Bổ sung kịp thời các mẫu chuẩn ma túy phục vụ công tác giám định ma túy ở nước ta

Trong công tác điều tra, xử lý tội phạm ma túy, vai trò của giám định ma túy vô cùng quan trọng. Dựa vào kết quả giám định, cơ quan chức năng sẽ biết được chất đó có phải là ma túy hay không, là chất ma túy gì, hàm lượng bao nhiêu. Để có thể trả lời được những câu hỏi đó, một điều vô cùng cần thiết là cần phải có mẫu chuẩn ma túy để đối chiếu, so sánh với kết quả giám định.

26/03/2020 | Article Rating

Liên tục cập nhật các loại ma túy mới

Trong thời gian qua, sự phát triển, hội nhập của kinh tế, xã hội và sự tiến bộ của khoa học, công nghệ kéo theo sự hoạt động phức tạp của các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy. Trong quá trình nghiên cứu, điều chế, đối tượng phạm tội đã sản xuất ra nhiều loại chất gây nghiện, chất hướng thần mới, có loại đã có trong danh mục các chất ma túy cần quản lý của Chính phủ, nhưng cũng có loại chưa nằm trong danh mục. Do vậy, hàng năm, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng chức năng thường xuyên rà soát, nghiên cứu để đề xuất đưa những chất gây nghiện, chất hướng thần mới xuất hiện vào danh mục quản lý của Chính phủ, nhằm tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng ngừa và đấu tranh chống ma túy. Điển hình: ngày 15/5/2018, Bộ Công an đã chủ trì tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2018/NĐ-CP quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất (sửa đổi Nghị định 126/2015/NĐ-CP), theo đó bổ sung tới 265 chất ma túy và 01 tiền chất mới. Hiện nay, theo danh mục này, tổng số có 515 chất ma túy và 44 tiền chất cần quản lý, kiểm soát.

Chất ma túy mới tiêu biểu phải kể đến “cỏ Mỹ”. “Cỏ Mỹ” thực chất là ma túy tổng hợp, được pha loãng rồi tẩm ướp vào một loại thảo dược và được phun thêm chất tạo màu, tạo mùi; có công thức là XLR-11. Tác hại của cỏ Mỹ là cực kỳ khủng khiếp, người sử dụng loại ma túy này sẽ bị gây ảo giác mạnh, loạn thần, kích động, không kiểm soát được hành vi. Do đó, ngày 09/12/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 126/2015/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung các danh mục chất ma túy và tiền chất, trong đó đã đưa “cỏ Mỹ” vào danh mục các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội (số thứ tự 391, mục IIC). Ngoài ra, tại các Điều: 249, 250, 251 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định rõ các hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy (bao gồm cả XRL-11). Theo đó, mọi hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng “cỏ Mỹ” sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trong thực tế công tác điều tra, xử lý tội phạm ma túy hiện nay, do chưa có mẫu chuẩn để giám định hàm lượng chất XRL-11 được tẩm ướp trong thảo dược nên chưa có cơ sở để xử lý hình sự được các hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép “cỏ Mỹ”.

Một số loại “cỏ Mỹ”.

Hiện nay, Bộ Công an đang chỉ đạo các đơn vị chức năng thường xuyên theo dõi, đánh giá tình hình và chủ động phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để nhanh chóng đề xuất cập nhật, bổ sung vào danh mục các chất ma túy và tiền chất, bảo đảm trình tự, thủ tục theo đúng quy định. Bộ Công an đã đề nghị và được Chính phủ cho phép thực hiện quy trình này theo trình tự, thủ tục rút gọn để bảo đảm bổ sung các chất ma túy mới một cách nhanh chóng, kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tại Dự thảo “Nghị định sửa đổi, bổ sung Danh mục các chất ma túy và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định số 73/2018/NĐ-CP  ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất”, Bộ Công an đề xuất bổ sung 26 chất ma túy mới vào danh mục IIC, Nghị định số 73/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó, tại phiên họp lần thứ 61, 62 của Ủy ban kiểm soát ma túy Liên hợp quốc năm 2018 và 2019, các nước đã thống nhất bổ sung 11 chất vào danh mục kiểm soát theo Công ước quốc tế về thống nhất các chất ma túy năm 1961 và Công ước về các chất hướng thần năm 1971. Với trách nhiệm là quốc gia thành viên tham gia 03 Công ước quốc tế về phòng, chống ma túy của Liên hợp quốc, Việt Nam có nghĩa vụ pháp lý phải kiểm soát các chất này. Ngoài ra, từ năm 2018 đến nay, qua công tác đấu tranh phòng, chống ma túy, các lực lượng chức năng đã thu giữ vật chứng trong các vụ án và được Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an giám định 09 chất gây nghiện, chất hướng thần mới chưa có trong danh mục quản lý. Cuối cùng, vào tháng 10/2019, Tổ chức Y tế thế giới đã xem xét và đánh giá tổng thể một số chất hướng thần mới và kiến nghị đưa vào danh mục kiểm soát của các Công ước quốc tế và sẽ được bỏ phiếu thông qua vào phiên họp Ủy ban kiểm soát ma túy Liên hợp quốc kỳ tới; trong đó, có 06 chất mới chưa có trong danh mục kiểm soát của Việt Nam.

