Qua công tác đấu tranh cho thấy, gần đây tội phạm ma túy có xu hướng chuyển dịch từ Tây Bắc qua các tỉnh Bắc miền Trung và các tỉnh Tây Nguyên để hoạt động. Đặc biệt nổi lên tình trạng người nước ngoài cấu kết với các đối tượng trong nước tổ chức sản xuất trái phép ma túy tổng hợp. Tại địa bàn này còn xuất hiện tình trạng nhiều đối tượng phạm tội ma túy cấu kết với tội phạm hình sự hoạt động phạm tội như cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê... Các đối tượng hoạt động tinh vi, hết sức manh động, mở rộng địa bàn đến vùng sâu, vùng xa, khu vực khai thác khoáng sản, lợi dụng đồng bào dân tộc thiểu số mang vác thuê ma túy.
Trong thời gian vừa qua, nhiều đối tượng người nước ngoài đã chọn cửa khẩu quốc tế Bờ Y (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) để đưa ma túy vào các tỉnh Tây Nguyên, sau đó trung chuyển đến các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là TP Hồ Chí Minh và các đô thị lớn phía Nam. Thượng tá Hoàng Minh Thảo, Trưởng phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy, Công an tỉnh Kon Tum cho biết, ma túy từ cửa khẩu Bờ Y, sau đó chia theo hai hướng: một là ra các tỉnh phía Bắc, hướng thứ hai là đi theo Quốc lộ 14 qua các tỉnh Gia Lai, Đắk Nông xuống TP Hồ Chí Minh. Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai - Đại tá Phan Thanh Tám cũng khẳng định, ma túy cũng có thể được đưa từ Lào qua Campuchia, từ Campuchia ma túy theo đường biên giới tỉnh Đắk Nông, Tây Ninh rồi xuống TP Hồ Chí Minh. Thượng tá Nguyễn Lộc Oanh, Trưởng phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy, Công an tỉnh Gia Lai cho biết thêm: "Đường ngắn nhất là ma túy ở Lào từ cầu Sê Kông đi Stung-Treng (Campuchia) rồi về thẳng Bình Phước. Ma túy được vận chuyển về TP Hồ Chí Minh chủ yếu đi đường này, bởi được sản xuất chủ yếu ở Lào…".

Xét xử các đối tượng trong đường dây mua bán ma túy
Trước tình hình trên, lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy Công an các tỉnh Tây Nguyên tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp công tác, chú trọng công tác vận động quần chúng, tranh thủ sự ủng hộ của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc phát động phong trào Toàn dân tham gia phòng, chống ma túy; tập trung đấu tranh có hiệu quả với các đường dây mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy, tạo hiệu ứng tích cực, không khí thi đua sôi nổi.
Công tác điều tra, xử lý các vụ án về ma túy được đẩy nhanh tiến độ, phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh làm rõ hành vi phạm tội của các bị can; công tác xác minh, truy bắt đối tượng truy nã về ma túy được đẩy mạnh. Hoạt động phối hợp với các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy của Bộ đội Biên phòng và công tác hợp tác quốc tế được thực hiện thường xuyên, đạt hiệu quả cao, thể hiện qua việc đấu tranh, khám phá thành công một số chuyên án ma túy xuyên quốc gia trong thời gian vừa qua. Thực hiện Đợt cao điểm tuyên truyền, tấn công, trấn áp tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, các tỉnh Tây Nguyên đã phát hiện 123 vụ, 225 đối tượng phạm tội về ma túy; thu giữ 258,13 gam heroin, 237,2 gam ma túy tổng hợp cùng nhiều tài liệu liên quan. Điển hình, ngày 06/8/2019, tại xã Đắk Hà, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng đấu tranh thành công chuyên án 626T, bắt 07 đối tượng quốc tịch Trung Quốc đang có hành vi sản xuất trái phép chất ma túy, thu giữ hàng trăm lít dung dịch ma túy tổng hợp, khoảng 13 tấn hóa chất, tiền chất và khoảng 20 tấn máy móc, thiết bị, dụng cụ phục vụ sản xuất trái phép chất ma túy.
Bên cạnh công tác đấu tranh triệt xóa các đường dây ma túy, Công an các tỉnh Tây Nguyên còn chú trọng việc xử lý các tụ điểm tiêu thụ ma tuý, không để gây bức xúc trong nhân dân. Điển hình là tại tỉnh Gia Lai - nơi chưa phát hiện các tụ điểm sản xuất ma túy, tuy vậy lại là nơi báo động về nạn sử dụng ma túy tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự và nhạy cảm như quán bar, khách sạn, home stay, karaoke... Cụ thể, vào trung tuần tháng 6/2019, Phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy Công an tỉnh Gia Lai đã phát hiện nhiều đối tượng đang sử dụng ma túy tại các phòng nghỉ ở khách sạn Hoàng Vương, tổ 3, phường Tây Sơn, thị xã An Khê, Gia Lai. Tại phòng số 10, lực lượng chức năng phát hiện đối tượng Nguyễn Thế Phi (SN 1999, trú tại thị xã An Khê) đang tàng trữ 02 gói ma túy “đá”, trong phòng có các dụng cụ để hút, chích ma túy. Kiểm tra tiếp phòng số 13, phát hiện thêm 04 đối tượng đang có hành vi sử dụng chất ma túy. Mở rộng kiểm tra toàn khách sạn, thu giữ tại tầng thượng có 19 viên nén ma túy tổng hợp, tầng trệt có 08 viên nén màu hồng, 01 gói ma túy “đá”. Ở phòng của Lê Thị Thanh Diệp - chủ khách sạn - phát hiện 02 viên nén màu trắng và 4 gói nilon nghi ma túy “đá”. Phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy Công an tỉnh Gia Lai đã bắt giữ Lê Thị Thanh Diệp để điều tra về hành vi tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy. Tại các quán karaoke Chung Hiền (huyện Krông Pa), karaoke Ánh Dương (TP Pleiku) có nhiều nam nữ "mở tiệc" ma túy sử dụng cũng đã bị lực lượng công an tạm giữ, xử lý.
Trong thời gian tới, Công an các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương đề ra những giải pháp cụ thể nhằm nâng cao vai trò của hệ thống chính trị cơ sở địa bàn biên giới trong phòng, chống ma túy, tạo thành “phên dậu”, “lá chắn” vững chắc tại khu vực này. Làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động người dân không trồng, tái trồng cây có chứa chất ma túy và phổ biến pháp luật, các phương thức, thủ đoạn của tội phạm ma túy để người dân cảnh giác, phòng ngừa. Chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng, đặc biệt là Bộ đội Biên phòng tổ chức tấn công, truy quét các ổ nhóm mua bán trái phép chất ma túy ở các huyện biên giới; tập trung đánh mạnh, đánh trúng các đường dây, số đối tượng chủ mưu, cầm đầu, nhóm tội phạm ma túy lớn xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài. Chú trọng tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là Công an các tỉnh biên giới của Lào, Campuchia trong công tác phát hiện, đấu tranh với tội phạm ma túy ngay từ bên ngoài, sào huyện của bọn chúng.
Tin tưởng rằng, với những giải pháp quyết liệt, đồng bộ, công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn Tây Nguyên tiếp tục đạt được những thành công mới, vì một cao nguyên tươi xanh./.
Thanh Minh