Đặc biệt hai năm trở lại đây, xuất hiện tình trạng các đối tượng người nước ngoài cấu kết với các đối tượng trong nước “núp bóng” dưới danh nghĩa doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hoặc các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự và dịch vụ nhạy cảm để lợi dụng hoạt động phạm tội về ma túy (sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy; chứa chấp, cưỡng bức, lôi kéo, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy), ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh, trật tự. Thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống ma túy, lực lượng Công an đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, đấu tranh, xử lý hàng trăm ngàn vụ, đối tượng phạm tội về ma túy. Đặc biệt năm 2019, lực lượng Công an đã phát hiện, bắt giữ hơn 22.000 vụ, hơn 35.000 đối tượng liên quan đến tội phạm ma túy; thu giữ gần 1,5 tấn heroin, gần 600 kg cần sa, hơn 120 kg cocain, hơn 5,5 tấn và gần 1 triệu viên MTTH cùng nhiều vật chứng liên quan. Đáng lưu ý là số lượng ma túy tổng hợp thu giữ tăng đột biến, cao hơn gấp 2,5 lần so với năm 2018, là năm thu giữ số lượng ma túy nói chung, ma túy tổng hợp nói riêng lớn nhất từ trước đến nay.

Vụ án thu giữ hơn 1,1 tấn MTTH tại TP Hồ Chí Minh ngày 12/4/2019 là vụ án thu giữ MTTH lớn nhất từ trước đến nay ở nước ta
Trước sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng 4.0), bên cạnh những lợi ích to lớn cho sự phát triển của kinh tế - xã hội đất nước thì hoạt động lợi dụng những thành tựu, tiến bộ khoa học - công nghệ để phạm tội, trong đó có tội phạm ma túy là mối lo ngại đáng báo động hiện nay. Qua thực tiễn công tác đấu tranh, nhận thấy một số thủ đoạn mới của tội phạm ma túy lợi dụng khoa học - công nghệ để phạm tội. Tội phạm ma túy triệt để lợi dụng sự phát triển của internet, sự phổ biến của mạng xã hội cũng như các ứng dụng OTT như Zalo, Messeger, Viber… để liên lạc trong khi biện pháp xử lý đối với những hoạt động của các lực lượng chức năng trên còn rất hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Các đối tượng lập ra các “nhóm kín” trên các trang mạng xã hội để mua bán, trao đổi chất ma túy giữa các thành viên với nhau. Quá trình vận chuyển trái phép chất ma túy, chúng lợi dụng sự phát triển của khoa học công nghệ khi gửi và nhận hàng qua các công ty dịch vụ giao nhận hàng hóa (có thể gửi hàng tự động với hệ thống máy tính không cần đến nhân viên) hoặc qua dịch vụ taxi, xe ôm công nghệ đang phát triển rất mạnh tại các thành phố, đô thị lớn như Grab, Be, Go Viet... Những kẻ cầm đầu đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy hoàn toàn có thể lợi dụng nhiều người để thực hiện gửi hàng hóa cho chúng qua hình thức chuyển phát nhanh hoặc bằng các ứng dụng công nghệ phổ biến trên điện thoại di động, do vậy rất khó để có thể xác định chính xác các đối tượng chủ mưu phạm tội. Đặc điểm của tội phạm ma túy là tội phạm ẩn, hoạt động có tổ chức, đường dây, có yếu tố nước ngoài, chúng triệt để lợi dụng các điều kiện kinh tế - xã hội để hoạt động phạm tội. Tội phạm ma túy gắn liền với các hoạt động phạm tội khác, nhất là tội phạm hình sự, tội phạm rửa tiền, khủng bố, buôn lậu vũ khí và có xu hướng cách ly, đối lập với tổ chức nhà nước, chính quyền…
Trước tình hình đó, công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học - công nghệ vào phòng, chống tội phạm ma túy cần phải giải quyết những yêu cầu, thách thức đặt ra. Trước tiên, cần giải quyết tình trạng ma túy từ nước ngoài vào nước ta và từ nước ta đi nước thứ ba, kiên quyết không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế. Do đặc điểm vị trí địa lý của nước ta nằm ở trung tâm của vùng Đông Nam Á; điểm gần nhất cách khu vực “Tam giác vàng” - trung tâm ma túy lớn của thế giới chỉ khoảng 500 km. Tuyến biên giới đường bộ nước ta có chiều dài 4.667 km với nhiều đường mòn, lối mở, đường bờ biển dài 3.260 km, trong khi công tác quản lý, kiểm soát biên giới của nước ta còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ nên nguồn ma túy ở Việt Nam chủ yếu vẫn từ nước ngoài nhập lậu vào và tiếp tục vận chuyển đi nước thứ ba. Trong khi đó, chưa có một đề tài khoa học nghiên cứu tổng thể về vấn đề này, vì vậy cần thiết phải nghiên