Phòng ngừa, xử lý người sử dụng ma túy tổng hợp có biểu hiện “ngáo đá”

Thời gian gần đây ở nước ta, ma túy tổng hợp đang phát triển rất nhanh và dần thay thế cho các loại ma túy truyền thống. Việc sử dụng ma túy tổng hợp, các chất hướng thần gây nên biểu hiện suy giảm chức năng nhận thức, ảo giác, loạn thần (còn gọi là "ngáo đá") ở người dùng, dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt nguy hiểm là giết người thân, giết nhiều người. Do đó, cần có biện pháp phòng ngừa, quản lý và xử lý nghiêm khắc những đối tượng này.

25/02/2020 | Article Rating

Những án mạng đau lòng từ “ngáo đá”

Sáng sớm ngày 26/12/2019, Hoàng Văn Chín (SN 1976, trú tại thôn Lương Bình 2, xã Sơn Phú, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) đã dùng dao chém tử vong vợ và 04 người khác, làm 01 người bị thương. Tại cơ quan công an, Hoàng Văn Chín khai nhận, nhiều lần dùng ma túy “đá”, mấy tháng liên tục bị mất ngủ, tâm lý bất ổn và luôn cảm thấy hoang mang, khó chịu.

Mới đây nhất, khoảng 21h45 ngày 18/02/2020, Dương Quang Bình (SN 1977, ở số 12, ngõ 609, đường  Bạch Đằng, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) sau khi tự đốt xe máy của mình để trước cửa nhà, đã phá mái tôn trèo sang nhà em gái bên cạnh, dùng dao sát hại em vợ là Nghệ sỹ Ưu tú Vũ Mạnh Dũng, Phó Đoàn trưởng - Đoàn Ca kịch của Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam, uy hiếp 05 người khác, trong đó có 03 cháu nhỏ. Đối tượng ngay sau đó đã bị Công an quận Hoàn Kiếm khống chế. Chiều 19/02/2020, Công an quận Hoàn Kiếm đã ra lệnh bắt khẩn cấp và khởi tố vụ án để điều tra về hành vi "Giết người" đối với Dương Quang Bình. Bình là đối tượng “ngáo đá”, đã đi cai nghiện ở Trung tâm số 6 huyện Sóc Sơn TP Hà Nội, về tháng 8/2019 và chữa bệnh nghiện rượu tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương.

Khống chế đối tượng Dương Quang Bình

Theo thống kê của Công an TP Hà Nội, các đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp có biểu hiện “ngáo đá” chủ yếu thuộc độ tuổi lao động, từ 18 - 40 tuổi. Biểu hiện của “ngáo đá” thường có dấu hiệu ảo giác, loạn thần dẫn đến những hành vi nguy hiểm cho bản thân cũng như những người xung quanh. Chỉ tính riêng từ năm 2015 đến nay, tại Hà Nội đã có hàng chục vụ việc phạm pháp hình sự do đối tượng sử dụng “ngáo đá” gây ra.

Phòng ngừa, xử lý như thế nào?

Trước hết, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của các loại ma túy tổng hợp đến từng người dân trên địa bàn khu dân cư. Nhấn mạnh các nguy cơ, hiểm họa khi trong gia đình có người sử dụng ma túy tổng hợp, nhận biết người đang “ngáo đá” để kịp thời xử lý, thông báo đến cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ kịp thời. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người sử dụng ma túy tổng hợp và gia đình của họ tự nguyện khai báo tình trạng nghiện, tình trạng sử dụng ma túy và cam kết không sử dụng ma túy. Vai trò của công an và cán bộ cơ sở được phát huy hiệu quả qua việc vận động, thuyết phục người sử dụng ma túy tổng hợp đi cai tự nguyện, tập trung chữa bệnh tại các bệnh viện tâm thần.

