Vấn đề xử lý hình sự hành vi sử dụng trái phép chất ma túy?

12/03/2020 | Article Rating

Trung tuần tháng 2/2020, dư luận cả nước và giới nghệ sĩ bàng hoàng khi nghe tin Nghệ sĩ ưu tú Vũ Mạnh Dũng, SN 1978, Phó trưởng đoàn Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, một giọng opera nổi tiếng của âm nhạc Việt Nam bất ngờ bị anh vợ do “ngáo đá” sát hại tại nhà riêng, để lại người vợ trẻ và 3 con thơ. Trước đó không lâu là những vụ việc nghiêm trọng có nguyên nhân từ việc sử dụng ma túy trái phép gây ra, điển hình như: Vụ sử dụng ma túy tổng hợp làm 7 người chết, 5 người hôn mê tại lễ hội âm nhạc ở công viên nước Hồ Tây, Hà Nội (tối 16/9/2018); vụ đối tượng Hoàng Văn Chín, SN 1976, trú tại xóm Lương Bình 2, xã Sơn Phú, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên sau khi sử dụng ma túy tổng hợp, do bị “ngáo đá” đã ra tay sát hại 5 người, làm 1 người trọng thương vào rạng sáng ngày 26/12/2019, trong đó có cả người thân trong gia đình... Tình trạng trên đang đặt ra nhiều câu hỏi đối với vấn đề quản lý và xử lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy.

Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (gọi tắt là BLHS năm 2015), chính thức có hiệu lực ngày 01/01/2018 qua một thời gian áp dụng được đánh là một bước tiến trong kỹ thuật lập pháp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập cũng thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Riêng trên góc độ phòng, chống ma túy, Chương XX – Các tội phạm về ma túy trong BLHS năm 2015 quy định cụ thể 13 tội danh liên quan đến vấn đề này (từ Điều 247 đến Điều 259); qua đó tạo hành lang pháp lý quan trọng phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy. Tuy nhiên, tại BLHS năm 2015, đã không còn Tội sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 199 BLHS năm 1999), do đó trong thực tế đã xuất hiện nhiều “kẽ hở” để các đối tượng lợi dụng vi phạm pháp luật. Điều đó đặt ra câu hỏi đối với các nhà lập pháp và cơ quan thi hành pháp luật: Có nên khôi phục lại tội danh này khi chúng ta tiến hành nghiên cứu, sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác phòng, chống ma túy trong thời gian tới hay không?

Trước hết cần phải nhận thức rằng, với quan điểm nhân đạo, cộng đồng quốc tế nói chung và xã hội Việt Nam hiện nay đã, đang có xu hướng nhìn nhận người nghiện ma túy là người bệnh. Để xử lý vấn đề này, nhà nước khuyến khích người nghiện “chữa bệnh” bằng cách tự khai báo và tự giác tham gia các hình thức cai nghiện. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiệu quả của công tác này còn rất hạn chế, trong khi việc đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc thông qua quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện (theo Nghị định 211/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ) còn rất nhiều bất cập và chưa thực sự phù hợp khi áp dụng trong thực tiễn. Vì vậy, việc tổ chức chữa trị, cai nghiện cho hàng trăm nghìn người nghiện ma túy (trên 235.000 người nghiện theo báo cáo năm 2019 của UBQG phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm) trên phạm vi toàn quốc hiện nay là một vấn đề rất nan giải, yêu cầu sự vào cuộc của nhiều cấp, nhiều ngành và toàn xã hội.

Tại các kỳ họp Quốc hội, khi báo cáo về vấn đề tội phạm ma túy, tệ nạn ma túy Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an nhiều lần khẳng định: Tội phạm ma túy là loại tội phạm rất nguy hiểm, là tội phạm của các loại tội phạm. Điều đó cho thấy dưới góc độ tội phạm học, vấn đề tội phạm, tệ nạn ma túy Bộ Công an nhìn nhận rất sâu sắc và cẩn trọng; đồng thời triển khai quyết liệt các biện pháp đấu tranh, phòng ngừa. Trong khi ở nước ta hiện nay, tình trạng người nghiện ma túy đang chuyển nhanh từ việc sử dụng các loại ma túy truyền thống như thuốc phiện, heroin, cần sa… sang sử dụng ma túy tổng hợp dạng Amphetamin, gây ức chế thần kinh và gây ảo giác dẫn đến nhiều hành vi gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; gây mất ANTT và ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Tuyên truyền phòng ngừa việc sử dụng trái phép chất ma túy cho các em học sinh

Như vậy, một thực tế là sau khi Điều 199 (BLHS năm 1999) -  Tội sử dụng trái phép chất ma túy được loại bỏ và trước những áp lực của tình hình ma túy trong nước, số người sử dụng ma túy trái phép ngày càng tăng lên, tiếp tục là nguyên nhân gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng và các loại tội phạm nguy hiểm. Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV (diễn ra từ ngày 20/5 đến ngày 14/6 năm 2019) khi trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Tô Lâm có đặt vấn đề về việc sửa đổi bổ sung Luật phòng, chống ma túy, đồng thời khôi phục lại Điều 199 BLHS năm 1999. Theo quan điểm của chúng tôi, đây là một việc làm cần thiết trong bối cảnh hiện nay khi diễn biến tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ngày càng phức tạp. Hơn nữa cần phải nhìn nhận lại vấn đề coi người nghiện ma túy là người bệnh. Bởi nếu như với người bệnh thông thường, việc họ mắc bệnh thường không nằm trong ý chí chủ quan (không ai muốn mắc bệnh và khi mắc bệnh thì tìm mọi cách chữa trị) thì ngược lại: Đa số người sử dụng ma túy đều biết sử dụng ma túy rất dễ nghiện; hơn nữa khi mắc nghiện hầu hết đều không muốn chữa trị (đi cai nghiện dưới các hình thức) và luôn có xu hướng ngày càng dấn sâu vào nghiện ma túy. Vì vậy, nếu coi người nghiện là người bệnh thì cần phải xem họ là người bệnh “đặc biệt” để có biện pháp quản lý giám sát, chữa trị chuyên biệt.

Rõ ràng, xu hướng người sử dụng ma túy trái phép, nhất là sử dụng ma túy tổng hợp trong giới trẻ ngày càng tăng cao. Ngoài việc tò mò, thích tìm cảm giác lạ thì một nguyên nhân cốt yếu khác là họ biết “kẽ hở”của pháp luật – việc sử dụng ma túy trái phép chỉ có thể bị xử lý hành chính mà không bị xử lý hình sự. Vì vậy, khi có điều kiện là họ có thể sử dụng ma túy trong bất kể thời gian, hoàn cảnh nào mà không sợ bị cơ quan chức năng bắt giữ, xử lý. Đã đến lúc các cơ quan chức năng, các nhà làm luật cần nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề có hay không việc xử lý hình sự hành vi sử dụng trái phép chất ma túy thông qua việc  khôi phục lại Điều 199 (Tội sử dụng trái phép chất ma túy) của BLHS năm 1999 trong quá trình sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật (luật, bộ luật) có liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy thời gian tới nhằm khắc phục các “kẽ hở” pháp luật; có chế tài thật sự nghiêm khắc để xử lý hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, qua đó hạn chế tình trạng này và ngăn chặn những vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng do người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy gây ra./.

Nhật Nam