Kết quả bước đầu trong việc thực hiện Dự án "Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy tại xã, phường, thị trấn" ở Thái Bình

Là tỉnh thuần nông, nhưng Thái Bình hiện có gần 5.000 người nghiện, là một trong những nguyên nhân khiến tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy ở nhiều thời điểm diễn biến phức tạp. Xác định công tác phòng, chống ma túy ở cơ sở có vai trò đặc biệt quan trọng, tỉnh đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp đấu tranh, phòng ngừa; trong đó có việc tổ chức triển khai hiệu quả Dự án “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy tại xã, phường, thị trấn” của Bộ Công an.

20/03/2020 | Article Rating

Thái Bình có 286 xã, phường, thị trấn; dân số sống ở nông thôn làm nghề nông. Những năm qua, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, kinh tế - xã hội trong tỉnh đã có những bước phát triển đáng kể, đời sống nhân dân được cải thiện; quá trình xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều thành tựu, trong đó có tiêu chí an ninh trật tự được bảo đảm, giữ vững. Tuy nhiên, với đặc thù là tỉnh thuần nông, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên hàng năm, số lao động địa phương đi làm ăn xa chiếm tỷ lệ cao, khi trở về địa phương nhiều người mắc nghiện ma túy. Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng của các loại hình kinh doanh có điều kiện như: quán bar, karaoke, khách sạn, nhà nghỉ… đã làm phát sinh nhiều tệ nạn xã hội, trong đó có nạn nghiện hút ma túy, nhất là trong giới trẻ.

Trước tình hình trên, để ngăn chặn, kiềm chế, tiến tới đẩy lùi tệ nạn ma túy, Tỉnh ủy Thái Bình đã ban hành Kế hoạch số 183 – KH/TU ngày 25/9/2019 về triển khai Chỉ thị số 36 – CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình ban hành Kế hoạch số 23/KH-UBND ngày 27/2/2019 về việc triển khai thực hiện Dự án “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy tại xã, phường, thị trấn” được Lãnh đạo Bộ Công an phê duyệt tháng 12/2018… Trên cơ sở đó, các sở ban, ngành, đoàn thể địa phương tích cực tham mưu, chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp, biện pháp tăng cường đấu tranh trấn áp tội phạm về ma túy; tăng cường kiểm tra các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; đẩy mạnh hoạt động điều tra, bắt giữ, xử lý tội phạm ma túy và tổ chức rà soát, phân loại, quản lý chặt chẽ người nghiện ma túy, nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện và quản lý sau cai ngay từ địa bàn cơ sở.

Chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở chỉ đạo lồng ghép chuyên đề đấu tranh phòng, chống ma túy gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương; chương trình xây dựng nông thôn mới, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc bằng những nội dung và chương trình hành động cụ thể. Chỉ đạo tổ chức kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trong đó chú trọng tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền các xã, phường, thị trấn; nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác phòng, chống ma túy ở cơ sở; chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đảng đưa công tác phòng, chống ma túy thành một nội dung trong các sinh hoạt định kỳ; phân công trách nhiệm cho từng cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên tham gia công tác phòng, chống ma túy, nhận giúp đỡ, giáo dục, động viên người nghiện ma túy cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Hàng năm xây dựng kế hoạch, tổ chức các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm ma túy; giải quyết những điểm, tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội, các loại tội phạm gây bức xúc trong nhân dân ngay từ cơ sở, không để phát sinh thành “điểm nóng”.

