Đây cũng là điều kiện thuận lợi để tội phạm ma túy trong nước và ngoài nước lợi dụng mua bán, vận chuyển, sản xuất các chất ma túy vào Hà Nội tiêu thụ hoặc trung chuyển đi một số tỉnh, thành phố hoặc các quốc gia khác trên thế giới. Hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy số lượng lớn về, qua địa bàn Hà Nội và đi các tỉnh khác tiêu thụ vẫn diễn biến phức tạp; phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, câu kết chặt chẽ, hình thành đường dây mua bán, vận chuyển lớn liên tuyến, liên tỉnh; tính chất manh động, liều lĩnh, tự trang bị các loại vũ khí nóng và sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị phát hiện, bắt giữ.
Hiện nay, tình hình tội phạm mua bán, tổ chức sử dụng ma túy tổng hợp (MTTH) có chiều hướng gia tăng, tính chất lưu động, lợi dụng các khu vực đông dân cư, các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh, trật tự, thuê khách sạn, biệt thự, chung cư cao cấp để hoạt động nhằm tránh sự quản lý, kiểm soát của cơ quan chức năng. Trong năm 2019 phát hiện 1.841 vụ, 2.724 đối tượng liên quan MTTH, chiếm 60% trên tổng số vụ phát hiện bắt giữ về ma túy. Nguồn ma túy chủ yếu thẩm lậu từ nước ngoài về, tuy nhiên manh nha có hoạt động sản xuất, điều chế MTTH tại Hà Nội.
Lực lượng Công an TP. Hà Nội kiểm tra cửa hàng thuốc tân dược để ngăn chặn tình trạng lợi dụng để điều chế ma túy tổng hợp
Thực hiện Quyết định số 52/2011/QĐ-TTg ngày 21/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; Quyết định số 6396/QĐ-BCA-C04 ngày 22/8/2019 của Bộ Công an về việc kiện toàn Tổ công tác liên ngành phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, Công an TP. Hà Nội đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành Quyết định số 269/QĐ-UBND ngày 13/01/2014 về Quy chế phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy trên địa bàn thành phố và Quyết định số 6190/QĐ-UBND ngày 05/11/2019 về việc thành lập Tổ công tác liên ngành phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy TP. Hà Nội thay thế Tổ liên ngành được thành lập theo Quyết định số 05/QĐ-BCĐ ngày 25/6/2015.
Trên cơ sở sự chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội các sở, ngành thành viên Tổ liên ngành đã thực hiện nghiêm túc các quy định trong công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; chủ động phối hợp chặt chẽ trong trao đổi thông tin, cấp phép, theo dõi, giám sát các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, sản xuất, bảo quản, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, phân phối, sử dụng ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp, y tế và đấu tranh tội phạm, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các nguyên nhân, điều kiện phát sinh việc thất thoát tiền chất vào các mục đích bất hợp pháp. Chỉ đạo các sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn chuyên môn nhằm nâng cao nghiệp vụ, hiệu quả trong hoạt động kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.
Tuy đã đạt được nhiều kết quả trong công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy trên địa bàn TP. Hà Nội, song công tác này vẫn còn một số hạn chế cũng như khó khăn nhất định như: Công tác nắm tình hình, dự báo, phân tích, đánh giá việc kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy còn chưa sâu sát, tính chủ động và nhạy bén còn hạn chế. Chưa phát hiện được những vấn đề mới, những sơ hở thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước về tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, đặc biệt là lĩnh vực thuốc thú y, tạo kẽ hở cho đối tượng mua bán ma túy tách chiết ma túy (ketamine) từ thuốc thú y (Ketamil Injection).
Cán bộ phụ trách lĩnh vực tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần chưa được tập huấn chuyên sâu, nên trong quá trình quản lý còn nhiều khó khăn. Hồ sơ điều tra cơ bản lĩnh vực tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần còn mang nặng tính hành chính, thu thập, bổ sung tài liệu không thường xuyên, chưa phản ánh đúng tính chất, mức độ phức tạp của lĩnh vực tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần. Hoạt động của Tổ công tác liên ngành còn hạn chế về thẩm quyền (thành viên là lãnh đạo cấp phòng của các sở, ngành, thành phố) dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa cao; có nhiều thay đổi về vị trí công tác của các thành viên trong Tổ công tác liên ngành thành phố từ các lực lượng công an, y tế, công thương, hải quan. Chưa có quy định cụ thể trách nhiệm trong quản lý thuốc thú y có chứa chất gây nghiện, chất hướng thần, tiền chất ma tuý làm cơ sở pháp lý cho việc xử lý các hành vi vi phạm, phòng ngừa hành vi sản xuất trái phép chất ma túy từ thuốc thú y.
Trong thời gian tới để công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy trên địa bàn TP. Hà Nội đạt hiệu quả các sở, ban, ngành TP. Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện tốt sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố về việc thực hiện Nghị định số 80/2001/NĐ-CP ngày 05/11/2001 của Chính phủ về hướng dẫn việc kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy ở trong nước. Tham mưu UBND thành phố, Ban Chỉ đạo 138 thành phố kiện toàn, bổ sung vai trò, trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong Quy chế phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy trên địa bàn thành phố.
Lực lượng Công an TP. Hà Nội duy trì thực hiện công tác nắm tình hình, quản lý chặt trong lĩnh vực tiền chất và thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần; thường xuyên tiến hành thu thập, bổ sung thông tin, tài liệu và áp dụng các biện pháp phòng ngừa, kịp thời phát hiện các sai phạm, đấu tranh triệt xóa các ổ nhóm tội phạm về ma túy. Tăng cường các hoạt động phối hợp, thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn trong lĩnh vực quản lý tiền chất, các hoạt động kinh doanh, sử dụng thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần... đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh, phân phối, cấp phát chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần trên địa bàn thành phố (như kiểm tra hoạt động kinh doanh, quản lý, sử dụng thuốc gây nghiện, hướng thần, tiền chất đối với các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối thuốc; các cơ sở cai nghiện ma túy thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội quản lý; các nhà thuốc, bệnh viện tư nhân trên địa bàn thành phố...).
Cùng với đó là đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các sở, ngành chức năng trong trao đổi thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh, sử dụng thuốc gây nghiện, hướng tâm thần; số lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất các loại tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và ma túy trên địa bàn thành phố… qua đó góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.
Thái Thành