Thời gian đầu năm 2019, tình trạng lái xe sử dụng chất kích thích khi tham gia giao thông diễn biến phức tạp, là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Điển hình như vụ ngày 02/01/2019, khi 21 xe máy đang dừng chờ đèn đỏ tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An đã bị một xe container đâm mạnh từ phía sau. Hậu quả làm 4 người chết, 18 người bị thương, 21 xe máy hư hỏng nặng. Kết quả xét nghiệm, lái xe container là Phạm Thành Hiếu, ngụ tại xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức dương tính với ma túy. Chưa đến 20 ngày sau, tại tỉnh Hải Dương cũng xảy ra một vụ tai nạn giao thông hậu quả đặc biệt nghiêm trọng mà nguyên nhân do lái xe sử dụng ma túy. Hồi 14h 00 ngày 21/01/2019, tại quốc lộ 5 thuộc địa bàn xã Kim Lương, huyện Kim Thành, một đoàn người vừa đi viếng nghĩa trang liệt sĩ về khi đang đi bộ ven đường đã bị một xe tải đâm phải. Hậu quả làm 8 người chết tại chỗ, nhiều người bị thương. Lái xe tải là Lương Văn Tâm, SN 1991, trú tại xã Tĩnh Túc, huyện Kim Bình, tỉnh Cao Bằng.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng nguyên nhân do lái xe sử dụng ma túy tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An
Nếu trong 10 ngày triển khai cao điểm tổng kiểm soát xe ô tô từ 8 chỗ ngồi trở lên kinh doanh vận tải hành khách, xe ô tô vận tải hàng hóa đảm bảo TTATGT trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã phát hiện, ngăn chặn và xử lý 65 trường hợp dương tính với ma túy thì trong năm 2019, Cảnh sát giao thông toàn quốc đã phát hiện 139.526 trường hợp người điểu khiển phương tiện giao thông vi phạm về nồng độ cồn; 621 trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng ma túy; tập trung chủ yếu ở độ tuổi từ 22 đến 35. Các đối tượng sử dụng rượu bia hoặc trong cơ thể có chất ma túy thường thiếu kiềm chế, có hành vi chống đối người thi hành công vụ khi bị lực lượng Cảnh sát giao thông dừng xe kiểm tra. Nguy hiểm hơn, nhiều trường hợp còn cố tình lẩn trốn hoặc lái xe bỏ chạy, có nguy cơ gây tai nạn cho người tham gia giao thông. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn gặp một số khó khăn do thiếu phương tiện, trang thiết bị xét nghiệm để phát hiện tình trạng lái xe sử dụng các chất ma túy, nhất là ma túy tổng hợp mới chưa có trong danh mục quản lý.
Cảnh sát giao thông tuyên truyền, hướng dẫn người dân chấp hành nghiêm Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi tham gia giao thông
Trước tình hình trên, lực lượng Cảnh sát giao thông luôn xác định công tác tuyên truyền phòng ngừa, nâng cao nhận thức cho đội ngũ lái xe về tác hại của ma túy có vị trí quan trọng. Ngay từ đầu năm 2019, Cục Cảnh sát giao thông đã xây dựng, ban hành 02 kế hoạch về tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) của lực lượng Cảnh sát giao thông năm 2019 và giai đoạn 2019-2021; đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo Cảnh sát giao thông các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực này. Trong đó chú trọng thực hiện trong "Tháng hành động phòng, chống ma túy" – tháng 6/2019; "Ngày quốc tế và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy” - 26/6/2019. Triển khai các đợt cao điểm về tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy khu vực các tuyến biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia... để nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của ma túy nhất là nâng cao nhận thức cho đội ngũ lái xe thường xuyên qua lại khu vực biên giới, cửa khẩu. Kết quả, các đơn vị chức năng thuộc Cục đã trực tiếp viết, biên tập, đăng tải hơn 1.000 tin, bài tuyên truyền trên Website csgt.vn. Lực lượng Cảnh sát giao thông các địa phương tổ chức tuyên truyền cho hơn 2 triệu lượt người; phát hành hơn 700.000 tờ rơi, pano, áp phích, cuốn tài liệu, băng rôn; triển khai gần 170 mô hình tuyên truyền đạt hiệu quả cao; xây dựng gần 300 chuyên mục với gần 3.000 phóng sự; tổ chức 5.363 buổi phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở và tuyên truyền lưu động gần 24.000 lượt. Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật của đội ngũ lái xe nói chung, lái xe tải đường dài, lái xe khách về tác hại của việc sử dụng ma túy nói riêng cũng như chế tài nghiêm khắc của pháp luật xử lý các hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật về ma túy.
Trong công tác kiểm tra sàng lọc sử dụng chất ma túy thường kỳ và ngẫu nhiên đối với lái xe (xe tải, xe khách, xe taxi), Cục Cảnh sát giao thông đã tham mưu cho Bộ Công an ban hành Kế hoạch số 139/KH-BCA-C08 ngày 23/4/2019, chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung tuần tra, kiểm soát và xử lý hành vi vi phạm của người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy. Chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác này, trong đó tập trung vào lái xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, xe ô tô vận tải hàng hóa... Kết quả, từ ngày 15/12/2018 đến 14/10/2019, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã lập biên bản xử lý 3.382.895 trường hợp vi phạm TTATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy; phạt tiền gần 2,2 nghìn tỷ đồng. Trong đó đã phát hiện, xử lý gần 700 trường hợp lái xe dương tính với ma túy.
Nhằm triển khai hiệu quả công tác phòng, chống ma túy nói chung, phát hiện, ngăn chặn tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng ma túy khi tham gia giao thông nói riêng để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trong thời gian tới và năm 2020, Cục Cảnh sát giao thông tiếp tục chỉ đạo toàn lực lượng triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an về công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm. Khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho các lực lượng nghiệp vụ trong quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy, nhất là Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT, tập trung xử lý các hành vi vi phạm theo các chuyên đề về sử dụng chất kích thích khi tham gia giao thông. Đầu tư kinh phí, trang thiết bị, kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại, nhất là các thiết bị đo, thử ma túy đáp ứng yêu cầu về pháp lý và thực tiễn phục vụ công tác xử lý vi phạm của lực lượng Công an nói chung và lực lượng Cảnh sát giao thông nói riêng. Thường xuyên mở các đợt cao điểm tăng cường đấu tranh, trấn áp tội phạm về ma túy, phối hợp với các lực lượng chuyên ngành (Cảnh sát hình sự, Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy...) để phòng ngừa, xử lý, ngăn chặn tình trạng người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy.
Bên cạnh đó là việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy để nâng cao nhận thức của người dân; nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến về phòng, chống ma túy ở các cơ quan, đơn vị, trường học, xã phường, thị trấn. Phát động phong trào quần chúng tham gia phát hiện, ngăn chặn tội phạm về ma túy. Đặc biệt quan tâm tuyên truyền cho đội ngũ lái xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa… bởi họ là những người trực tiếp điều khiển phương tiện vận tải khi tham gia giao thông./.
Nhật Nam