Theo kế hoạch này, Công an tỉnh được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan thực hiện; chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh tiến hành rà soát, thống kê, lập hồ sơ quản lý người nghiện, người nghi nghiện đảm bảo thống nhất từ cấp xã đến cấp tỉnh, nhất là việc lập hồ sơ theo Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn và Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Phối hợp với VNPT tỉnh và các sở, ngành chức năng xây dựng phần mềm quản lý thông tin người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy.
Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Y tế phối hợp với Công an tỉnh tiến hành thống kê đối tượng thuộc diện rà soát ở Trung tâm Bảo trợ xã hội, Bệnh viện Tâm thần, Phòng khám chuyên khoa và điều trị nghiện chất - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; đồng thời phân loại đối tượng theo địa bàn, thông báo cho công an các địa phương xác minh, đưa vào danh sách quản lý. Sở Y tế tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế ở các xã, phường, thị trấn về công tác xác định tình trạng nghiện và điều trị cắt cơn nghiện để chủ động phối hợp với cơ quan công an phục vụ công tác lập hồ sơ đưa đối tượng nghiện vào diện quản lý theo Nghị định 111, 221 và Nghị định số 94/2010/NĐ-CP ngày 09/9/2010 quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Lễ ra mắt điểm tư vấn cai nghiện ma túy ở phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy và các đồn biên phòng chủ động tiến hành và phối hợp với công an các địa phương, cơ quan liên quan rà soát, phát hiện, thống kê người nghiện, người nghi nghiện ma túy nơi đồn biên phòng đóng trụ sở. Các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan chỉ đạo theo ngành dọc phối hợp, triển khai kế hoạch; tổ chức hướng dẫn, tập huấn xác định tình trạng nghiện; tiếp nhận, quản lý, giáo dục, tổ chức các biện pháp quản lý người nghiện, người nghi nghiện; tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân, góp phần thực hiện một cách hiệu quả.
Công tác rà soát, thống kê, áp dụng các biện pháp cai nghiện cũng được tổ chức triển khai đến tận cấp huyện, cấp xã. Đã tuyên truyền, phát động phong trào rà soát người nghiện đến từng thôn, bản, tổ dân phố và từng gia đình. Thông qua các buổi họp dân tiến hành lồng ghép tuyên truyền pháp luật và tác hại của ma túy, đồng thời vận động nhân dân tham gia thực hiện công tác rà soát và quản lý người nghiện, người nghi nghiện trên địa bàn.
Kết quả rà soát, thống kê cho thấy, tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 1.433 người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy, trong đó có 441 người nghiện, 992 người sử dụng, đều tăng so với giữa năm 2019. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 860 người nghi sử dụng ma túy. Trong thời gian tới, đối với số người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn tỉnh (tổng số 1.433 người), Công an tỉnh chỉ đạo tăng cường quản lý, lập hồ sơ xác định tình trạng nghiện; phối hợp với các sở, ngành, cơ quan, chính quyền địa phương đưa vào diện quản lý theo pháp luật để giúp đỡ họ cai nghiện, từ bỏ ma túy, góp phần kiềm chế sự gia tăng. Đồng thời, chú trọng công tác lập hồ sơ giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo Nghị định 111, chỉ đạo công an cơ sở tham mưu với UBND cùng cấp giao cho các ban, ngành, đoàn thể và cán bộ cốt cán ở khu dân cư quản lý từng người nghiện đang được áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn để giúp đỡ họ cai nghiện, nếu tiếp tục vi phạm sẽ lập hồ sơ cai nghiện bắt buộc theo Nghị định 221. Đối với 860 người nghi nghiện, Công an tỉnh chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tập trung thu thập thông tin, tài liệu và phối hợp với các cơ quan chức năng xác định tình trạng nghiện, loại ma túy sử dụng để áp dụng các biện pháp quản lý theo pháp luật cho phù hợp.
Toàn tỉnh có 122/152 (chiếm 80,26%) xã, phường, thị trấn có người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy. Qua rà soát tại Bệnh viện Tâm thần, thuộc Sở Y tế tỉnh trong 03 năm gần đây có 359 bệnh nhân bị rối loạn tâm thần và mất kiểm soát hành vi do sử dụng ma túy đến điều trị. Đã lập mới 116 hồ sơ theo Nghị định 111; 16 hồ sơ theo Nghị định 221; hiện đang quản lý và tiến hành làm thủ tục đề nghị tòa án xem xét ra quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 23 người nghiện theo Nghị định 221.
Tư vấn cho các trường hợp tham gia điều trị methadone ở Thừa Thiên - Huế
Qua hơn 04 tháng triển khai thực hiện, công tác tổng rà soát, thống kê và tổ chức biện pháp quản lý người nghiện, người nghi nghiện đã được các cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo, sự vào cuộc của các sở, ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt lực lượng công an từ tỉnh đến cơ sở đã phát huy vai trò chủ công, nòng cốt trong công tác tham mưu, điều phối, khắc phục khó khăn để triển khai hiệu quả. Do đó, đã cơ bản phản ánh đúng thực trạng tình hình người nghiện, người nghi nghiện ma túy trên từng địa bàn, khu dân cư; đồng thời áp dụng các biện pháp trong việc xác định tình trạng nghiện, đưa ra các biện pháp điều trị nghiện và giáo dục phù hợp, góp phần chủ động hơn trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy. Đáng mừng là việc thực hiện kế hoạch nhận được sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ rất lớn của nhân dân, nhất là việc phát hiện, tố giác, cung cấp thông tin về người nghiện, người nghi nghiện ma túy cho lực lượng công an để có các biện pháp quản lý, giáo dục, giúp đỡ họ, nhờ đó tác động tích cực đến tình hình an ninh trật tự của từng thôn, bản, tổ dân phố.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng nảy sinh những tồn tại, hạn chế nhất định như việc mời người nghiện, người nghi nghiện ma túy làm việc gặp nhiều khó khăn do họ đi làm ăn xa hoặc không hợp tác, trốn tránh, không chấp hành, có dấu hiệu đối phó với việc test thử nước tiểu; khi lập hồ sơ theo các Nghị định 111, 221 nhiều đối tượng bỏ trốn. Ở một số nơi, tình trạng sử dụng một số chất gây nghiện, chất hướng thần chưa có trong Danh mục chất ma túy nên không được coi là người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy hoặc có chất ma túy thuộc Danh mục nhưng chưa có hướng dẫn việc xác định tình trạng nghiện nên khó áp dụng các biện pháp xử lý hành chính. Bên cạnh đó, việc sử dụng “cỏ Mỹ” dẫn đến rối loạn tâm thần và mất kiểm soát hành vi ngày càng nhiều, việc quản lý số này còn nhiều khó khăn, bất cập; số đối tượng tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone thay đổi tình trạng điều trị liên tục nên khó phân loại đối tượng nghiện, sử dụng ma túy.
Những khó khăn, vướng mắc trong thời gian tới sẽ được UNND tỉnh chỉ đạo Công an và các sở, ngành, đoàn thể chức năng tổ chức tháo gỡ để đạt được kết quả cao nhất, góp phần nắm chắc thực trạng người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn tỉnh, từ đó đề ra giải pháp thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội./.
Thanh Minh