Đấu tranh chống các đường dây, tổ chức tội phạm ma túy do người nước ngoài cầm đầu trên thành phố Hồ Chí Minh

Tình hình tội phạm ma túy (TPMT) trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, chưa có chiều hướng giảm. Trong năm 2019, Công an TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện 1.648 vụ, 3.925 đối tượng, trong đó có 46 chuyên án; thu giữ 1.080 bánh heroin, 40,896 kg cần sa, 1.361 kg ma túy tổng hợp (MTTH) các loại, 5,826kg cocain, cùng nhiều công cụ phương có liên quan. Trong đó có 16 vụ án và 60 tin báo có liên quan đến người nước ngoài, khởi tố 18 đối tượng và xử lý hành chính 01 đối tượng là người nước ngoài; thu giữ 317,121 kg heroin, 1,107 tấn MTTH, 35,6687 kg cần sa, 8,7 kg cocain, 32,8 kg lá Khát, 86,91g Delta 9…

20/02/2020 | Article Rating

TP. Hồ Chí Minh hiện vẫn là địa bàn tiêu thụ và là địa bàn mà bọn tội phạm lợi dụng để mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy đi các tỉnh và các nước tiêu thụ. Nguồn ma túy nhập lậu vào TP. Hồ Chí Minh chủ yếu từ biên giới Campuchia qua các tỉnh như Long An, Tây Ninh... và từ Trung Quốc, Lào với số lượng lớn qua các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ như Hà Nội, Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh... Nếu trong năm 2018, trên địa bàn thành phố chỉ phát hiện 01 vụ tàng trữ trái phép chất ma túy, thu giữ 445 kg ma túy thì trong năm 2019, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 05 vụ mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng đặc biệt lớn. Điển hình có vụ thu giữ đến 1,1 tấn ma túy.

Đặc biệt, trong thời gian qua, các lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố đã phát hiện được một số trường hợp sử dụng trái phép chất ma túy là người nước ngoài tại các địa bàn như Quận 1, Bình Thạnh, Bình Tân, Thủ Đức…, tuy nhiên việc xử lý còn lúng túng do chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể đối với cách xử lý người sử dụng là người nước ngoài. Việc xử lý các trường hợp có biểu hiện ngáo đá là người Việt Nam đã khó, thì đối với người nước ngoài càng khó hơn, gây tốn rất nhiều nhân lực, thời gian.

Qua công tác đấu tranh và phối hợp đấu tranh chống TPMT với các tỉnh, thành phố trong thời gian qua, nhất là các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng trở vào đến các tỉnh Nam Bộ, hầu hết các đối tượng trong các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy liên tỉnh đều khai nhận ma túy được mua tại TP. Hồ Chí Minh để đem về địa phương bán lại cho người sử dụng. Bên cạnh đó, các vụ mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ nước ngoài về Việt Nam (chủ yếu từ Châu Mỹ và Châu Âu) dưới dạng quà biếu qua các cảng hàng không do các đơn vị Hải quan và các đơn vị khác phát hiện ngày càng nhiều. Cụ thể trong năm, Công an TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp Hải quan tiếp nhận và điều tra 60 vụ, thu hơn khoảng 37,86 kg MDMA, 7,47 kg MA, 24,2 kg cần sa, 32,8 kg lá Khát... Ma túy chủ yếu được cất giấu trong các túi thực phẩm, các thành của thùng các tông, cặp xách, đồ chơi…, có thể được vận chuyển trực tiếp hoặc thông qua các dịch vụ chuyển phát nhanh để vào Việt Nam và đưa về các tỉnh. Đối với các vụ vận chuyển qua dịch vụ chuyển phát nhanh thì hầu hết các thùng hàng này đều có thông tin người nhận giả; còn lại là dụ dỗ, lôi kéo người khác nhận thay.

