Nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống tội phạm ma túy có yếu tố nước ngoài trong giai đoạn hiện nay

Năm 2019, số lượng ma túy tổng hợp (MTTH) thu giữ tăng đột biến, cao hơn gấp 05 lần so với năm 2018, đồng thời cũng là năm bắt giữ nhiều đường dây mua bán, vận chuyển cũng như sản xuất trái phép chất ma túy lớn nhất từ trước tới nay. Đặc biệt số vụ việc liên quan đến tội phạm ma túy (TPMT) có yếu tố nước ngoài ngày càng gia tăng và phức tạp hơn.

14/02/2020 | Article Rating

Tính đến ngày 15/11/2019, Lực lượng Công an đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý hơn 23.328 vụ, với hơn 36.222 đối tượng phạm tội về ma túy. Thu giữ hơn 1.222 kg heroin, 6.253 kg + 1.053.099 viên MTTH, hơn 614 kg thuốc phiện và 768 kg cần sa. Riêng Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương phát hiện, bắt giữ 86 vụ, 283 đối tượng phạm tội về ma túy. Thu giữ 612,5 kg heroin, 120,54 kg cocain, hơn 2 tấn và 231.814 viên MTTH cùng nhiều vật chứng liên quan.

Quá trình đấu tranh chống TPMT cho thấy nguồn ma túy vẫn chủ yếu từ nước ngoài được mua bán, vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ hoặc tiếp tục vận chuyển đi nước thứ ba qua các tuyến biên giới đường bộ và một phần qua tuyến đường hàng không, đường biển. Hoạt động của các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy xuyên quốc gia có chiều hướng gia tăng, các đường dây chủ yếu do các đối tượng người nước ngoài cầm đầu, móc nối với các đối tượng trong nước mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ khu vực Tam giác vàng qua Lào, Thái Lan vào Việt Nam để đi nước thứ ba tiêu thụ.

Trong năm 2019, nổi lên tình trạng các đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập, chính sách thuận lợi của Nhà nước đối với thủ tục hải quan và những kẽ hở trong công tác quản lý, xuất nhập khẩu với danh nghĩa là du lịch, thăm thân, đầu tư kinh doanh… móc nối với các đối tượng trong nước thành lập các doanh nghiệp, công ty “bình phong” sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, thuê kho, xưởng để ngụy trang mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng rất lớn. Đáng chú ý, các đối tượng người nước ngoài còn lợi dụng hoạt động của các doanh nghiệp để “núp bóng” tổ chức sản xuất trái phép chất MTTH diễn biến phức tạp.

Điển hình ngày 27/3/2019, tại vòng xoay An Sương, phường Trung Mỹ Tây, Quận 12, Tổ liên ngành 363 Công an TP. Hồ Chí Minh làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, đã xử lý vi phạm đối với xe ô tô BS: 20C - 163.22 lưu thông từ hướng Thủ Đức về An Sương, qua đó bắt giữ đối tượng Chen Tsen Wei (SN 1986, người Đài Loan - Trung Quốc) thu giữ 895 bánh heroin. Ngay sau đó, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy chủ trì, phối hợp với Công an TP. Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan để điều tra mở rộng vụ án.

Đối tượng Chen Tsen Wei cùng tang vật vụ án

Sau một thời gian thu thập tài liệu, chứng cứ, ngày 03/11/2019, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy, Bộ Công an phối hợp với các đơn vị liên quan đã ra lệnh đồng loạt khám xét 05 địa điểm nghi vấn có cất giấu ma túy là chỗ ở, kho chứa hàng, xưởng sản xuất băng keo của 02 đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc), thu giữ 446 bánh heroin giấu trong 06 bao tải và nhiều bao tải chứa hạt nhựa mà các đối tượng sử dụng để ngụy trang trước khi vận chuyển đi nước ngoài… Cũng liên quan đến đường dây tội phạm này, trước đó ngày 18/10/2019, Cảnh sát Đài Loan (Trung Quốc) đã bắt giữ một container chứa 400 bao tải hạt nhựa PVC được vận chuyển từ TP. Hồ Chí Minh. Qua kiểm tra đã thu giữ 56 bánh heroin giấu trong 11 bao tải chứa hạt nhựa. Liên quan đến đường dây tội phạm này, phía Việt Nam đã bắt giữ 03 đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc), quyết định truy nã một đối tượng người Đài Loan, thu 1.397 bánh heroin cùng nhiều vật chứng có liên quan.

Sau nhiều năm tạm lắng thì năm 2019 số đối tượng người gốc Phi vẫn với thủ đoạn như trước đây là cặp bồ như vợ chồng với một số phụ nữ người Campuchia, Thái Lan, Philippines, Việt Nam… và thông qua số phụ nữ này để hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy diễn biến rất phức tạp. Ma túy do các đối tượng người gốc Phi vận chuyển vào Việt Nam không chỉ để tiêu thụ tại Việt Nam mà tiếp tục vận chuyển đi nước thứ ba. Thủ đoạn vận chuyển chủ yếu là nhét hoặc giấu ma túy trong loa thùng, va li hai đáy, đồ chơi trẻ em, nuốt nhét trong cơ thể để vận chuyển qua đường hàng không, đường bộ, gửi qua các hãng xe khách và đường bưu điện quốc tế. Số đối tượng người gốc Phi ít khi trực tiếp vận chuyển mà chủ yếu ở nước ngoài thông qua các ứng dụng của mạng xã hội để điều hành quá trình vận chuyển, giao nhận ma túy, do đó khi bắt giữ các đối tượng vận chuyển, việc điều tra mở rộng để truy bắt các đối tượng gốc Phi là rất khó khăn nếu không có sự hợp tác quốc tế hiệu quả.