Thứ hai là điều tra cơ bản, rà soát, nắm chắc danh sách đối tượng “ngáo đá” để có biện pháp giải quyết. Tiên phong trong cách làm này là TP Hà Nội. Ngay từ năm 2016, Công an TP Hà Nội đã ban hành “Hướng dẫn quản lý người sử dụng ma túy tổng hợp gây suy giảm chức năng nhận thức, hoang tưởng, loạn thần, ảo giác”. Theo đó, công an phường, xã, thị trấn (gọi tắt là công an cấp phường) chủ động phối hợp với Phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy tiến hành phân loại theo dạng đối tượng có biểu hiện “ngáo” và đối tượng có nguy cơ cao. Việc phân loại đối tượng này căn cứ theo kết quả rà soát, điều tra cơ bản của cấp cơ sở, qua danh sách người sử dụng ma túy được quản lý có hồ sơ tại địa phương, hoặc qua nắm tình hình cụ thể trên địa bàn. Công tác rà soát, nắm tình hình chú trọng vào số đối tượng người trẻ tuổi sử dụng ma túy tổng hợp và đối tượng có nguy cơ cao tại cộng đồng. Đặc biệt, số lượng người “ngáo đá” được cập nhật từng ngày về Phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy để báo cáo lãnh đạo. Chiều ngày 05/12/2019, tại phiên chất vấn Kỳ họp HĐND TP Hà Nội, trả lời câu hỏi về giải quyết vấn đề người tâm thần gây án giết người, hành hung, gây thương tích, Trung tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, trong phòng ngừa xã hội, ngoài việc lưu ý đến các mâu thuẫn trong đời sống bình thường, cần chú ý đến các đối tượng “ngáo đá”; Công an thành phố đã chỉ đạo công an cơ sở khảo sát, rà soát và lên danh sách các trường hợp “ngáo đá”. “Hiện tôi yêu cầu lãnh đạo Phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy hàng ngày phải nhắn tin báo cáo cho tôi số lượng tăng giảm của người “ngáo đá”, vì đối tượng này hay gây ra thảm án, đặc biệt là gây án với người thân” - Trung tướng Đoàn Duy Khương cho biết thêm. Tính đến cuối năm 2019, Công an TP Hà Nội rà soát, thống kê 12.864 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó lập hồ sơ 09 đối tượng “ngáo đá” (gồm: số cũ 05, bổ sung 10, thanh loại 06).

Ngoài ra, những đặc trưng của đối tượng “ngáo đá” được xếp vào tính chất nguy hiểm trong hành vi của người loạn thần do sử dụng ma túy tổng hợp. Do đó đối tượng “ngáo đá” có hành vi vi phạm pháp luật sẽ được xem xét xử lý nghiêm theo pháp luật.

Tư vấn, điều trị cho người “ngáo đá” ở Hà Nội

Giải pháp hiệu quả nhất có lẽ là đưa người “ngáo đá” vào cai nghiện tại bệnh viện tâm thần, cơ sở cai nghiện. Ngày 01/3/2019 Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 786/QĐ-BYT hướng dẫn can thiệp lạm dụng ma túy tổng hợp dạng amphetamine. Để điều trị cho người dùng ma túy tổng hợp, cần can thiệp bằng thuốc và điều trị tâm lý, xã hội. Quá trình cai nghiện, các bác sĩ sẽ can thiệp tâm lý và hành vi, tư vấn, tăng cường động lực để hỗ trợ người lệ thuộc ma túy tổng hợp cai nghiện.

Ông Nguyễn Hữu Khánh Duy, Giám đốc Trung tâm cai nghiện ma túy Thanh Đa, TP Hồ Chí Minh cho rằng người nghiện ma túy, rối loạn tâm thần cần phải được điều trị trong cơ sở cai nghiện, không thể để ngoài cộng đồng. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn vướng mắc trong việc đưa người “ngáo đá” vào cơ sở cai nghiện. Trước hết là một số loại ma túy, đặc biệt là methamphetamine (ma túy “đá”) xuất hiện phổ biến ở nước ta nhưng chưa có hướng dẫn chẩn đoán nghiện. Thêm nữa, chưa có hướng dẫn trình tự, thủ tục tạm giữ người nghiện ma túy (nhất là đối tượng “ngáo đá”) trong quá trình xác định tình trạng nghiện. Bởi việc giữ người có biểu hiện nghiện ma túy sẽ căn cứ theo quy định về xử lý hành chính. Theo quy định hiện hành, cơ quan chức năng chỉ có thẩm quyền tạm giữ hành chính không quá 12 giờ; trường hợp đặc biệt, có thể gia hạn thêm thời gian nhưng cũng không quá 24 giờ. Tuy nhiên, để xác định hội chứng nghiện đòi hỏi phải giữ người, không cho họ sử dụng ma túy trong 48 giờ trở lên. Vấn đề này cần được tháo gỡ nhanh chóng trong thời gian tới.

Những dấu hiệu cơ bản của một người "ngáo đá" có thể được nhìn nhận ở một trong hai hoặc cả hai triệu chứng là lâm sàng và hành vi. Cụ thể, về lâm sàng, người "ngáo đá" bị rối loạn nhịp tim, vã mồ hôi, ớn lạnh, giãn đồng tử, kích thích tâm thần vận động hoặc co giật… Về hành vi, người "ngáo đá" thường bị rối loạn các hành vi chức năng hoặc rối loạn tri giác. Theo đó, họ thường bị ảo giác, ảo thị, ảo thanh và xúc giác. Các đối tượng cũng sẽ có biểu hiện nói nhiều, tự cao, lo âu, đa nghi, kích động, bồn chồn, tăng hoạt động, rập khuôn một hành động nào đó; tăng ham muốn tình dục, tăng nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh và sau nữa là hoang tưởng với hai khuynh hướng đối lập nhau là hoang tưởng tự cao (có nhiều tài năng) hoặc hoang tưởng bị hại là bị người khác làm hại.

Nguyễn Xuân