Trên cơ sở các quy định của Luật Phòng, chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính, ngày 18/8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1640/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cai nghiện ma túy đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các địa phương chuyển đổi các trung tâm chữa bệnh - giáo dục và lao động xã hội thành các cơ sở cai nghiện (CSCN) ma túy; bố trí nguồn lực thực hiện quy hoạch các CSCN đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ với quy hoạch của địa phương.
Theo nội dung của Quy hoạch này, mạng lưới CSCN có chức năng cai nghiện bắt buộc đến năm 2020 cần đạt được một số yêu cầu như: TP Hà Nội duy trì tối đa không quá 03 CSCN, TP Hồ Chí Minh 05 CSCN; các CSCN ma túy ở gần nhau (khoảng cách dưới 05km) sáp nhập thành một cơ sở có chức năng cai nghiện bắt buộc. Các tỉnh, thành phố có nhiều CSCN, số lượng người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý trên 5.000 người, địa bàn rộng thì duy trì tối đa 02 CSCN có chức năng cai nghiện bắt buộc; đến hết năm 2020 giảm xuống còn 01 CSCN. Các tỉnh, thành phố còn lại đang có CSCN duy trì 01 CSCN; căn cứ tình hình thực tế lập điểm vệ tinh thuộc CSCN tại những quận, huyện có trên 250 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý để tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ cai nghiện theo nguyên tắc không phát sinh biên chế. Về CSCN tự nguyện: Tăng số người nghiện ma túy tham gia chương trình cai nghiện tự nguyện (bao gồm các đối tượng tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế) lên khoảng 200.000 người (tương đương 80% số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý). Mỗi CSCN tự nguyện tiếp nhận số lượng người tham gia cai nghiện tối đa không quá 2.000 người, bảo đảm phù hợp với điều kiện của CSCN.

Một buổi học tại Cơ sở cai nghiện số 3 TP Hồ Chí Minh.
Thực hiện quy hoạch theo hướng giảm các CSCN cấp huyện và cơ sở quản lý sau cai nghiện, đến nay toàn quốc có 120 CSCN (trong đó có 105 cơ sở công lập, 15 cơ sở dân lập), giảm 25 cơ sở so với trước năm 2015 (riêng CSCN bắt buộc giảm 18). Trong 105 CSCN công lập có 06 CSCN chỉ có chức năng cai nghiện bắt buộc, 79 CSCN đa chức năng, 18 cơ sở điều trị nghiện ma túy tự nguyện và methadone, 02 cơ sở tiếp nhận người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định.
Tính đến cuối năm 2019, số học viên đang được điều trị, cai nghiện tại các CSCN là 35.595 người (chiếm 18,4% số người nghiện có hồ sơ quản lý), trong đó cai nghiện bắt buộc 27.341 người, cai nghiện tự nguyện 6.847 người, tiếp nhận vào cơ sở xã hội: 1.407 người. Các CSCN đã chủ động giảm số lượng các phòng chuyên môn từ 07 phòng xuống mô hình 05 phòng, đáp ứng yêu cầu tinh giản bộ máy, biên chế.
Thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác cai nghiện ma túy theo Đề án đổi mới công tác cai nghiện và quy hoạch mạng lưới CSCN ma túy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thí điểm các mô hình điều trị, cai nghiện ma túy. Tiêu biểu như Mô hình Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng (đã triển khai có hiệu quả 32 điểm tại 23 tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Nam Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa…); Mô hình Điểm vệ tinh của CSCN ma túy (tỉnh Sơn La đã chuyển đổi CSCN ma túy Thuận Châu thành Điểm vệ tinh của CSCN ma túy tỉnh).
Song song với đó, công tác đào tạo đội ngũ cán bộ cũng được quan tâm thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra. Đã xây dựng, hoàn thiện bộ tài liệu đào tạo về tư vấn, điều trị nghiện ma túy. Trong hai năm 2018 - 2019 đã tập trung đào tạo chuyên môn, nâng cao năng lực về điều trị, cai nghiện ma túy cho đội ngũ cán bộ, quản lý, cán bộ trực tiếp làm công tác cai nghiện ma túy của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước; tập huấn kiến thức về điều trị rối loạn do sử dụng ma túy tổng hợp tại tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ. Đến nay, đã cơ bản hoàn thành việc đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện ma túy theo quy định tại Thông tư số 04/2016/TT-BLĐTBXH.

Điều trị nghiện các chất ma túy dạng thuốc phiện bằng methadone tại Bình Phước.
Tuy nhiên, thực hiện quy hoạch mạng lưới CSCN ma túy vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Sau khi thực hiện chuyển đổi về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, bộ máy, đến nay công suất tiếp nhận của các CSCN là 55.000 học viên. Nhưng chất lượng các dịch vụ tại các CSCN còn chậm đổi mới, một số tỉnh, thành phố còn diễn ra tình trạng quá tải tại các khu cai nghiện bắt buộc; điều kiện sinh hoạt còn hạn chế; chất lượng các dịch vụ tư vấn, trị liệu tâm lý hành vi chưa tốt… dẫn đến một số chỉ tiêu chưa đạt được yêu cầu đề ra như: tỷ lệ phát triển các điểm tư vấn, hỗ trợ người nghiện tại cộng đồng; tỷ lệ cai nghiện tự nguyện còn thấp. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của một số CSCN bị xuống cấp, còn tình trạng học viên nằm ở sàn xi măng (không có giường), không có công trình vệ sinh khép kín, chưa có khu riêng biệt cho từng nhóm đối tượng… Đội ngũ cán bộ của CSCN chưa được đào tạo bài bản, chuyên sâu về tư vấn, điều trị, cai nghiện ma túy; chưa thu hút người có trình độ vào làm việc, đặc biệt là các y sỹ, bác sỹ. CSCN ma túy tư nhân chưa thu hút được người nghiện đến cai nghiện tự nguyện nên chưa phát triển, nhân rộng được (hiện chỉ có 15 CSCN còn hoạt động trong tổng số 22 CSCN được cấp phép thành lập).
Chỉ thị số 36/CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy đã nêu rõ: “Coi trọng công tác cai nghiện tập trung và quản lý người nghiện ngoài xã hội không để gây ra các vụ phạm tội”. Thời gian tới cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân về người nghiện ma túy và công tác cai nghiện ma túy. Đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật, trọng tâm là Luật Phòng, chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính). Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa công tác cai nghiện, quản lý người nghiện trong CSCN theo hướng thân thiện và thực hiện quyền công dân. Bố trí kinh phí đầu tư nâng cấp CSCN giai đoạn 2019 - 2020, chính quyền địa phương cần cân đối ngân sách để bố trí kinh phí đảm bảo các CSCN hoạt động hiệu quả./.
Nguyễn Xuân