cứu giải quyết thấu đáo, có phương thức nghiên cứu cụ thể đối với tội phạm ma túy. Công tác nghiên cứu khoa học cần phải đi trước một bước để bổ sung giải quyết kịp thời những yêu cầu thực tiễn đặt ra, cần khẩn trương áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ trong việc xây dựng các phòng tuyến bằng các thiết bị công nghệ hiện đại (như camera, máy soi chiếu...) ở các tuyến, địa bàn trọng điểm, đặc biệt là tại các khu vực biên giới, cửa khẩu để phòng ngừa, ngăn chặn không để ma túy nhập lậu vào Việt Nam. Hiện nay, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy đang tham mưu Bộ Công an báo cáo Chính phủ ban hành Đề án tổng thể kiểm soát ma túy qua biên giới đến năm 2025, trong đó đề xuất các Trạm kiểm soát công khai (cố định, lưu động) ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Cần “đặt hàng” tại cở sở, trung tâm nghiên cứu tội phạm học về các tội phạm ma túy để nghiên cứu, thống kê, tổng hợp, phân tích, đánh giá tình hình ma túy của thế giới, khu vực và trong nước, từ đó dự báo được chính xác, sát với tình hình thực tế, đưa ra những luận cứ khoa học khách quan trên các phương diện, đảm bảo yêu cầu phòng, chống ma túy đạt được ba yếu tố là giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại.
Một vấn đề quan trọng nữa là phải giải quyết hậu quả vấn đề người nghiện ma túy gia tăng và tổ chức cai nghiện ma tuý. Số người nghiện, người sử dụng ma túy ngày càng gia tăng, trẻ hóa. Hiện cả nước có trên 235.000 người nghiện có hồ sơ quản lý, nếu tính cả những người sử dụng thì con số này còn lớn hơn. Đây là nguyên nhân trực tiếp làm tăng nguồn cầu của ma túy. Số lượng người nghiện tăng cao gây thiệt hại đáng kể cho sự phát triển của kinh tế - xã hội và ảnh hưởng đến an ninh trật tự ở địa bàn cơ sở. Do đó, công tác nghiên cứu khoa học cần tập trung giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn công tác quản lý người nghiện, công tác cai nghiện và quản lý sau cai, hướng đến mục tiêu giảm cầu, giảm tác hại... Trong đó, quan tâm đến việc giải quyết, triệt xóa các tụ điểm phức tạp về ma túy, nhất là liên quan đến các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự và dịch vụ nhạy cảm để lợi dụng hoạt động phạm tội về ma túy. Phát triển hệ thống phần mềm thống kê, phân tích dữ liệu người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy để có cơ sở hoạch định các chính sách và biện pháp đối với công tác quản lý người nghiện ở nước ta.

Tình trạng tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT và dịch vụ nhạy cảm ngày càng gia tăng
Cùng với việc ngăn chặn nguồn cung, hạn chế nguồn cầu, công tác nghiên cứu khoa học cũng phải giải quyết vấn đề hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo đồng bộ, thống nhất. Hệ thống pháp luật về công tác phòng, chống ma túy mặc dù từng bước được nghiên cứu, ban hành, song vẫn còn chưa đồng bộ, còn nhiều mâu thuẫn, vướng mắc, chưa tạo hành lang pháp lý vững chắc cho công tác đấu tranh với tội phạm ma túy cả về pháp luật hình sự và hành chính. Do đó, công tác nghiên cứu khoa học cần tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống ma túy đảm bảo khoa học, tiến bộ, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác đấu tranh tội phạm ma túy. Trong đó, tập trung một số vấn đề lớn như cần có một luận cứ khoa học để nghiên cứu phù hợp với tình hình thực tiễn và thông lệ quốc tế để sớm báo cáo Quốc hội đề xuất xử lý hình sự người sử dụng trái phép chất ma túy, bổ sung vào Bộ luật Hình sự; sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy theo hướng vật chứng thu giữ theo hướng tiếp tục xã hội hóa mạnh mẽ công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy; tạo nguồn kinh phí phòng, chống ma túy từ nguồn tài sản, tài chính thu giữ đã chứng minh được do phạm tội ma túy mà có, khi tiến hành các thủ tục xử lý, được thanh lý giao cho lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy quản lý, sử dụng phục vụ công tác, chiến đấu; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 133 ngày 09/10/2002 ban hành Quy chế phối hợp giữa lực lượng công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển và hải quan trong phòng, chống tội phạm về ma túy tại các địa bàn biên giới, cửa khẩu và trên biển.
