Nguồn sống hiện tại của kiều bào chủ yếu dựa vào buôn bán hàng tiêu dùng hoặc làm thuê. Đa số họ đều chấp hành tốt chính sách pháp luật và có đóng góp đáng kể vào sự phát triển của nước sở tại. Tuy nhiên, do cuộc sống nơi xa xứ nhiều trắc trở, làm ăn thua lỗ đã khiến không ít người lao vào con đường phi pháp từ bán hàng lậu, hàng nhái cho đến phạm tội về ma tuý. Đến năm 2005, người Việt đã thống lĩnh thị trường cần sa ở Séc. Theo Cảnh sát Séc, việc trồng và mua bán cần sa đều do các băng nhóm người Việt thực hiện. Mỗi lứa các đối tượng thường trồng từ 1.000 cây trở lên. Do biết áp dụng phương pháp kỹ thuật (trồng thuỷ canh trong nhà kính, chiếu sáng nhân tạo, đầu tư phân bón…), nên cần sa có sản lượng cao và hàm lượng chất gây nghiện delta-9-THC cao để làm “vừa lòng” khách hàng trong nước cũng như xuất lậu sang các nước láng giềng.
Từ năm 2010 trở đi, các đối tượng chuyển hướng từ trồng cần sa sang sản xuất methamphetamine (meth). Ban đầu các nhóm người Việt dựa vào “chuyên gia” Séc có kinh nghiệm điều chế. Sau khi “làm chủ công nghệ” chết người này, chúng tách ra làm ăn riêng. Năm 2013, Cảnh sát đã thu giữ được 100 kg chlopeseudoenphedrin dưới dạng hydrochloride dùng để sản xuất meth. Đây là chất không nằm trong danh mục quản lý tại Séc nên cơ quan chức năng khó xử lý. Sau đó, chlopeseudoenphedrin được đưa vào danh sách cấm nhập khẩu để tiện cho việc xử lý hình sự, xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. Meth hydrochloride ở dạng tinh thể màu trắng chủ yếu được xuất lậu sang nước ngoài.
Tội phạm gốc Việt có khả năng thích nghi cao với xu thế thay đổi của thị trường ma tuý, chất hướng thần, nhờ đó chúng có khả năng đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của khách hàng. Các đường dây có tính liên kết nội bộ cao và do sự khác biệt về tập quán văn hoá nên cảnh sát khó thâm nhập, truy bắt. Hoạt động của các đối tượng mang tính nguy hiểm khi đang vươn lên tranh giành thị phần với các băng nhóm tội phạm gốc Ý, Serbia, Kosovo, Albania không chỉ ở Séc mà còn vươn vòi bạch tuộc sang các nước châu Âu. Đối tượng mua bán các loại tân dược có chứa thành phần psuedoephedrine ở Ba Lan, nơi không có quy định cấm như ở Séc về để sản xuất meth. Số ma tuý này được cung cấp cho thị trường khu vực biên giới Séc - Đức. Đây đã trở thành mầm mống gây căng thẳng giữa hai nước. Từ năm 2015 đến nay, tội phạm gốc Việt đã thay đổi phương thức, thủ đoạn phạm tội. Chúng chuyển sang liên lạc bằng điện thoại di động để tránh bị nghe lén, theo dõi, liên tục di chuyển xưởng sản xuất khi có dấu hiệu bị theo dõi, rửa tiền, thay đổi chủ sở hữu hòng che giấu nguồn gốc tài sản có được do phạm tội. Trong khi, cơ quan chức năng Séc đang vất vả điều chỉnh, bổ sung các quy định pháp luật cũng như đẩy mạnh đấu tranh với hành vi thu gom tiền chất. Tuy nhiên, vẫn còn có độ vênh pháp lý giữa các nước thành viên khối Schengen, khi một chất bị cấm ở quốc gia này nhưng không bị cấm ở nước khác. Đó là kẽ hở để đối tượng thu mua ở các nước rồi chuyển vào Séc. Gần đây Cảnh sát Séc phát hiện nhiều xưởng sản xuất meth ở khu vực biên giới với quy mô lớn, sản xuất khối lượng từ 10 - 100 kg meth. Tính về số lượng xưởng sản xuất ma túy do đối tượng người Việt Nam cầm đầu chỉ chiếm 3% nhưng mỗi mẻ chúng cho ra lò từ 10 kg meth trở lên, còn tội phạm người Séc chỉ cho ra khoảng vài gam.

