Thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới” (Chỉ thị số 21), Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Đắk Nông ban hành Chương trình hành động số 29-CTr/TU về thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW. Trên cơ sở chỉ đạo của Tỉnh ủy, cấp ủy các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương trong tỉnh đã có nhiều kế hoạch, biện pháp nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân cùng tham gia vào công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tấn công, trấn áp tội phạm, triệt xóa các tụ điểm phức tạp về ma túy; quản lý chặt các đối tượng nghiện... kiên quyết không để tội phạm và tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh.
Công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ma túy luôn được các cấp, các ngành quan tâm, đẩy mạnh, triển khai thực hiện với nhiều nội dung, hình thức phong phú, phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn; các cơ quan thông tin, báo chí của tỉnh đã xây dựng nhiều chuyên mục, chuyên trang để tuyên truyền để pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống ma túy; xây dựng các phóng sự, tin bài thực tế phản ánh hoạt động của công tác phòng, chống ma túy; cảnh báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm ma túy.... Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh phối hợp với các tổ chức thành viên tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến từng hộ gia đình, cộng đồng khu dân cư về phòng ngừa, tố giác tội phạm ma túy; Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Ban Dân tộc tỉnh... phối hợp tổ chức hơn 2.000 đợt tuyên truyền phòng, chống ma túy, HIV/AIDS, mại dâm; mở trên 20 lớp tập huấn phòng, chống ma túy; các lực lượng chức năng đã phát hiện, nhổ bỏ hơn 5.000 cây cần sa; xây dựng và duy trì hoạt động 126 câu lạc bộ; cấp phát 300 cuốn tài liệu tuyên truyền, 250 cuốn các văn bản pháp luật của Việt Nam và những hiểu biết về công tác phòng, chống ma túy. Nhờ triển khai có hiệu quả các biện pháp tuyên truyền đã nâng cao nhận thức của nhân dân về công tác phòng, chống ma túy; người dân đã tích cực, tự giác tham gia vào phòng ngừa ma túy tại gia đình, cơ quan, đơn vị, địa phương mình, góp phần kiểm chế sự gia tăng của tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn toàn tỉnh.
Tuyên truyền về tác hại của ma túy tại Trường THPT Chuyên Nguyễn Chí Thanh, TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông
Bên cạnh đó, các cấp hội và chính quyền các cấp đã duy trì, xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến hoạt động có hiệu quả tại địa bàn cơ sở như: Câu lạc bộ “phụ nữ với pháp luật”, “Gia đình phụ nữ không có con, em và người thân vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”, “Gia đình không có tệ nạn xã hội”, “Tuổi trẻ với phòng, chống tội phạm”, “Thanh niên với pháp luật”, mô hình “Quản lý, giáo dục trẻ em có hành vi vi phạm pháp luật”, “Khu dân cư không có tội phạm và tệ nạn ma túy”... các mô hình, câu lạc bộ đã phát huy hiệu quả tích cực trong phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nói chung, công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy nói riêng trên địa bàn toàn tỉnh.
Với vai trò nòng cốt, Công an tỉnh Đắk Nông đã phối hợp có hiệu quả với các lực lượng chức năng trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy. Tổ chức lực lượng, liên tục mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, triệt xóa các đường dây, các tụ điểm phức tạp về ma túy. Từ năm 2008 đến nay, các lực lượng chức năng tỉnh Đắk Nông đã phát hiện, bắt giữ trên 500 vụ với hơn 1.000 đối tượng phạm tội liên quan đến ma túy; thu giữ trên 1.400g heroin, trên 3.180 kg cần sa tươi, 9.500 cây cần sa tươi, 81 kg cần sa khô, 1.600 viên ma túy tổng hợp cùng nhiều tang vật có liên quan. Qua đó đã khởi tố trên 290 vụ với hơn 430 bị can; kết luận điều tra chuyển viện kiểm sát đề nghị truy tố trên 260 vụ, 380 bị can. Chỉ tính riêng trong năm 2019, các lực lượng của Công an tỉnh Đắk Nông đã bắt giữ 90 vụ liên quan đến hành vi mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy, với 138 đối tượng phạm tội; so với cùng kỳ năm 2018 tăng 20 vụ, 28 đối tượng; thu giữ trên 390g heroin, 278g ma túy tổng hợp cùng nhiều tài liệu liên quan.
Tạm giữ hình sự nhiều đối tượng, vì có hành vi mua bán, tàng trữ, sử dụng chất ma túy tại huyện Đắk Song tỉnh Đắk Nông
Trên cơ sở Quy chế phối hợp về công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, phòng, chống tội phạm mua bán người tỉnh Đắk Nông với Cơ quan Thường trực phòng, chống ma túy, phòng, chống tội phạm mua bán người trực thuộc Công an tỉnh Mondulkiri, (Vương quốc Campuchia), lực lượng Công an các huyện biên giới và Bộ đội Biên phòng đã phối hợp tổ chức nhiều buổi làm việc với lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia để trao đổi thông tin, tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội trên tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia. Hàng năm, lực lượng Công an hai tỉnh Đắk Nông và Mondulkiri đều tổ chức sơ kết công tác phối hợp về phòng, chống ma túy, ký kế hoạch hợp tác năm tiếp theo. Nhờ làm tốt công tác phối hợp, nắm tình hình và tổ chức triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa nên tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên tuyên biên giới luôn được kiểm soát chặt chẽ, không để diễn biến phức tạp trong thời gian vừa qua.
Trong thời gian tới, để thực hiện tốt công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn toàn tỉnh, theo ông Ngô Thanh Danh, Phó Bí thư thường trực tỉnh Đắk Nông, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh xác định công tác phòng, chống ma túy là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Tiếp tục huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân cùng tham gia vào công tác phòng, chống ma túy. Đặc biệt, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục; tổ chức tốt Cuộc vận động “Toàn dân tham gia phòng, chống tệ nạn ma túy”, trong đó, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy tại các xã, phường, thị trấn.
Làm tốt công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, triệt phá các đường dây, tụ điểm mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy đã xác định; kiên quyết không để tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp, gây dư luận xấu trong nhân dân; thực hiện tốt chủ trương tái hòa nhập cộng đồng đối với người sau cai nghiện ma túy; tăng cường công tác giáo dục, dạy nghề, hướng nghiệp, tạo việc làm nhằm giúp họ nhanh chóng hòa nhập, tránh nguy cơ tái nghiện. Đồng thời, thực hiện tốt quy chế, kế hoạch phối hợp công tác phòng, chống ma túy trên tuyến biên giới và nội địa đã ký kết giữa các lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Nông với tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia; kiểm soát chặt chẽ không để tình hình tội phạm ma túy diễn biến phức tạp trên tuyến biên giới./.
Trần Thành