Quan điểm của Việt Nam
Nhằm phát huy vai trò của Việt Nam là Chủ tịch đương nhiệm ASEAN về phòng, chống ma túy(PCMT), từ ngày 10-12/9/2019, tại Hà Nội, Bộ Công an Việt Nam có sáng kiến tổ chức Hội nghị cấp Bộ trưởng về nâng cao hiệu quả hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy (TPMT) xuyên quốc gia. Đây là một cơ chế hợp tác bất thường được nhóm họp trước diễn biến phức tạp, khó lường của TPMT, cảnh báo nguy cơ, thách thức mới, đòi hỏi các nước chung tay cùng Việt Nam và vì chính mình đối phó với hiểm họa ma túy.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và các Trưởng đoàn đại biểu tham dự Hội nghị
Tại hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng. Cũng tại diễn đàn này, Việt Nam một lần nữa khẳng định chủ trương, chính sách, pháp luật PCMT của mình là luôn nhất quán với quan điểm chung của ASEAN: không khoan nhượng với ma túy, không chấp nhận xu hướng hợp thức hóa sử dụng ma túy; cân bằng giữa các giải pháp giảm cung, giảm cầu; kiên định lộ trình hướng tới tầm nhìn xây dựng một cộng đồng ASEAN không có ma túy. Hội nghị đã thể hiện rõ thiện chí và mong muốn của nước ta cùng với các nước, các tổ chức quốc tế thực thi có hiệu quả cam kết chính trị mạnh mẽ, kiên quyết đấu tranh với TPMT, góp phần đảm bảo an ninh trật tự và xây dựng cộng đồng ổn định, phát triển ở mỗi nước trong khu vực và trên thế giới.
Trước những xu hướng thay đổi trong kiểm soát ma túy toàn cầu, Việt Nam chia sẻ quan điểm với các nước ASEAN coi 3 công ước quốc tế về kiểm soát ma túy tiếp tục là nền tảng của chính sách kiểm soát ma túy toàn cầu; nhấn mạnh không khoan nhượng với ma túy và theo đuổi mục tiêu hướng tới một khu vực và thế giới không có ma túy; không chấp nhận xu hướng hợp pháp hóa sử dụng ma túy; khẳng định chủ quyền quốc gia trong việc lựa chọn các giải pháp tối ưu, cân bằng giữa giảm cung và giảm cầu, kết hợp với các giải pháp kinh tế xã hội, phù hợp về mặt lịch sử, chính trị, kinh tế và đặc trưng văn hóa xã hội để giải quyết vấn đề ma túy ở trong nước, trong đó coi trọng biện pháp phòng ngừa, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của ma túy.
Tuy nhiên, hiện nay trên thế giới, quan điểm về PCMT đã có nhiều khác biệt so với hơn 20 năm trước, cụ thể bị phân hóa làm hai thái cực, nhất là kể từ Phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) về vấn đề ma túy toàn cầu năm 2016 tại trụ sở LHQ, New York, Hoa Kỳ, từ ngày 19-21/4/2016. Mục tiêu của phiên họp này là đánh giá những thành tựu và thách thức của công tác đấu tranh với vấn đề ma túy trên toàn thế giới và định hướng lại công tác đấu tranh PCMT trên toàn cầu cho giai đoạn tiếp theo. Đoàn Việt Nam đã tham dự phiên họp này, cùng với các nước ASEAN và Ban Thư ký ASEAN xây dựng và hoàn thiện Tuyên bố chung ASEAN về vấn đề ma túy toàn cầu, lần đầu tiên khẳng định quan điểm nhất quán của ASEAN trong công tác PCMT.
Sự khác biệt giữa hai thái cực
Tại phiên họp năm 2016, đã có sự khác biệt về đánh giá hiệu quả của chính sách kiểm soát ma túy toàn cầu. Phần lớn cho rằng chính sách kiểm soát ma túy hiện nay được thể hiện trong 3 công ước LHQ (Công ước Thống nhất về các chất ma túy năm 1961; Công ước Về các chất hướng thần năm 1971 và Công ước LHQ về chống buôn bán bất hợp pháp chất ma túy và chất hướng thần năm 1988) vẫn phát huy tác dụng, góp phần kiềm chế không để tệ nạn ma túy phức tạp hơn. Số khác, nhất là đại diện các nước Nam Mỹ, các tổ chức phi chính phủ cho rằng việc thực hiện chính sách hiện tại không thành công, không đạt được các mục tiêu đề ra và không đáp ứng được đòi hỏi với những diễn biến mới của tình hình ma túy.
Nga, Trung Quốc và nhiều nước Châu Á, Châu Phi tiếp tục xem 3 công ước về kiểm soát ma túy làm nền tảng của chính sách ma túy toàn cầu với 3 trụ cột: Giảm cung, giảm cầu và hợp tác quốc tế. Mỹ cũng ủng hộ các nguyên tắc của 3 công ước, tập trung nỗ lực đấu tranh chống TPMT. Trong khi đó, Liên minh Châu Âu (EU) và các nước Mỹ-La tinh muốn mở rộng nội hàm chính sách ma túy toàn cầu, gắn với nội dung tư pháp hình sự, phát triển, y tế và nhân quyền; ủng hộ giảm nhẹ hình phạt, thậm chí phi hình sự hóa TPMT.
