Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 4.404 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (tăng 125 người so với cùng kỳ năm trước), là nguồn bổ sung tội phạm và vi phạm pháp luật về ma túy. Phần lớn tội phạm ma túy (TPMT) là người nghiện, ban đầu chỉ mua ma túy về để sử dụng, sau đó chuyển dần sang hoạt động mua bán kiếm lời để có tiền sử dụng ma túy. Vòng tròn luẩn quẩn này đã làm phát sinh nhiều đường dây, tụ điểm, đối tượng mua bán ma túy ở các địa phương. Loại ma túy sử dụng chủ yếu là ma túy tổng hợp (MTTH) (chiếm khoảng 70%) và heroin (25%), ngoài ra xuất hiện các loại ma túy mới hay loại biến tướng như “cỏ Mỹ” chưa có trong các danh mục chất ma túy theo quy định ở nước ta khiến cho tình hình thêm phức tạp. Phương thức thủ đoạn mới của TPMT là lợi dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Skype, Twitter... để liên lạc, trao đổi mua bán ma túy gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong phát hiện, điều tra, xử lý.
Tình hình sử dụng MTTH trong các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự và nhạy cảm gia tăng mạnh và diễn biến phức tạp. Dù Công an tỉnh liên tục triệt phá nhiều vụ vận chuyển, mua bán, tàng trữ ma túy; phát hiện, xử lý các cơ sở kinh doanh có điều kiện (khách sạn, quán karaoke, nhà nghỉ...) để khách sử dụng ma túy, nhưng các vụ vi phạm vẫn liên tiếp xảy ra. Đáng chú ý nhất là hai vụ “đình đám” trong năm 2019 tại quán bar vũ trường ST Club - Làn Sóng Trẻ (tháng 6) và tại quán bar Ozone (tháng 9), đều vào lúc rạng sáng, khi lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện hàng trăm đối tượng (chủ yếu thanh, thiếu niên) đang tụ tập nhảy nhót, quay cuồng theo tiếng nhạc lớn; tại hiện trường phát hiện nhiều gói ma túy dùng dở, nhiều dụng cụ sử dụng ma túy; qua kết quả kiểm tra nhanh phát hiện 200 đối tượng (tại ST Club - Làn Sóng Trẻ) và 145 đối tượng (tại Ozone) dương tính với ma túy.
Đa phần khách sử dụng ma túy trong quán bar, quán karaoke thuộc giới trẻ và loại ma túy thường được họ sử dụng là MTTH (“hàng đá”, “thuốc lắc”). Theo nhận định của Công an tỉnh Đồng Nai, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sử dụng ma túy tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện trở lên phức tạp là vì một số chủ cơ sở tạo điều kiện cho các đối tượng đến để “bay”, “lắc”. Điển hình như ngày 03/11/2019, các đội nghiệp vụ Công an TP Biên Hòa phối hợp với Công an phường Tam Hiệp kiểm tra phát hiện 50 đối tượng dương tính với ma túy trong quán karaoke 161 (phường Tam Hiệp). Lực lượng công an cũng phát hiện và thu giữ 10 viên “thuốc lắc”, nhiều dụng cụ để sử dụng ma túy; đặc biệt tại các phòng hát đều được trang bị chăn, nệm, gối cho đối tượng nghiện nằm nghỉ...
Lực lượng chức năng kiểm tra quán bar vũ trường ST Club - Làn Sóng Trẻ.
Song song với công tác đấu tranh với tội phạm lợi dụng hoạt động của các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự và nhạy cảm để tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy trong tỉnh liên tục phát hiện, triệt phá nhiều vụ mua bán, tàng trữ ma túy tại TP Biên Hòa, các trung tâm lớn trong tỉnh và các địa bàn giáp ranh. Đặc biệt, đã tập trung xử lý những tụ điểm mua bán, sử dụng ma túy tồn tại nhiều năm, gây mất an ninh trật tự tại các địa phương. Điển hình là vụ Công an TP Biên Hòa triệt phá tụ điểm mua bán, sử dụng ma túy ở khu vực nghĩa địa thuộc khu phố 1, phường An Hòa (TP Biên Hòa) vào ngày 11/02/2020 do Lương Thị Bích Chi (30 tuổi) cầm đầu, thu giữ gần 80 gói ma túy cùng nhiều vật chứng liên quan khác. Tại huyện Nhơn Trạch, đây là địa bàn giáp ranh với TP Hồ Chí Minh và nằm trên tuyến đường nối TP Hồ Chí Minh với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nên hoạt động của TPMT cũng diễn biến phức tạp; nhiều đối tượng đã “mượn” địa bàn này để vận chuyển ma túy. Trước tình hình đó, Công an huyện đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và công an các xã, thị trấn lập kế hoạch để kịp thời triệt phá các vụ mua bán, vận chuyển ma túy. Điển hình là chiều 05/02/2020, tại địa bàn xã Phú Đông (huyện Nhơn Trạch), Đội Cảnh sát ĐTTP về kinh tế - ma túy, Công an huyện Nhơn Trạch đã bắt quả tang N.M.T (32 tuổi, trú tại xã Phú Đông) đang bán ma túy cho một số đối tượng nghiện; khám xét người và nơi ở của N.M.T, thu giữ 22 gói ma túy “đá”. Làm việc với cơ quan công an, đối tượng khai thường xuyên mua ma túy về chia nhỏ để bán lại cho đối tượng nghiện kiếm lời.