Công an thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình tuyên truyền phòng, chống ma túy cho người dân

Trong công tác tuyên truyền giáo dục, Ban chỉ đạo tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức như: tăng thời lượng phát sóng trên hệ thống truyền thanh cơ sở; tuyên truyền di động vào tận thôn, ngõ, xóm, khu dân cư; căng băng rôn, khẩu hiệu; lồng gắn vào các chương trình giảng dạy, tập huấn của trung tâm học  tập cộng đồng. Bên cạnh đó, lực lượng Công an cũng phối hợp với chính quyền cơ sở thường xuyên rà soát số người nghiện ma túy trên địa bàn toàn tỉnh, có kế hoạch điều tra cơ bản, nắm, đánh giá tình hình người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy. Qua đó làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tệ nạn ma túy để điều chỉnh nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống ma túy phù hợp với từng thời điểm và từng địa bàn. Theo thống kê, toàn tỉnh Thái Bình hiện có 4.919 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (tăng 39 người so với năm 2018), phần lớn đang ở ngoài xã hội; 1.256 người nghiện điều trị bằng Methadone tại 9 cơ sở điều trị.

Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh cũng chỉ đạo Ban chỉ đạo cấp huyện thực hiện Dự án “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy tại xã, phường, thị trấn” lồng ghép với Kế hoạch xây dựng xã, phường, thị trấn an toàn về tệ nạn ma túy và Đề án chuyển hóa địa bàn phức tạp về trật tự an toàn xã hội đến năm 2020. Qua rà có 65 xã, phường, thị trấn trọng điểm về ma túy. Trên cơ sở đó, lựa chọn xây dựng 12 xã an toàn về ma túy; tổ chức chuyển hóa 14 địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy. Tại các địa bàn chuyển hóa, cấp ủy, chính quyền đều ban hành nghị quyết chuyên đề, xây dựng kế hoạch thực hiện; tổ chức kiện toàn Ban chỉ đạo và ban hành quy chế hoạt động. Qua đó, tình hình trật tự an toàn xã hội nói chung, tội phạm và tệ nạn ma túy nói riêng tại từng địa bàn đều có chuyển biến tích cực; kết quả đã chuyển hóa thành công 5/14 địa bàn trọng điểm phức tạp.

Lực lượng Công an cũng phối hợp với các lực lượng chức năng làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản ở địa bàn cơ sở, tăng cường công tác lập hồ sơ áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính; kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT như nhà hàng, quán bar, quán karaoke… nhằm chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng lợi dụng để mua bán, sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Kết quả đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 13 vụ, 125 đối tượng tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; khởi tố 13 vụ, 50 bị can; xử lý hành chính 75 đối tượng. Củng cố, duy trì, nâng cao hiệu quả thu thập thông tin liên quan đến tệ nạn ma túy qua “đường dây nóng”, 427 hòm thư tố giác tội phạm và tệ nạn ma túy (đặt tại 286 xã, phường, thị trấn); xây dựng, duy trì tổng số 405 mô hình trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tệ nạn ma túy, trong đó có: 96 mô hình thôn không ma túy; 62 mô hình họ giáo không ma túy; 59 mô hình dòng họ không ma túy; 34 mô hình tự quản về phòng, chống ma túy; 23 câu lạc bộ hội cựu chiến binh, 27 mô hình câu lạc bộ thanh niên, 23 mô hình câu lạc bộ phụ nữ không ma túy...

Có thể khẳng định, với nỗ lực, quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân, công tác phòng, chống ma túy nói chung, phòng, chống ma túy tại địa bàn cơ sở nói riêng thông qua Dự án “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy tại xã, phường, thị trấn” ở tỉnh Thái Bình đã bước đầu đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, đến năm 2020, sẽ phấn đấu làm giảm số xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy và làm giảm mức độ phức tạp của 65 xã, phường trọng điểm về ma túy; không để phát sinh tệ nạn ma túy tại địa bàn 3 xã không có tệ nạn ma túy là Hồng Châu, Hồng Giang (huyện Đông Hưng) và Hồng Lý (huyện Vũ Thư); 100% người trong nhóm có nguy cơ cao được tuyên truyền, giáo dục kỹ năng phòng, chống ma túy; đồng thời đấu tranh, triệt xóa được 6 tụ điểm, 71 điểm phức tạp về ma túy, cơ bản không còn “điểm nóng” về ma túy trên địa bàn.

Nhật Nam