Thái Lan, Peru, Đức và một số nước muốn đẩy mạnh nội dung “phát triển thay thế” (thay thế cây có chứa chất gây nghiện, phát triển, kinh tế, xã hội...). Tuy nhiên, các biện pháp này không được các nước Mỹ-La tinh ủng hộ.
Về vấn đề nhân quyền trong PCMT,các nước EU và Mỹ-La tinh nhấn mạnh nội dung này trong phát biểu chính thức cũng như trong quá trình thương lượng văn kiện; đề xuất gắn việc thực hiện 3 công ước về kiểm soát ma túy với các công ước quốc tế về nhân quyền; nhấn mạnh quyền của người nghiện ma túy, quyền được chăm sóc y tế, tôn trọng nhân phẩm, quyền phụ nữ, trẻ em, quyền của người “bản địa”. Nga, Trung Quốc, nhiều nước Châu Á và Châu Phi không ủng hộ xu hướng này.
Về vấn đề phi hình sự hóa ma túy và việc áp dụng “hình phạt tương xứng”,EU, Úc và các nước Mỹ-La tinh muốn đẩy mạnh xu hướng phi hình sự hóa ma túy và xây dựng nguyên tắc “áp dụng hình phạt tương xứng”. Nguyên tắc này tuy được giải thích là tính đến các yếu tố tăng nặng, giảm nhẹ tội khi xét xử, song thực tế là nhằm giảm nhẹ hình phạt đối với TPMT và áp dụng các biện pháp thay thế (với TPMT không nghiêm trọng và không sử dụng bạo lực). Nga, Trung Quốc và nhiều nước Châu Á vẫn xem TPMT là một trong những tội phạm nghiêm trọng nhất, do đó không đồng ý có nguyên tắc này.
Việc áp dụng án tử hình đối với TPMT,EU, Úc, Canada, New Zealand và các nước Mỹ-La tinh phản đối việc áp dụng án tử hình, kêu gọi bỏ áp dụng án tử hình đối với TPMT.Trung Quốc, Singapore và các nước Hồi giáo phản đối mạnh mẽ việc đề cập đến án tử hình, khẳng định chủ quyền quốc gia trong việc áp dụng các hình phạt với tội phạm; cho rằng TPMT, nhất là mua bán trái phép chất ma túy, là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng nên cần thiết phải áp dụng án tử hình; nhấn mạnh việc thảo luận về án tử hình trong khuôn khổ PCMT là không phù hợp.
Vấn đề hợp pháp hóa việc sử dụng một số loại ma túy,xu hướng hợp pháp hóa việc sử dụng một số loại ma túy đang được nhiều quốc gia Mỹ-La tinh và Châu Âu thúc đẩy với lý do bảo đảm quyền tiếp cận với thuốc giảm đau, quyền duy trì văn hóa truyền thống, tập tục của người dân bản địa (thực chất là do nhiều nước Mỹ-La tinh vẫn duy trì trồng các loại cây có chất ma túy; các nước châu Âu có nhiều công ty dược phẩm sản xuất thuốc có chất ma túy). Đặc biệt Chile, Peru, Bolivia, Colombia, Uruguay kêu gọi hợp pháp hóa việc sử dụng cần sa. Trong khi đó, Nga, Trung Quốc và nhiều nước Châu Á và cả Mỹ không ủng hộ xu hướng này; nhấn mạnh cần kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, vận chuyển các chất hướng thần theo đúng tinh thần 3 công ước quốc tế về kiểm soát ma túy.
Qua phiên họp năm 2016, có thể thấy chính sách PCMT toàn cầu vẫn tiếp tục dựa trên nền tảng của 3 công ước quốc tế về kiểm soát ma túy, áp dụng biện pháp PCMT toàn diện, cân bằng giữa giảm cung, giảm cầu, vừa đấu tranh chống tội phạm, vừa phòng ngừa. Tuy nhiên, chính sách hiện nay có chuyển biến khác so với giai đoạn trước theo hướng: mở rộng nội hàm chính sách ma túy toàn cầu, gắn với nội dung tư pháp hình sự, phát triển, y tế và nhân quyền; giảm nhẹ hình phạt liên quan đến TPMT.
Bên cạnh đó, quan điểm và chính sách kiểm soát ma túy ở các quốc gia đang có nhiều sự khác biệt lớn giữa hai thái cực: Kiên quyết đấu tranh, áp dụng các biện pháp mạnh, không chấp nhận thỏa hiệp (như Trung Quốc, Singapore, Nga…) và tự do hóa, hợp thức hóa, phi hình sự hóa (các nước Châu Âu và Nam Mỹ). Bên cạnh đó là xu hướng đưa thêm các yếu tố nhân quyền, y tế, xã hội, bỏ án tử hình nhằm hướng tới một chính sách kiểm soát ma túy “nhân văn”. Sự khác biệt về quan điểm trên một mặt phản ánh tính chất phức tạp vấn đề ma túy, mặt khác thể hiện những bất đồng trong chính sách kiểm soát ma túy toàn cầu hiện nay./.
Tạ Đức