Tác hại của cần sa
Cây cần sa có tên La tinh là “Cannabis sativa”, là một chi thực vật có hoa được sử dụng như chất gây ảo giác, chất kích thích hoặc dùng làm thuốc, được phát hiện trồng tại Ấn Độ cách đây khoảng trên 2.000 năm. Đến nay, số quốc gia thông báo phát hiện trồng cây cần sa lên đến trên 130, trong đó tập trung chủ yếu ở Afghanistan, khu vực Tam giác vàng (Myanmar, Thái Lan, Lào) và Bắc Mỹ. Các chế phẩm từ cần sa bao gồm nhựa cần sa, chiết xuất cần sa, cồn cần sa. Các hoạt chất trong cần sa là Cannabinoid, chủ yếu là Tetrahydrocannabinol (THC) có tác dụng dược lý trên toàn cơ thể, đặc biệt là tác động lên hệ thần kinh trung ương và hệ miễn dịch. Một số công trình nghiên cứu đã chứng minh được tác dụng của cần sa như giảm đau, ngăn nôn mửa, kích thích đói, làm giãn phế quản trong bệnh hen, chống co thắt trong bệnh Parkinson và xơ mảng, giãn mạch trong bệnh tăng nhãn áp, chống động kinh...

Triệt phá cây cần sa
Tuy nhiên, những tác hại trước mắt và lâu dài về cần sa là khá nghiêm trọng, bởi vì thành phần chủ yếu trong cây cần sa là chất THC ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương của con người, nếu sử dụng chúng quá liều sẽ gây những tác hại như: gây ảo giác nguy hiểm, người sử dụng sẽ không làm chủ được hành vi, từ đó dễ dẫn đến mất kiểm soát như chém giết người khác hoặc tự làm đau bản thân, tự tử...; tăng mức độ gây nghiện và giảm trí nhớ; cơ thể có cảm giác hưng phấn, bồn chồn dẫn đến rối loạn về thời gian phản ứng, về sự phối hợp giữa các hoạt động cơ học và cảm xúc về thị giác; suy giảm khả năng miễn dịch, tăng nguy cơ mắc bệnh về đường hô hấp; tăng khả năng gây ung thư (gấp 1,5 lần thuốc lá); ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của cả nam giới và nữ giới.
Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc, hiện nay cần sa vẫn là loại ma túy bị lạm dụng phổ biến nhất trên toàn thế giới với 192 triệu người đã từng sử dụng ít nhất một lần trong năm qua. Số lượng người lạm dụng cần sa cao hơn rất nhiều các loại ma túy khác, như methamphetamine và thuốc phiện: 34 triệu người, ecstasy: 21 triệu người... Số người sử dụng cần sa liên tiếp tăng trên phạm vi toàn cầu, cụ thể là tăng 16% trong 10 năm, tương ứng với tốc độ tăng dân số thế giới.
Kiểm soát cần sa ở một số nước
Sử dụng cần sa để giải trí bị cấm ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở Châu Á và Trung Đông, hình phạt đối với hành vi tàng trữ cần sa rất nặng nề, chỉ một lượng rất nhỏ cũng có thể bị phạt tù vài năm. Hiện nay, nhiều quốc gia như: Hà Lan, Đức, Romania, Séc, Croatia, Canada, Colombia, Uruguay, Ecuador, Israel, Ấn Độ, Úc… đã hợp pháp hóa cần sa cho mục đích y tế và giải trí. Tại Mỹ có 33 bang và quận Columbia hợp pháp hóa cần sa y tế, nhưng ở mức độ liên bang thì lại cấm hoàn toàn sử dụng cần sa.
Ở khu vực Đông Nam Á, ngày 14/11/2018, Chính phủ Thái Lan đã thông qua dự luật cho phép sử dụng cần sa trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên nhà chức trách cũng ra điều kiện cho các tổ chức, đơn vị liên quan phải có đánh giá thận trọng, cụ thể và báo cáo sau 05 năm thực hiện. Đến tháng 02/2019, Luật Chất gây nghiện có hiệu lực, Thái Lan đã triển khai các chính sách đưa cần sa vào mục đích y tế, nghiên cứu khoa học, cụ thể cấp phép trồng, sản xuất, phân phối cần sa độc quyền cho Tổ chức Dược phẩm Chính phủ từ nay đến hết năm 2020, sau đó tiếp tục được xem xét mở rộng diện cấp phép cho các công ty tư nhân, liên doanh (nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tối đa 1/3 cổ phần); cấp phép nghiên cứu khoa học phát triển cần sa y tế cho Viện Nghiên cứu và phát triển cao nguyên Thái Lan và Viện Nghiên cứu cần sa y tế, Đại học Rangsit.
Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm, Bộ Y tế Thái Lan được giao đào tạo, cấp chứng chỉ cho cán bộ y tế hoạt động trong lĩnh vực sử dụng cần sa vào mục đích y tế. Triển khai thí điểm sử dụng cần sa cho điều trị, theo đó, các bệnh viện lập danh sách bệnh nhân tham gia. Đến nay, Thái Lan đã thu thập thông tin của 20.000 người có nhu cầu và cấp phép tạm thời được sử dụng cần sa cho 2.000 bệnh nhân mắc các bệnh ung thư, đa xơ cứng có nhu cầu cấp bách. Nhận thức rõ hệ luỵ gặp phải do hợp pháp cần sa vì mục đích y tế và cũng để trấn an dư luận trong nước, các nước, tổ chức quốc tế; Chính phủ Thái Lan đã ban hành quy định chặt chẽ trong kiểm soát, lưu hành, theo đó sản phẩm phải được kiểm nghiệm an toàn, chất lượng, được công nhận thuộc danh sách dược phẩm quốc gia thiết yếu trước khi lưu hành ngoài thị trường.
Chính phủ Thái Lan cũng khẳng định, luật chỉ cho phép cần sa dùng vào việc điều trị và nghiên cứu trong y tế. Nội các đã quyết định bổ sung một chương tạm thời để đảm bảo rằng Bộ Y tế sẽ kiểm soát chặt việc sử dụng cần sa trong ít nhất 05 năm sau khi được hợp pháp hóa và luật sẽ được xem xét sau 05 năm để kiểm tra tính hiệu quả. Sau khi đã được kiểm chứng, đánh giá trong thực tế, việc sử dụng cần sa có thể được Chính phủ nới lỏng kiểm soát hoặc bị cấm hoàn toàn.
Ứng xử ở nước ta
Hiện nay, pháp luật nước ta cấm toàn bộ các hoạt động liên quan đến cần sa (trồng cây cần sa; vận chuyển, mua bán, sử dụng cần sa...). Căn cứ vào pháp luật hiện hành của nước ta và trên cơ sở thực tế hiện nay ở Việt Nam chưa có nghiên cứu khoa học cũng như nhu cầu sử dụng chế phẩm cần sa trong y tế, hiện tại chỉ có một lượng mẫu rất nhỏ các chất nhóm Cannabinoid được nhập khẩu phục vụ công tác giám định, thử tay nghề. Thêm vào đó, cân nhắc giữa lợi ích điều trị và nguy cơ, rủi ro đối với sức khỏe cộng đồng và việc gây ra các tệ nạn xã hội do hệ lụy của việc sử dụng cần sa gây ra, trước mắt Việt Nam nên tiếp tục kiểm soát chặt chẽ loại ma túy này.

Vật chứng là cần sa trong một vụ bắt giữ ở tỉnh Thừa Thiên - Huế
Chúng ta cũng cần nhận thức rõ, xu thế nới lỏng quy định kiểm soát trồng, chế biến sản phẩm có nguồn gốc cần sa ở Đông Nam Á - vốn là một trong những điểm nóng ma tuý toàn cầu - sẽ tạo nguy cơ mới, khiến công tác kiểm soát ma tuý của các nước, trong đó có Việt Nam trở nên phức tạp hơn. Vấn đề này còn tạo ra nhận thức chủ quan sai lệch của người dân về tác dụng của cần sa dẫn đến tình trạng lạm dụng loại ma túy này. Các đường dây tội phạm ma tuý quốc tế sẽ tìm cách mua bán, vận chuyển cần sa bất hợp pháp vào nước ta từ đó làm gia tăng số người nghiện, phức tạp thêm tình hình tệ nạn ma tuý. Trước những nguy cơ đó, các lực lượng công an, hải quan, biên phòng cần đẩy mạnh phối hợp trao đổi thông tin tội phạm, hiệp đồng tác chiến ngăn chặn ma tuý từ nước ngoài xâm nhập vào nội địa. Điều cần nhất là các cơ quan chức năng nước ta cần tăng cường tuyên truyền về tác hại của tệ nạn ma tuý nói chung, cần sa nói riêng để người dân nâng cao nhận thức tự phòng tránh. Các ngành cùng chung tay xây dựng đời sống văn hoá mới ở khu dân cư, thu hút người dân, nhất là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động giải trí lành mạnh để tránh xa tệ nạn ma tuý. Ngành y tế, công thương phối hợp kiểm soát chặt chẽ các loại thuốc, nguyên liệu dùng làm thuốc chứa chất gây nghiện, hướng thần trong quá trình xuất nhập khẩu, phân phối, kê đơn, sử dụng. Nghiên cứu, sản xuất các loại thuốc mới có tác dụng giảm đau, an thần, hỗ trợ điều trị ung thư, các bệnh hiểm nghèo, ít có khả năng gây nghiện nhằm hạn chế việc kê đơn, sử dụng thuốc chiết xuất từ các chất ma tuý./.
Tạ Đức