Đấu tranh chống tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Kon Tum là tỉnh miền núi thuộc Bắc Tây Nguyên, phía tây giáp với 02 tỉnh Sê Kông và Attapư (Lào) và tỉnh Rattanakiri (của Vương quốc Campuchia). Đường biên giới có chiều dài 282,4 km (trong đó đường biên giới Việt Nam - Lào dài 142,4 km; đường biên giới giữa Việt Nam - Campuchia dài 140 km); có 01 cửa khẩu quốc tế Bờ Y là ngã ba biên giới giữa ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia và có 03 cửa khẩu phụ, cùng hàng trăm đường mòn qua lại biên giới.

25/02/2020 | Article Rating

Từ năm 2017 đến nay, hoạt động của tội phạm ma túy (TPMT) trên địa bàn tỉnh Kon Tum gia tăng cả số vụ và số đối tượng, tính chất mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn. Theo thống kê của lực lượng chức năng trong năm 2019, trên địa bàn tỉnh Kon Tum phát hiện, bắt giữ 76 vụ,139 đối tượng vi phạm pháp luật về ma túy.

Đặc biệt trong năm 2019 trên địa bàn tỉnh Kom Tum còn xảy ra tình trạng sản xuất ma túy tổng hợp. Cụ thể, ngày 06/8/2019 tại thị trấn huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy, Bộ Công an chủ trì phối hợp với Công an tỉnh Kon Tum và một số đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an triệt phá cơ sở sản xuất trái phép chất ma túy (lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam), do các đối tượng người Trung Quốc cầm đầu, bắt giữ 07 đối tượng người Trung Quốc, thu giữ hơn 140 lít methamphetamine, 13 tấn tiền chất, hóa chất và khoảng 20 tấn máy móc, phương tiện, đồ dùng để điều chế ma túy. Với lượng hóa chất, tiền chất trên nếu điều chế thành công sẽ cho ra khoảng hơn một tấn ma túy tổng hợp dạng “đá”.

Trong những năm gần đây, tại Kon Tum có nhiều đường dây TPMT lớn có tổ chức hoạt động liên tuyến, liên tỉnh và xuyên quốc gia và Kon Tum được xác định là địa bàn trung chuyển ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam tiêu thụ hoặc vận chuyển đi nước thứ ba. Điển hình như ngày 20/3/2019, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy, Bộ Công an phối hợp với lực lượng Công an TP. Hồ Chí Minh kiểm tra, khám xét tại một địa điểm tại quận Bình Tân qua đó thu giữ 300 kg ma túy, bắt giữ 11 đối tượng, trong đó có 08 đối tượng người Trung Quốc, 03 đối tượng người Việt Nam. Đây là đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Lào qua cửa khẩu Bờ Y về TP. Hồ Chí Minh do các đối tượng người Lào, Trung Quốc cấu kết với các đối tượng người Việt Nam thực hiện. Qua đấu tranh với các vụ án ma túy nói trên, nổi lên là các đối tượng người nước ngoài móc nối với các đối tượng ở trong nước hình thành những đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn liên tuyến, liên tỉnh, xuyên quốc gia. Thủ đoạn cất giấu, vận chuyển hết sức tinh vi như giấu ma túy lẫn trong hàng hóa, đồ nông sản, đồ dùng cá nhân hoặc trong các vị trí khó kiểm tra và phát hiện trên phương tiện tham gia giao thông.

Lực lượng chức năng thu giữ số máy móc, hóa chất, tiền chất tại cơ sở sản xuất trái phép chất ma túy trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Ngoài ra do có vị trí địa lý giáp với hai nước Lào và Campuchia (hai nước có tình hình TPMT phức tạp), các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam chủ yếu từ Lào vào bằng đường bộ qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y hoặc qua các đường mòn, lối mở ở biên giới giữa hai nước. Xác định tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh Kon Tum nói chung, trên tuyến biên giới nói riêng tiếp tục diễn biến phức tạp hơn, đặc biệt khi các lực lượng chức năng tập trung đánh mạnh TPMT ở các tỉnh biên giới phía Bắc nên các đối tượng phạm tội sẽ chuyển dịch địa bàn vào các tỉnh phía Nam trong đó có địa bàn tỉnh Kon Tum. Để công tác đấu tranh chống TPMT trên địa bàn tỉnh Kon Tum đạt hiệu quả, lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy, Công an tỉnh Kon Tum cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Nội dung tuyên truyền về tác hại của ma túy và phương thức, thủ đoạn của các đối tượng phạm tội nhằm lôi kéo người dân vào con đường mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép chất ma túy, nhất là tại địa bàn giáp biên, khu vực cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Cùng với đó là tuyên truyền, vận động chủ các doanh nghiệp, các nhà hàng, khách sạn… hoạt động đúng ngành nghề đăng ký kinh doanh. Ngoài ra, tăng cường công tác tuyên truyền những hộ dân có kho bãi, nhà xưởng cho thuê, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, các đơn vị có hàng hóa xuất nhập khẩu, công nhân lao động… không tham gia hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.

Hai là, tăng cường công tác nắm tình hình địa bàn, tuyến trọng điểm phức tạp về ma túy nhất là địa bàn khu vực cửa khẩu quốc tế Bờ Y, tuyến biên giới giáp Lào, Camphuchia để thu thập thông tin về các đường dây, băng, ổ nhóm TPMT từ đó đề ra các giải pháp đấu tranh và triệt xóa. Chủ động phát hiện các hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam từ phía bên kia biên giới để xác lập chuyên án (kể cả chuyên án chung giữa các nước) đấu tranh, triệt phá. Đồng thời, tổ chức thực hiện tốt Quy chế phối hợp theo Nghị định 03/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ về phối hợp giữa ba lực lượng công an, hải quan và biên phòng trong đấu tranh chống TPMT tại các địa bàn biên giới, cửa khẩu.

Ba là, tham mưu lãnh đạo các ban, ngành địa phương thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Đảm bảo giải quyết vấn đề kinh tế phát triển và ổn định cuộc sống cho nhân dân, không để người dân, nhất là thanh thiếu niên không có việc làm dẫn đến bị lôi kéo vào hoạt động phạm tội. Tiếp tục xây dựng và củng cố các tổ an ninh thôn, tổ liên gia hoạt động có hiệu quả.

Bốn là, tiếp tục phối hợp, trao đổi, chia sẻ thông tin với các lực lượng chức năng phòng, chống ma túy của hai nước Lào và Campuchia. Hàng năm, Công an ba tỉnh giáp biên gồm: Kon Tum (Việt Nam), Attapư (Lào) và Rattarakiri (Campuchia) luân phiên tổ chức giao ban định kỳ, nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác trong công tác phòng, chống tội phạm nói chung, TPMT nói riêng, qua đó đã thông báo, chia sẻ tình hình và thống nhất các giải pháp phối hợp ngăn chặn, đấu tranh với các loại tội phạm, đặc biệt là TPMT.

Bá Thành