Phát hiện vụ mua bán bánh chứa cần sa ở Hà Nội

Tổng kết đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm ma túy dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, từ ngày 30/12/2019 đến ngày 14/02/2020, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm (ĐTTP) về ma túy đã chủ trì, phối hợp với công an các địa phương phát hiện, bắt giữ 16 vụ, 35 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ nhiều vật chứng. Đáng lưu ý, đã xuất hiện thủ đoạn mới của tội phạm ma túy là xay, cắt và nghiền nhỏ cần sa làm thành dạng bánh bán qua mạng internet gây bức xúc trong dư luận xã hội như trường hợp Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy phối hợp với Công an TP Hà Nội phá vụ mua bán trái phép chất ma túy, bắt 02 đối tượng, thu giữ 1,54kg cần sa, 37 chiếc bánh chứa cần sa, 02 cối xay nhỏ cần sa, 01 cân điện tử và nhiều đồ vật, dụng cụ để làm bánh chứa cần sa.

20/02/2020 | Article Rating

Ngày 23/12/2019, tại 83 Phùng Hưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Tổ công tác do Phòng 5 Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy phối hợp với Công an thành phố Hà Nội kiểm tra, bắt giữ Hoàng Minh Quang, SN 1999, đăng ký hộ khẩu tại phường Iakring, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, trú tại khu đô thị Time City, phường Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội đang mua bánh có chứa cần sa của đối tượng Nguyễn Lan Hương, SN 1966, trú tại ngõ 53 Đường Thành, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Vật chứng thu giữ 04 bánh chất bột màu nâu, tổng khối lượng 147,54 gam, qua giám định cả 04 bánh này đều có chứa chất THC là chất ma túy có trong cần sa.

Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, hồi 10 giờ 45 phút ngày 24/12/2019, tại số 20 Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, Tổ công tác bắt Nguyễn Lan Hương về hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Vật chứng thu giữ gồm 21 bánh màu nâu hình tròn có kích thước khoảng 5x7cm, tổng khối lượng 787,13 gam. Khám xét nơi ở của Hương, lực lượng chức năng thu giữ 11 bánh màu nâu hình tròn, tổng khối lượng 378,67 gam (kết quả giám định các bánh này đều có chứa chất THC), 1,54 gam cần sa, 02 cối xay nhỏ cắt cần sa, 01 cân điện tử và nhiều đồ vật, dụng cụ dùng để làm bánh chứa cần sa. Các bánh chứa cần sa có khối lượng khoảng 60 gam/bánh. Hiện cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hoàn Kiếm đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Nguyễn Lan Hương về tội mua bán trái phép chất ma túy.

Qua vụ án trên đã phát hiện một số phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm ma túy như đối tượng thường xuyên đi Thái Lan để học cách làm bánh chứa cần sa, sau đó về tự mua cần sa khô qua mạng xã hội, tách chiết tinh dầu cần sa trộn với các nguyên liệu (bơ, bột mì, trứng, sô cô la, hương liệu...) để làm bánh, rao bán qua mạng internet. Đối tượng mua bánh chủ yếu là các sinh viên. Các đối tượng có nhiều phương thức, thủ đoạn trong việc mua bán bánh chứa cần sa nhằm tránh sự phát hiện, bắt giữ của cơ quan chức năng như gửi hàng qua shipper, người mua phải tham gia làm thành viên nhóm, hội kín trên mạng internet như Instagram... hoặc có người quen giới thiệu mới mua được.

 

Hình ảnh của “Bánh lười” (minh họa)

Cách đây khoảng 06 năm, trên địa bàn TP Hà Nội cũng đã xuất hiện một loại ma túy mới có tên khá lạ là “bánh lười” (lazy cakes). Nó giống như chiếc bánh ngọt có tẩm cần sa với cách sử dụng khá dễ, chỉ cần nhai và nuốt như người ta ăn một chiếc bánh ngọt. Theo như lời quảng cáo, bánh lười là chiếc bánh ngọt có tẩm cần sa. Bánh này có mùi thơm của sô cô la, vị ngọt của nho khô… Theo các chuyên gia, khi ăn, do có tác dụng của cần sa nên chất ma túy sẽ ngấm nhanh vào máu khiến cho người sử dụng có cảm giác "phê", hưng phấn, ảo giác. Người sử dụng sẽ dễ buồn ngủ hoặc chỉ thích nằm hay ngồi một chỗ cười. Qua một số du học sinh, “bánh lười” đã nhanh chóng vào nước ta. Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, Công an TP Hà Nội đã lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng và bắt được một ổ nhóm chuyên chế ma túy dạng “bánh lười” tại khu vực quận Hà Đông (Hà Nội).

