Thủ đoạn hoạt động của TPMT ngày càng tinh vi, xảo quyệt, liều lĩnh, chúng sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng chống trả lại các lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ. Các đối tượng người nước ngoài câu kết với một số đối tượng trong nước hình thành các tổ chức, đường dây hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia. Chúng lợi dụng triệt để các sơ hở, thiếu sót trong quản lý nhà nước, tập trung ở phạm vi quản lý kinh tế, quản lý biên giới để hoạt động phạm tội. Tại các khu vực biên giới hình thành các toán, nhóm mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý có vũ trang.
Nguồn ma túy vẫn chủ yếu vận chuyển từ nước ngoài vào Việt Nam, phổ biến là heroin và ma túy tổng hợp (MTTH), trong đó tỷ lệ mua bán, sử dụng trái phép các loại MTTH mới ngày càng gia tăng. Heroin, MTTH chủ yếu từ khu vực Tam giác vàng, qua Lào vận chuyển vào Việt Nam, một phần được tiêu thụ trong nước, phần lớn vận chuyển đi nước thứ ba tiêu thụ. Thời gian gần đây, khi lực lượng chức năng Trung Quốc tập trung triệt xóa nhiều cơ sở sản xuất MTTH trong nước, các đối tượng phạm tội đã chuyển địa bàn sản xuất MTTH sang Lào, Myanma, Campuchia và nay đã xuất hiện tại Việt Nam. Do dó, MTTH chuyển vào Việt Nam qua tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc đã giảm và có xu hướng tăng ở tuyến biên giới Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia.

Ngày 01/9/2019, lực lượng chức năng tỉnh Điện Biên triệt phá chuyên án, bắt 03 đối tượng, thu giữ 50 kg ma túy “đá”
Việc điều chế, chiết xuất, sản xuất MTTH bằng phương pháp thủ công trước đây xuất hiện rải rác, nay một số đối tượng là người Việt Nam đã từng sinh sống và làm việc ở nước ngoài có kiến thức, kinh nghiệm sử dụng công thức hóa học để điều chế, sản xuất ra ma túy. Cùng với đó, nhiều đối tượng ở trong nước cũng tìm kiếm công thức có trên mạng internet để nghiên cứu điều chế, sản xuất MTTH bằng các nguyên liệu có thể dễ dàng tìm kiếm trên thị trường như một số loại thuốc ho, thuốc trị bệnh cảm cúm, thuốc thú y và một số loại hóa chất… Tính đến nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện 35 vụ sản xuất ma túy trong nước.
Trong thời gian gần đây, xuất hiện một số đường dây TPMT lớn có sự cấu kết của một số đối tượng trong nước với các đối tượng người nước ngoài, chủ yếu là với người Lào, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Chúng lợi dụng chính sách xuất, nhập khẩu thông thoáng của Việt Nam để tổ chức mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Lào vào Việt Nam, sau đó đưa đi nước thứ ba tiêu thụ. Đặc biệt, một số đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc móc nối với các đối tượng người Việt Nam ở trong nước thành lập công ty sản xuất, kinh doanh, xuất, nhập khẩu, thuê kho, xưởng hàng hóa ở các thành phố lớn như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… ngụy trang với vỏ bọc làm ăn hợp pháp; đối tượng chủ mưu cầm đầu ở nước ngoài điều khiển việc mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ khu vực Tam giác vàng qua Lào, Thái Lan, Campuchia đưa vào Việt Nam (tập kết ở các cơ sở kinh doanh, kho hàng đã thuê sẵn). Ma túy được cất giấu ngụy trang trong một số loại hàng hóa xuất, nhập khẩu hoặc tạm nhập, tái xuất như đồ gỗ, thiết bị điện tử, nông sản, trà, hạt nhựa, phế liệu, băng keo, đồ chơi trẻ em, loa thùng... sau đó đưa vào container để vận chuyển bằng đường biển đi các nước như Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Philippin, Australia tiêu thụ…
Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về công tác PCMT, lực lượng Công an đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, đã đấu tranh có hiệu quả với TPMT. Cụ thể, trong năm 2019, lực lượng Công an đã phát hiện, xử lý hơn 23.328 vụ, 36.222 đối tượng phạm tội về ma túy. Thu giữ 1.222,06 kg heroin, 6.253,6 kg + 1.053.099 viên MTTH, 614,05 kg thuốc phiện, 768 kg cần sa cùng nhiều phương tiện, tài sản liên quan.

Đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ trao Thư khen của Thủ tướng Chính phủ cho các đơn vị có thành tích xuất sắc triệt phá xưởng sản xuất ma túy tại Kon Tum
Theo đồng chí Trung tướng Phạm Văn Các, Cục trưởng Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy, để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống TPMT, trong thời thời gian tới cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tham mưu phục vụ Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hội nghị tổng kết Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới” và triển khai thực hiện Chỉ thị mới nghiêm túc, hiệu quả. Huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia vào công tác PCMT; không để xảy ra tình trạng "khoán trắng" cho lực lượng Công an. Kiểm điểm, gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy để xảy ra tình trạng TPMT phức tạp trên địa bàn.
Hai là, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác PCMT; hoàn thành trình Quốc hội Dự án sửa đổi, bổ sung Luật PCMT để tạo hành lang pháp lý cũng như huy động nguồn lực, sức mạnh phục vụ cho công tác đấu tranh phòng, chống TPMT. Tăng cường công tác nắm tình hình, tổ chức xác lập các chuyên án, vụ án để đấu tranh bóc gỡ các tổ chức, đường dây phạm tội về ma túy. Phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành công an, đặc biệt là phối hợp với lực lượng chuyên trách phòng, chống TPMT của Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát biển trong phòng, chống TPMT tại địa bàn biên giới, cửa khẩu, trên biển, ngăn chặn có hiệu quả ma túy vận chuyển trái phép vào Việt Nam. Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan kiểm soát chặt chẽ các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, không để TPMT lợi dụng hoạt động; tăng cường công tác quản lý các loại hình kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, hoạt động dịch vụ nhạy cảm không để hình thành các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy. Phối hợp rà soát, triệt phá các diện tích trồng cây có chứa chất ma túy.
Ba là, đổi mới công tác tuyên truyền để mọi người dân hiểu về tác hại của ma túy, hiểu về chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ma túy từ đó tạo được phong trào tham gia PCMT rộng rãi và mạnh mẽ trong nhân dân. Chú ý vùng sâu, vùng xa, địa bàn trọng điểm, những nơi mà nhận thức của người dân về pháp luật, về tác hại của ma túy và cách phòng ngừa còn hạn chế. Công tác tuyên truyền phải đi trước một bước, cách thức tuyên truyền dễ hiểu (ví dụ xây dựng clip ngắn đưa lên truyền hình vào các “giờ vàng”), có minh họa cụ thể, phù hợp với từng địa bàn dân cư để toàn dân hiểu được tác hại của ma túy và chung tay giáo dục con em không sử dụng ma túy, không tham gia các hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.
Bốn là, quan tâm chính sách phát triển lực lượng chuyên trách PCMT cả về số lượng và chất lượng. Thực tế tình hình hiện nay, lực lượng chuyên trách PCMT còn mỏng, nhiều nơi còn thiếu, còn yếu, chưa đáp ứng được tình hình địa bàn, đặc biệt tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới. Công tác PCMT là công tác khó khăn, vất vả và nguy hiểm, phải tác nghiệp ở những địa bàn xa xôi, hẻo lánh trong khi kinh phí, phương tiện phục vụ cho công tác này còn hạn chế. Do đó cần tăng cường trang cấp kinh phí, phương tiện đáp ứng yêu cầu công tác và có chính sách đặc biệt để động viên, khuyến khích, tạo động lực cho cán bộ, chiến sỹ yên tâm công tác.
Năm là, đầu tư phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho người dân, đặc biệt tại những địa bàn kinh tế còn khó khăn, những nơi mà người dân dễ bị TPMT lôi kéo tham gia hoạt động phạm tội. Trong công tác này cần chú ý quan tâm đến những hộ trong diện có nghi vấn liên quan đến ma túy nhằm giúp họ ổn định cuộc sống, tránh tình trạng phát sinh tội phạm và tệ nạn ma túy do đói nghèo. Thực tế cho thấy địa phương nào làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế thì nơi đó TPMT và các tệ nạn xã hội được kiềm chế.
Sáu là, cải tiến các hình thức cai nghiện, nâng cao hiệu qủa công tác cai nghiện; phối hợp với chính quyền địa phương và các ban ngành đoàn thể tiến hành đưa người đi cai nghiện; quản lý, giúp đỡ người sau cai nghiện chống tái nghiện, hòa nhập cộng đồng; tạo cơ chế chính sách pháp luật để quản lý người nghiện tốt hơn, góp phần làm giảm nguồn cầu ma túy, giảm tác hại cũng như những hệ lụy mà người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy gây ra cho xã hội.
Bảy là, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong công tác PCMT, nhất là các nước có chung đường biên giới. Đặc biệt, tăng cường công tác phối hợp xác lập các chuyên án đấu tranh chung để triệt phá các tổ chức, đường dây tội phạm ma túy có tổ chức và xuyên quốc gia.
Bá Thái