Điển hình như ngày 17/9/2019, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy phối hợp khám phá đường dây tội phạm do các đối tượng người gốc Phi tại Campuchia câu kết với đối tượng gốc Phi ở Việt Nam và Hồng Kông - Trung Quốc để hình thành đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Campuchia về Việt Nam với thủ đoạn gửi hàng hóa qua xe khách chạy tuyến Phnong Pênh - TP. Hồ Chí Minh sau đó vận chuyển qua đường bưu điện chuyển phát nhanh đi Hồng Kông, bắt 01 đối tượng người Nigeria và 01 đối tượng nữ Việt Nam, phía Cảnh sát Hồng Kông cũng đã bắt giữ 02 đối tượng người Nigeria, thu 15 kg ma túy đá giấu trong đồ chơi trẻ em, đóng thành các kiện hàng hóa.

Cũng trong năm 2019, các đường dây TPMT do các đối tượng Việt kiều ở Mỹ, Úc, Canada cầm đầu diễn biến không phức tạp như trước đây, các lực lượng chức năng tại Việt Nam cũng như Úc chủ yếu chỉ bắt được một số vụ nhỏ lẻ vận chuyển qua đường hàng không hoặc đường bưu điện với khối lượng ma túy thu giữ không nhiều. Tuy nhiên, theo thông tin trao đổi của Cảnh sát Liên bang Úc, Cục phòng chống ma túy Hoa Kỳ và Campuchia cho thấy vẫn còn nhiều đối tượng là Việt kiều ở Úc, Mỹ, Canada có lệnh truy nã về ma túy đang lẩn trốn tại TP. Hồ Chí Minh và lợi dụng địa bàn TP. Hồ Chí Minh để họp, bàn bạc thống nhất tổ chức mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.

Xác định trong thời gian tới tình hình TPMT nói chung và TPMT có yếu tố nước ngoài nói riêng tiếp tục diễn biến phức tạp, để công tác đấu tranh chống loại tội phạm này đạt hiệu quả trong thời gian tới cần làm tốt một số nhiệm vụ sau:

Một là, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia tố giác tội phạm, tranh thủ sự ủng hộ của các  cấp ủy Đảng, các cơ quan, ban ngành đoàn thể để tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác đấu tranh chống TPMT nói chung và chống TPMT có yếu tố nước ngoài nói riêng.

Hai là, tập chung làm tốt công tác nắm tình hình trên các tuyến, địa bàn, lĩnh vực và hệ loại đối tượng trọng điểm. Đặc biệt chú ý đến hệ loại người nước ngoài có nghi vấn phạm tội về ma túy tại các tuyến, địa bàn trọng điểm đã xác định để chủ động, kịp thời phát hiện, xác lập chuyên án đấu tranh triệt phá các đường dây TPMT lớn hoạt động có tổ chức và xuyên quốc gia do các đối tượng người nước ngoài cầm đầu. Đồng thời, tiếp tục rà soát hoạt động của các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu nhưng thực chất là hoạt động phạm tội về ma túy.

Ba là, lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng liên quan trong đấu tranh với TPMT có tổ chức xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài; đặc biệt phát huy tốt vai trò, thế mạnh của các lực lượng hải quan, biên phòng và cảnh sát biển trong đấu tranh chống TPMT. Thường xuyên trao đổi thông tin về phương thức, thủ đoạn hoạt động của TPMT, nâng cao hiệu quả kiểm soát người, hàng hóa qua biên giới, cửa khẩu.

Bốn là, thường xuyên tổng hợp các vụ án, chuyên án lớn mà lực lượng công an các đơn vị, địa phương bắt giữ theo từng tuyến, địa bàn và hệ loại đối tượng, kể cả các vụ án mà lực lượng chức năng các nước có liên quan bắt giữ để phân tích, đánh giá kịp thời nhằm xác định chính xác các xu hướng của loại tội phạm này để chủ động trong thực hiện các biện pháp nghiệp vụ.

Năm là, nâng cao hiệu quả công tác hợp tác quốc tế trong phòng, chống ma túy đặc biệt là với các nước có chung đường biên giới như Trung Quốc, Lào, Camphuchia… Tổ chức xác lập các chuyên án đấu tranh chung để phối hợp triệt phá các đường dây TPMT có tổ chức và xuyên quốc gia có yếu tố nước ngoài ngay từ giai đoạn đầu đến khi triệt phá thành công. Ngoài ra, thường xuyên trao đổi thông tin về các đối tượng nghi vấn phạm tội ma túy khi đối tượng xuất cảnh đến một nước khác.

Bá Thái