Đáng chú ý trong nhiều vụ vận chuyển, mua bán, tàng trữ ma túy với số lượng lớn, đối tượng còn tàng trữ vũ khí như vụ ngày 29/7/2019, Công an TP Biên Hòa bắt giữ nhóm đối tượng ma bán ma túy do Đào Ngọc Tình (26 tuổi, trú tại huyện Định Quán) cầm đầu để điều tra về hành vi mua bán chất ma túy và tàng trữ súng trái phép. Khám xét nơi ở của Tình, lực lượng công an thu giữ 01 súng ngắn dạng rulo cùng 77 viên đạn thể thao, 73 triệu đồng, 03 gói MTTH.
Vật chứng là heroin trong vụ án Lương Thị Bích Chi cầm đầu.
Theo báo cáo của Công an tỉnh Đồng Nai, trong năm 2019, công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 581 vụ, 2.569 đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật về ma túy; thu giữ 484g heroin, 4,8kg + 2.303 viên MTTH, 5,39kg cần sa khô; 03 súng, 05 mã tấu, 01 kiếm, 01 bình xịt hơi cay, 77 viên đạn và nhiều đồ vật liên quan. Trong 02 tháng ra quân thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 (từ ngày 16/12/2019 đến 16/02/2020), các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh và công an các địa phương đã phát hiện, triệt phá thành công 186 vụ, 506 đối tượng mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy (nhiều hơn 99 vụ, 177 đối tượng so với cùng kỳ năm trước). Qua công tác điều tra đã khởi tố 112 vụ, 140 bị can; xử lý hành chính 35 vụ, 327 đối tượng; thu giữ 217 gói + 628,55g MTTH; 18 gói + 37 tép và hơn 25g heroin.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Kim, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, trong thời gian tới, Công an tỉnh tiếp tục đấu tranh quyết liệt các loại tội phạm, trong đó có TPMT; tiếp tục bố trí lực lượng chính quy về địa bàn cơ sở; tăng cường lực lượng cảnh sát cơ động để phối hợp tấn công, trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Ngăn chặn có hiệu quả các đường dây cung cấp ma túy vào địa bàn tỉnh; triệt xóa các ổ, điểm mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng, chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự và nhạy cảm trên địa bàn, không để hình thành tụ điểm phức tạp. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, xử lý TPMT, không để xảy ra tình trạng oan, sai, bỏ lọt tội phạm, bức cung, nhục hình. Thực hiện tốt việc tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố; bắt, vận động các đối tượng truy nã về ma túy ra đầu thú. Phối hợp với viện kiểm sát, tòa án đưa ra xét xử lưu động một số vụ án ma túy điểm nhằm tăng tính răn đe với tội phạm và tác dụng tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân.
Ngoài công tác đấu tranh, xử lý của lực lượng công an, các cơ quan, ban, ngành liên quan tăng cường các giải pháp phòng ngừa chung. Triển khai tốt việc quản lý, cai nghiện tại cộng đồng hoặc đưa đối tượng nghiện vào các trung tâm cai nghiện để giảm số người nghiện ngoài xã hội, góp phần làm giảm các loại tội phạm phát sinh liên quan khác. Đặc biệt, do là địa phương giáp ranh, là cửa ngõ của TP Hồ Chí Minh, có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, mở nhà xưởng, kho bãi; nhiều công ty hoạt động sản xuất, kinh doanh có liên quan đến các loại hóa chất là tiền chất dùng để sản xuất ma túy nên thời gian tới các lực lượng chức năng cũng cần chú ý làm tốt công tác nắm tình hình, phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng “núp bóng” các doanh nghiệp để tàng trữ, mua bán trái phép và sản xuất ma túy với số lượng lớn./.
Nguyễn Xuân