Công tác nghiên cứu khoa học về công tác phòng, chống ma túy cũng cần quan tâm đến lĩnh vực nghiên cứu về hợp tác quốc tế, xây dựng lực lượng và hậu cần đảm bảo, nhất là việc trang bị, áp dụng những tiến bộ khoa học - công nghệ vào công tác phòng ngừa, đấu tranh. Nghiên cứu lĩnh vực hợp tác quốc tế theo hướng đẩy mạnh hợp tác toàn diện, có hiệu quả nhưng đảm bảo không để các tổ chức, thế lực thù địch, cơ hội can thiệp vào công việc nội bộ của ta để thực hiện mục tiêu tác động, chuyển hóa chính trị, “cách mạng màu”, “xã hội dân sự”. Về lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy hiện nay vừa thiếu, chất lượng chưa đồng đều, bố trí chưa hợp lý. Do đó, công tác nghiên cứu khoa học cần quan tâm đến việc nghiên cứu bố trí, sắp xếp lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy đảm bảo khoa học, phù hợp tình hình, điều kiện thực tế tại các tuyến, địa bàn trọng điểm để phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, ban ngành đoàn thể và toàn dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, trong đó lực lượng Công an nhân dân giữ vai trò chủ trì, nòng cốt theo tinh thần Chỉ thị 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Công tác đào tạo, bồi dưỡng lực lương phải được quan tâm, đầu tư hơn nữa, trong đó, cần đổi mới công tác đào tạo trong nhà trường theo hướng học viên theo học chuyên ngành cảnh sát ma túy phải thành thạo cả hai kỹ năng điều tra trinh sát, điều tra tố tụng để đảm bảo phục vụ hiệu quả công tác, chiến đấu. Chế độ, chính sách cho lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy phải có những đặc thù riêng, đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần để kịp thời động viên, khích lệ cán bộ, chiến sỹ nhiệt huyết, tận tâm với công việc. Về phương tiện, điều kiện đảm bảo trong công tác phòng, chống ma túy mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn rất thiếu, lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu trước sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, nhất là cuộc cách mạng 4.0. Do đó, cần thiết nghiên cứu các công trình khoa học tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, đầu tư trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại cho các lực lượng chuyên trách phòng, chống để đủ khả năng giám sát, phát hiện từ xa, từ sớm, các hoạt động của tội phạm ma túy, nhất là hoạt động lợi dụng chính sách xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh thông thoáng hiện nay để phạm tội ma túy. Bên cạnh đó, các đề án, dự án chiến lược, đầu tư sản xuất, mua sắm các trang thiết bị hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ công tác đấu tranh tội phạm ma túy cần phải được nghiên cứu theo đặt hàng của các lực lượng chuyên trách, có sự bàn bạc, tham gia ý kiến, thống nhất của lực lượng trực tiếp sử dụng chứ không nên làm đại trà, không đạt hiệu quả và không đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, chắc chắn công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học - công nghệ sẽ là “bệ đỡ” vững chắc cho công tác phòng, chống ma túy; những nghiên cứu mang tính chất chiến lược, căn cơ, dự báo lâu dài giúp việc tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước ban hành những chính sách và lực lượng chức năng có biện pháp đấu tranh phù hợp, kịp thời với tình hình thực tế; khoa học - công nghệ phát triển được áp dụng vào công tác phòng, chống ma túy sẽ góp phần giảm bớt những gian lao, vất vả và hạn chế đến mức thấp nhất những nguy hiểm, hy sinh mà lực lượng phòng, chống ma túy đang ngày đêm phải đối mặt./.
Lưu Thắng