Đáng lưu ý trong thời gian cuối năm 2019, tình trạng quảng cáo trên mạng bán sô cô la, kẹo mút, bánh bích quy chứa cần sa lại xuất hiện với tần suất đáng lo ngại. Với từ khóa “bánh cần”, Facebook trả về hàng loạt kết quả là Fanpage, tài khoản cá nhân chuyên bán các sản phẩm được giới thiệu là có cần sa với mức giá từ 100.000 - 400.000 đồng. Ngoài Facebook, Instagram cũng là kênh phân phối chính của các chế phẩm cần sa. Đa số người sử dụng Instagram khá trẻ, thuộc độ tuổi từ 15 - 25, đây cũng là lứa tuổi mục tiêu của những loại quảng cáo trên. Bằng nhiều hình thức lách luật cùng với sự hời hợt trong kiểm duyệt, Facebook đang làm ngơ cho những quảng cáo độc hại này xuất hiện - một chuyên gia trong lĩnh vực quảng cáo Facebook chia sẻ.

Trước thực trạng đó, trong thời gian tới, cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi qua các phương tiện thông tin đại chúng về chính sách, pháp luật của Nhà nước và tác hại của ma túy nói chung, cần sa nói riêng cho đông đảo nhân dân. Cần có giải pháp dùng chính mạng xã hội (Facebook, Zalo…) để tuyên truyền phòng, chống ma túy đến đông đảo thanh thiếu niên, học sinh sinh viên.

Một loại “bánh cần” tìm thấy trên mạng xã hội

Lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy toàn quốc tiếp tục tăng cường nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh, xử lý với các loại đối tượng lợi dụng mạng internet để mua bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy nói chung, cần sa nói riêng; nhất là các đối tượng sản xuất bằng cách trộn ma túy là cần sa vào các sản phẩm lương thực, thực phẩm, đồ uống nói chung và bánh kẹo, sô cô la nói riêng. Phối hợp với các đơn vị chức năng tổng hợp, phát hiện, ngăn chặn các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội của các tổ chức, cá nhân có chứa các nội dung liên quan đến cần sa trái với quy định của pháp luật nước ta. Tăng cường kiểm duyệt, điều tra, phát hiện và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức giới thiệu, mua bán, khuyến khích sử dụng ma túy, các chất gây nghiện, chất gây ảo giác trên mạng internet, mạng xã hội...

Vấn đề bánh chứa cần sa cũng được báo chí quan tâm. Tháng 11/2019, báo Tuổi trẻ có bài “Bánh, kẹo mút, sô cô la chứa cần sa bán khắp nơi”. Sau đó, trao đổi với Báo Tuổi trẻ, đại diện Cục Cảnh sát ĐTTP  về ma túy cho biết tỉ lệ sử dụng cần sa ở Việt Nam mới ở mức 1,6 - 2% số người nghiện, nhưng đang có xu hướng gia tăng trong nhóm thanh thiếu niên. "Thời gian gần đây cần sa được mua bán trá hình dưới nhiều tên gọi khác nhau hoặc được trộn lẫn trong các loại thực phẩm như sô cô la, bánh ngọt, kẹo cao su, rượu, nước ngọt..., sau đó mua bán trên mạng” - Đại diện Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy cung cấp thông tin và cho biết thêm, trong cần sa có chứa THC, chất này kích thích và gây nghiện, tạo cảm giác phấn chấn với những ảo giác, hoang tưởng. Nhựa cần sa có nồng độ gây nghiện gấp 8 - 10 lần thảo mộc cần sa. Tinh dầu cần sa có màu hơi tối và nồng độ các chất gây nghiện gấp 3 - 4 lần nhựa cần sa. Tinh dầu cần sa chính là loại hay được cho vào trộn lẫn trong thực phẩm. THC gây biến chứng cho hệ hô hấp gấp 4 lần so với thuốc lá, thúc đẩy ung thư tiến triển nhanh hơn. Người sử dụng cần sa lâu ngày sẽ xuất hiện thương tổn đối với tế bào não, khiến hệ thần kinh bị suy nhược, rối loạn nhận thức, mất khả năng tập trung, rối loạn trí nhớ, không kiểm soát được hành vi của bản thân, thậm chí xuất hiện ảo giác. 

Tại buổi họp trao đổi thông tin với các cơ quan báo chí ngày 20/12/2019, trả lời câu hỏi của phóng viên có hay không việc bánh kẹo chứa cần sa được bán ở Hà Nội thông qua mạng xã hội, đồng chí Trung tướng Phạm Văn Các, Cục trưởng Cục Cảnh sát Cảnh sát ĐTTP về ma túy, Bộ Công an cho biết, thông tin trên là có căn cứ, Cục đã cử tổ công tác nghiên cứu, điều tra, khi có kết quả cụ thể sẽ công bố.

Nguyễn Xuân