Cần đáp ứng đủ mẫu chuẩn ma túy

Mẫu chuẩn ma túy được hình thành từ hai nguồn: Nhập khẩu (theo quy định tại Nghị định số 58/2003/NĐ-CP ngày 29/5/2003 của Chính phủ về kiểm soát nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển quá cảnh lãnh thổ Việt Nam chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần) hoặc sản xuất ở trong nước. Thực tế hiện nay ở nước ta xảy ra tình trạng không có hoặc không đủ mẫu chuẩn ma túy dùng trong quy trình giám định. Hằng năm, lực lượng kỹ thuật hình sự toàn quốc tiến hành giám định khoảng 20.000 vụ ma túy. Hầu hết các phương pháp phân tích sử dụng trong giám định ma túy ở nước ta cũng giống như trên thế giới là phương pháp so sánh, tức là phải phân tích song song mẫu chuẩn và mẫu nghi ngờ để so sánh hai kết quả. Do đó, nhu cầu mẫu chuẩn ma túy dùng trong quy trình giám định hàng ngày của lực lượng kỹ thuật hình sự là rất lớn.

Lấy mẫu giám định ma túy.

Trước tình hình đó, Bộ Công an chỉ đạo Viện Khoa học hình sự bổ sung cơ số mẫu chuẩn phục vụ giám định tư pháp theo hướng: Đối với các loại ma túy đã có quy trình tinh chế và quy trình đánh giá chất lượng mẫu chuẩn thì bố trí nguồn kinh phí thường xuyên để sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của lực lượng giám định ma túy toàn quốc. Với các loại ma túy đang bị lạm dụng (đã xuất hiện trên thị trường bất hợp pháp của nước ta và bị lực lượng chức năng bắt giữ) mà trong nước chưa sản xuất được cần phải nhập khẩu ngay để đáp ứng đủ cho nhu cầu giám định tư pháp. Lựa chọn các loại ma túy có tần suất lạm dụng cao (số mẫu cần trưng cầu giám định nhiều và đang phải chi phí nhiều ngoại tệ cho việc nhập khẩu mẫu chuẩn) để đầu tư kinh phí triển khai nghiên cứu, xây dựng quy trình tinh chế, sản xuất mẫu chuẩn đạt tiêu chuẩn thay thế mẫu ngoại nhập.

Viện Khoa học hình sự đã nghiên cứu thành công đề tài tinh chế 08 loại mẫu chuẩn ma túy phổ biến đạt tiêu chuẩn TCVNAN089:2016 là: heroin, methamphetamine, MDMA, ketamine, morphine, 2CB, TFMPP và MAM6. Từ năm 2016 đến nay, Viện Khoa học hình sự đã tinh chế và cấp phát cho lực lượng giám định toàn quốc đáp ứng nhu cầu giám định hàng năm. Hiện nay, Viện Khoa học hình sự đang triển khai thực hiện nghiên cứu, xây dựng quy trình tinh chế chất chuẩn 06 loại ma túy gồm: cocaine, THC, nimetazepam, nitrazepam, diazepam và bromazepam.

Bên cạnh đó, để đáp ứng công tác giám định các loại ma túy mới, cũng cần thực hiện đồng bộ các yếu tố khác như nghiên cứu xây dựng các quy trình kỹ thuật giám định các chất ma túy mới trong mẫu thu giữ. Nâng cấp phòng thí nghiệm giám định ma túy tại Viện Khoa học hình sự và đẩy mạnh liên kết, phối hợp khai thác các thiết bị phân tích chuyên sâu mà ngành chưa có để phát hiện, giám định các loại chất ma túy mới; củng cố, nâng cấp phòng thí nghiệm giám định ma túy tại hai Phân viện (ở TP Hồ Chí Minh và TP Đà Nẵng) về cơ sở hạ tầng, các dụng cụ thí nghiệm. Bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực nhận biết, phát hiện, thu thập và giám định các chất ma túy mới cho lực lượng khám nghiệm hiện trường và giám định ma túy cho các cán bộ khám nghiệm hiện trường, cán bộ điều tra về ma túy./.

Thanh Minh