Đối tượng người Việt phạm tội về ma tuý bị Cảnh sát Séc bắt giữ.
Theo số liệu thống kê của Cảnh sát Séc, các đối tượng buôn lậu ma túy người Việt cung cấp khoảng 80% lượng ma tuý tổng hợp cho thị trường Đức, số còn lại được đưa sang bán đảo Balkan và Mỹ. Năm 2018 có khoảng 150 - 200 người Việt bị bắt vì có liên quan đến ma túy, đứng đầu trong số người nước ngoài bị bắt tại Séc. Trong 10 năm qua, Cảnh sát bắt giữ 1.446 người Việt trong tổng số 5.000 người nước ngoài phạm tội về ma tuý ở quốc gia Trung Âu này.
Từ thực tế trên thời gian qua, Cảnh sát Việt Nam - Séc đã đẩy mạnh hoạt động phối hợp đấu tranh chống tội phạm ma tuý liên quan đến hai nước. Theo quy định tại Bộ luật Hình sự Việt Nam, công dân Việt Nam phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo Bộ luật này. Như vậy, hành vi phạm tội ở nước ngoài của công dân Việt Nam vẫn bị xử lý theo pháp luật trong nước. Bên cạnh đó, việc xử lý hành vi phạm tội diễn ra tại Séc còn cần đến sự hỗ trợ của nước bạn thông qua hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa hai nước. Theo đó, việc dẫn độ tội phạm phải bảo đảm phù hợp với những điều khoản đã ghi trong Hiệp định tương trợ tư pháp, nước ký kết này sẽ dẫn độ công dân của nước ký kết kia đang ở trên lãnh thổ nước mình cho nước kia để tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành bản án, quyết định hình sự.
Tình hình người Việt Nam phạm tội về ma túy ở Cộng hòa Séc có chiều hướng gia tăng, tuy nhiên kết quả đấu tranh thời gian qua vẫn chưa đạt như mong muốn. Tội phạm về ma túy có tính toàn cầu nên cần sự hợp tác chặt chẽ giữa nước ta với các nước và các tổ chức quốc tế. Trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho cộng đồng người Việt ở Séc thông qua qua các cuộc họp của Hội người Việt Nam, qua hội đồng hương, dòng họ, ngành nghề kinh doanh ở đây… Khuyến khích báo chí và cộng đồng chung tay phát động phong trào người Việt Nam ở Séc nói không với ma túy.
Tờ rơi của chiến dịch “Stop drugs” tuyên truyền phòng, chống ma tuý cho kiều bào Việt Nam sinh sống, làm việc tại Cộng hoà Séc.
Tăng cường hợp tác giữa Cảnh sát Việt Nam và Séc trong trao đổi thông tin về các đối tượng phạm tội liên quan đến hai nước; chia sẻ thông tin về các mẫu ma túy mới, nhất là các loại ma tuý tổng hợp, tiền chất, tân dược gây nghiện. Phối hợp xác minh, điều tra, bắt giữ đối tượng có liên quan, đặc biệt là đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy trên tuyến hàng không, đường biển. Phối hợp bắt giữ, dẫn độ đối tượng truy nã trên nguyên tắc phù hợp với luật pháp hiện hành của mỗi nước và các thông lệ của luật pháp quốc tế. Phía Việt Nam đề nghị Cảnh sát Séc tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy trong nước, hỗ trợ trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại phục vụ công tác đấu tranh chống tội phạm ma tuý liên quan đến hai nước.
Kim Long