Đối tượng và hơn 1,1 kg ma túy bị Công an TP. Hồ Chí Minh phối hợp với các đơn vị chức năng bắt giữ

Các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ các nước về Việt Nam được phát hiện, bắt giữ gần đây trên địa bàn tiếp tục cho thấy TP. Hồ Chí Minh không chỉ là nơi tiêu thụ mà còn là địa bàn trung chuyển khá thuận lợi mà tội phạm có yếu tố nước ngoài lợi dụng hoạt động. Từ đầu năm 2019 đến nay nổi lên là những nhóm đối tượng người Đài Loan - Trung Quốc cấu kết với các đối tượng trong nước tổ chức mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy với khối lượng rất lớn từ khu vực Tam giác vàng qua Lào, Campuchia vào Việt Nam qua các tỉnh miền Trung, miền Tây Nam Bộ rồi tập kết tại các kho ở các tỉnh giáp ranh như: Bình Dương, Đồng Nai, Long An… sau đó trung chuyển về các kho ở các quận, huyện vùng ven như Hóc Môn, Quận 12 và quận Bình Tân để trộn lẫn vào các container hàng hóa rồi dùng các công ty do các đối tượng thành lập để xuất đi nước thứ ba như Philippine, Đài Loan, Trung Quốc thông qua các cảng biển.

Theo đồng chí Đại tá Hồ Tự Sang, Trưởng phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy, Công an TP. Hồ Chí Minh xác định trong thời gian tới, tình hình TPMT nói chung và TPMT có yếu tố nước ngoài trên địa bàn  TP. Hồ Chí Minh tiếp tục diễn biến phức tạp và chiều hướng gia tăng. Để công tác phòng, chống loại tội phạm này đạt hiệu quả lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy, Công an TP. Hồ Chí Minh sẽ làm tốt một số nhiệm vụ sau:

Một là, tiếp tục tham mưu với Thành ủy, UBND thành phố trong thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị, trong đó tập trung nguồn lực vào công tác phòng, chống ma túy, thực hiện song song "giảm cung" đi đôi với "giảm cầu". Trước mắt là vẫn tiếp tục duy trì hiệu quả công tác cai nghiện tập trung, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả trong điều tra, xử lý các hành vi dụ dỗ, lôi kéo người khác sử dụng ma túy nhằm kéo giảm phát sinh người nghiện, người sử dụng mới.

Hai là, thực hiện tốt công tác nắm tình hình địa bàn nhằm phát hiện, ngăn chặn, triệt phá các đường dây, băng nhóm, tổ chức tội phạm, trong đó tập trung phối hợp phát hiện, ngăn chặn tình trạng nhập lậu ma túy ngay từ biên giới, tập trung vào các đối tượng là Việt kiều, người nước ngoài nghi vấn, các đối tượng hoạt động lưu động trên tuyến biên giới và các tuyến trọng điểm như: Việt Nam - Úc, Việt Nam - Đài Loan, Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Campuchia, Việt - Lào. Tăng cường sự phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát điều tra TPMT với các lực lượng khác trong ngành để trao đổi thông  tin về các băng nhóm, tổ chức tội phạm, những đối tượng có mối quan hệ phức tạp, thường xuyên xuất nhập cảnh đến các nước nghi vấn… từ đó sàng lọc những đối tượng nổi cộm, bất minh về kinh tế, các mối quan hệ phức tạp để đề ra kế hoạch, biện pháp quản lý.

Ba là, đẩy mạnh hợp tác, trao đổi thông tin giữa lực lượng Công an với lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quan cửa khẩu thành phố và các tỉnh có biên giới giáp với các nước. Nêu cao vai trò, trách nhiệm của các ngành trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh trái phép thuốc tân dược gây nghiện, thuốc hướng thần, tiền chất ma túy.

Bốn là, tăng cường công tác quản lý nhân hộ khẩu, kiểm tra các kho bãi, kinh doanh sản xuất, nhà cho thuê, chung cư cao cấp, nhất là các hợp đồng dân sự với người nước ngoài, đặc biệt là người Đài Loan - Trung Quốc, nhằm chủ động phòng ngừa phát hiện TPMT. Tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp dịch vụ vận tải, để phục vụ công tác đấu tranh trấn áp TPMT, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng thẩm lậu ma túy từ nước ngoài vào thành phố, các đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ các tuyến Tây Bắc, Đông Bắc, tuyến Tây Nam, tuyến hàng không, tuyến biển, tuyến bưu điện về thành phố tiêu thụ hoặc vận chuyển đi các nước tiêu thụ. Đẩy mạnh các hoạt động điều tra, phát hiện, bắt giữ và kịp thời đưa ra truy tố, xét xử nghiêm các đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, chọn các vụ án điển hình để tổ chức đưa ra xét xử án điểm nhằm răn đe tội phạm.

Thái Sơn