Những năm gần đây, tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy ở nước ta diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng và trẻ hóa, chủ yếu tập trung vào đối tượng thanh thiếu niên. Thống kê gần đây cho thấy, trong số hơn 235 nghìn người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý của cả nước, dưới 16 tuổi chiếm 0,1%, từ 16 đến dưới 30 tuổi chiếm 48%. Theo Tổng cục Thống kê, có khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu tiên có độ tuổi từ 15 - 25 tuổi. Đặc biệt ngày nay với sự xuất hiện ngày càng phổ biến, đa dạng về chủng loại, giá thành ngày càng rẻ, dễ cất giấu, sử dụng, tính độc hại cao của ma túy tổng hợp, nhiều em 13 - 14 tuổi đã sử dụng ma túy.

Một buổi tuyên truyền phòng, chống ma túy cho thanh thiếu niên
Về việc cai nghiện ma túy cho người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi, giữa Luật Phòng, chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính đang quy định không đồng nhất. Theo khoản 1, Điều 96 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy tử đủ 18 tuổi trở lên, nhưng không quy định về áp dụng biện pháp này đối với nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, trong khi đó khoản 1, Điều 29 Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 quy định: “Người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định thì được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho họ”. Tuy nhiên, việc cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi trong trường hợp này thì không bị coi là áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Do đó, trước năm 2014 (thời điểm Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 chưa có hiệu lực thi hành), người nghiện ma túy từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi thuộc diện cai nghiện bắt buộc nhưng không phải là biện pháp xử lý hành chính. Ở các tỉnh, thành phố, cơ sở cai nghiện bố trí khu vực riêng dành cho các em và thực hiện một chương trình cai nghiện riêng phù hợp với đặc thù lứa tuổi. Sau 2014, Luật Xử lý vi phạm hành chính không quy định cai nghiện "bắt buộc" cho lứa tuổi này nữa. Từ đây, cai nghiện cho các em chủ yếu là cai nghiện tự nguyện với các hình thức: Cai tại gia đình, cai tự nguyện trong các cơ sở cai nghiện của Nhà nước, cai tự nguyện tại các cơ sở tư nhân…, một số ít cai tại các trường giáo dưỡng khi các em là đối tượng vào các trường này.
Tuy nhiên, quy định này tạo ra một khoảng trống, hiện tại có nhiều gia đình không thể tiếp tục đưa con em đi cai nghiện do điều kiện kinh tế một phần mà chủ yếu do các em chống đối, bất hợp tác. Không ít trường hợp, để có tiền dùng ma túy nhiều trẻ em đã lừa gia đình, người thân, ra đường ăn cắp, ăn trộm, bỏ nhà đi lang thang, tụ tập cãi nhau, đánh lộn, sử dụng ma túy trước mặt anh em trong nhà, "phê, ngáo" tại chỗ… và bỏ trốn, thậm chí đe dọa (đánh, giết bố mẹ, đốt nhà…) mỗi khi được khuyên nhủ đi cai nghiện. Nếu không được cai nghiện sớm thì liều lượng ma túy sử dụng hàng ngày tăng lên, sự lệ thuộc thể chất và tâm lý, tính chất bệnh lý tâm thần, sự lệch chuẩn hành vi ngày càng trầm trọng, các bệnh khác từ ma túy ngày càng phát triển nặng nề… khiến cho việc cai nghiên phục hồi hết sức khó khăn.
Hiện nay, Bộ Công an đang được giao chủ trì xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), Bộ Tư pháp được giao chủ trì xây dựng Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi), trong đó nội dung cai nghiện ma túy cho người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi sẽ được nghiên cứu quy định thống nhất.
Ngày 10/02/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp để cho ý kiến nội dung dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Thẩm tra dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, theo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, một nội dung đáng chú ý là việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma túy và sử dụng trái phép chất ma túy. Đối với biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, dự thảo Luật bổ sung đối tượng là người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc không có nơi cư trú ổn định và bỏ điều kiện "đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc không có nơi cư trú ổn định" đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên. Đối với các biện pháp khác, dự thảo Luật bổ sung đối tượng người nghiện ma túy từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi có nơi cư trú ổn định, người sử dụng trái phép chất ma túy nhiều lần.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính
Bên cạnh đó, cần cân nhắc thận trọng việc bổ sung quy định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi sử dụng trái phép chất ma túy nhiều lần và người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi nghiện ma túy, vì chưa phù hợp với nguyên tắc bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Ủy ban Pháp luật đề nghị đơn vị soạn thảo là Bộ Tư pháp làm rõ căn cứ, sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung về đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính; đánh giá thực trạng tình hình vi phạm, đánh giá tính hiệu quả của việc áp dụng các biện pháp này, nhất là trong việc giáo dục hành vi cho người chưa thành niên và cai nghiện cho người nghiện ma túy. Cho ý kiến về vấn đề cai nghiện ma túy đối với người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cũng nêu rõ, trong Luật Xử lý vi phạm hành chính, việc áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma tuý dưới 16 tuổi không thực hiện, mà chỉ còn quy định áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người từ 18 tuổi trở lên, như vậy người dưới 18 tuổi, trong độ tuổi dễ nghiện nhất, dễ xảy ra các vi phạm nhất thì gần như chúng ta ít quan tâm.
Ngoài ra, trước thực trạng ma túy ngày càng trẻ hóa, bên cạnh công tác cai nghiện ma túy cho người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi, chúng ta cũng cần một chương trình dự phòng nghiện ma túy cho thanh thiếu niên. Có thể thấy, đối tượng cần được cung cấp các thông tin và kỹ năng để có thể dự phòng được những cám dỗ của môi trường xung quanh quan trọng nhất là đối tượng học sinh từ cấp 2 đến cấp 3. Tuy nhiên, tại nước ta, công tác phòng ngừa mới thiên về truyền thông và tư vấn về tác hại của ma túy. So với nhiều nước, cách tiếp cận, các nội dung về dự phòng còn chưa có chiều sâu với nhiều hoạt động đa dạng về một loạt hoạt động can thiệp như giáo dục kỹ năng sống cho thanh thiếu niên, biện pháp can thiệp tại gia đình, nhà trường, nơi làm việc, hệ thống dịch vụ dự phòng… Do đó, trong thời gian tới cần đặc biệt lưu ý đến Chương trình dự phòng nghiện ma túy trong học đường bởi môi trường học đường là nơi dễ dàng nhất cung cấp thông tin để dự phòng với nghiện ma túy cho nhóm đối tượng là thanh thiếu niên, học sinh sinh viên./.
Tạ Đức