hiệu quả mô hình quân dân y kết hợp trong công tác điều trị, cai nghiện cho người nghiện ma túy. Qua đó các đơn vị đã phối hợp tốt với lực lượng Công an, trung tâm y tế, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội các cấp tổ chức vận động, rà soát, lập hồ sơ đưa 1.190 người đi cai nghiện; phối hợp xây dựng các điểm cắt cơn, tư vấn, hướng dẫn cai nghiện tại cộng đồng.
Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy tại xã, phường, thị trấn ở địa bàn biên giới, BĐBP các cấp sẽ tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng tiến hành rà soát, đánh giá chính xác, cụ thể tình hình TTATXH trên 1.075 xã, phường, thị trấn biên giới, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm về ma túy. Từ đó chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để phát triển kinh tế khu vực biên giới nhằm nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân. Tập trung chỉ đạo, phối hợp với chính quyền cấp huyện giáp biên lựa chọn 56 địa bàn xây dựng mô hình điểm “Bộ đội Biên phòng tham gia xây dựng xã, phường, thị trấn không có ma túy”, trên cơ sở đó tổng kết rút kinh nghiệm chung và phổ biến, nhân rộng.
Đồng thời tập trung triển khai các biện pháp nghiệp vụ, nâng cao số lượng, chất lượng đấu tranh các chuyên án, vụ án về ma túy; nghiên cứu, áp dụng các biện pháp khoa học, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ mới phục vụ công tác phòng, chống tội phạm ma túy ở các tuyến, địa bàn trọng điểm. Tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp với lực lượng chức năng các nước láng giềng trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy; xây dựng địa bàn các xã, phường, thị trấn ở khu vực biên giới trở thành phòng tuyến vững chắc để ngăn chặn tội phạm, tệ nạn ma túy từ nước ngoài xâm nhập vào trong nước./.
Nhật Nam