Ra quân tuyên truyền phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội AIDS, ma túy, mại dâm

Tình trạng giới trẻ, đặc biệt là học sinh sinh viên sử dụng ma túy đang trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội. Độ tuổi sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa. Nhiều người trẻ do bị lôi kéo, xúi giục trở thành tai sai cho đối tượng cầm đầu những đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Do vậy, tuyên truyền phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội trong đó có tuyên truyền phòng, chống ma túy là việc làm cần thiết giúp các em có một cái nhìn đầy đủ về vấn nạn này để từ đó phòng tránh.

23/08/2019 | Article Rating

Bộ GD&ĐT vừa tổ chức Lễ ra quân phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội AIDS, ma túy, mại dâm, buôn bán người và bạo lực học đường. Dự buổi lễ có đại diện Bộ LĐTB&XH, Bộ Công an, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các Sở GD&ĐT, các trường ĐH-CĐ và đông đảo học sinh, sinh viên tại Hải Phòng.

Theo số liệu thống kê đến tháng 6/2019, số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý là trên 230.000 người, tăng khoảng 5.000 người so với năm 2018. Nhiều người trẻ tham gia vào các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy bị bắt giữ.

Đáng lo ngại, một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên còn chưa nhận thức đúng về sự nguy hại của ma túy tổng hợp, coi đó là loại ma túy không gây nghiện dẫn đến gia tăng số người sử dụng loại ma túy này. Theo khảo sát của Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng tháng 3/2017, độ tuổi sử dụng ma túy tổng hợp dạng “đá” tại 3 thành phố lớn đang trẻ hóa. Độ tuổi bình quân sử dụng ma túy tổng hợp dạng “đá” tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh là 18, còn tại Hải Phòng là 17.

Tại Vĩnh Long, người nghiện tập trung vào độ tuổi từ 16- 30 là 1.031 người (chiếm 64,28%). Còn tại huyện Châu Phú, tỉnh An Giang số người nghiện có hồ sơ quản lý là 459 người, trong đó có 19 em có độ tuổi từ 16 đến dưới 18, đa phần là sử dụng ma túy đá. Đáng chú ý, có tới 30 - 40% vị thành niên từ 13 tuổi trở lên sử dụng ma túy tổng hợp dạng “đá”. 

Trong những năm qua, ngành giáo dục đã thể hiện quyết tâm, huy động mọi nguồn lực, triển khai các giải pháp để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn về thể chất và tinh thần cho người học, nhà giáo, cán bộ quản lý.Trong đó, tập  chung vào chủ đề phòng, chống ma túy năm 2019 với chủ đề “Hãy suy nghĩ trước khi bắt đầu”; phòng chống tội phạm “tín dụng đen”; bảo đảm môi trường giáo dục an toàn lành mạnh, thân thiện tập trung vào việc bảo đảm an toàn về thể chất và tinh thần cho tất cả các thành viên trong nhà trường.

Đại biểu tham dự lễ ra quân

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa mong muốn, học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên sẽ phát huy tinh thần sáng tạo trong việc triển khai lồng ghép, tích hợp công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội vào nội dung một số môn học và hoạt động giáo của nhà trường bảo đảm phù hợp, hiệu quả.

Tại buổi lễ, sinh viên Nguyễn Yến Linh, Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam đã đại diện học sinh, sinh viên phát biểu cam kết sẽ tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội trong môi trường học đường. “Thay mặt cho các bạn học sinh, sinh viên tôi xin hứa sẽ thực hiện tốt các quy định trong công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật, cùng nhau xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh, không tệ nạn.”

Sau lễ phát động, ngành giáo dục sẽ triển khai các chương trình hành động cụ thể nhằm phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội đến các Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng trong cả nước để thực hiện.

Huy Hà