Kết quả bước đầu triển khai Chương trình phối hợp số 03 góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong các nhà trường

Trước tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trong các nhà trường có xu hướng diễn biến phức tạp, ngày 22/01/2024, Bộ Công an và Bộ Giáo dục Đào tạo đã ký kết Chương trình phối hợp số 03/CTrPH-BCA-BGDĐT về tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma tuý trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2024 - 2030. Qua 6 tháng triển khai thực hiện đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ, khẳng định là một chủ trương đúng đắn nhằm bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy.
07/10/2024 | Article Rating

Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, hiện cả nước có gần 40 nghìn cơ sở giáo dục do Bộ quản lý với tổng số học sinh, sinh viên gần 22 triệu người. Trong khi tệ nạn ma túy tiếp tục xâm nhập vào học đường, với thủ đoạn ngày càng tinh vi; ma tuý được sản xuất với nhiều hình thức bắt mắt thu hút sự tò mò, khám phá của giới trẻ, đồng thời ngụy trang “núp bóng” dưới dạng đồ uống như: “nước vui”, trà sữa hoặc tẩm ướp trong thực phẩm chức năng, thuốc lá điện tử... 6 tháng đầu năm 2024, cơ quan Công an đã phát hiện tại 05 cơ sở giáo dục có tình trạng học sinh, sinh viên sử dụng trái phép chất ma túy; 23 cơ sở giáo dục phát hiện tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy. Trong đó có 41 học sinh, sinh viên nghiện và sử dụng trái phép chất ma tuý; 06 trường hợp là cán bộ, công nhân viên tại các cơ sở giáo dục vi phạm pháp luật về ma túy.

 Ngay sau khi hai Bộ: Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo ký kết Chương trình phối hợp số 03, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý đã tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm Chính phủ (BCĐ138) ban bành Công văn số 452 ngày 06/02/2024 gửi Ban Chỉ đạo 138 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để chỉ đạo triển khai Chương trình phối hợp số 03 tại địa phương; chỉ đạo lực lượng Công an, ngành Giáo dục và Đào tạo các cấp ký kết Chương trình, kế hoạch phối hợp để triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể, thiết thực. Đồng thời ban hành Kế hoạch số 676 ngày 04/3/2024 triển khai Chương trình phối hợp số 03 của lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý toàn quốc năm 2024. Trọng tâm là các kế hoạch về xây dựng, xuất bản Bộ tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật thuộc Chương trình phối hợp số 03 và triển khai Tháng hành động phòng, chống ma tuý (Tháng 6/2024); kế hoạch về tổ chức tuyên truyền phòng, chống ma tuý cho học sinh, sinh viên trên các phương tiện truyền thông và tổ chức cuộc thi “Trường học không ma tuý” tại các cơ sở giáo dục trên toàn quốc (phát hàng tuần trên kênh sóng của Đài Truyền hình Việt Nam). Đồng thời có văn bản trao đổi với Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, thông báo về tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy, công tác phòng, chống ma túy theo định kỳ để phối hợp tham mưu lãnh đạo hai Bộ chỉ đạo triển khai, thực hiện hiệu quả Chương trình phối hợp.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tuyên truyền phòng, chống ma túy tại Đại học Vinh, tỉnh Nghệ An,

do Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tổ chức.

Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên - cơ quan được giao nhiệm vụ thường trực của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch số 243 ngày 11/03/2024 triển khai Chương trình công tác về phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, HIV/AIDS, ma tuý, mại dâm trong ngành Giáo dục năm 2024; trong đó, giao các Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Công an các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phối hợp số 03. Đồng thời ban hành Kế hoạch số 779 ngày 24/6/2024 triển khai Dự án“Tăng cường năng lực phòng, chống ma tuý trong trường học đến năm 2025”.

Tại các địa phương, Ban Chỉ đạo 138 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành các văn bản chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ngành liên quan trong việc tổ chức triển khai Chương trình phối hợp số 03 gắn với việc thực hiện Dự án “Tăng cường năng lực phòng, chống ma tuý trong trường học đến năm 2025”. Đến nay, 100% Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện và xây dựng Quy chế phối hợp giữa các đơn vị liên quan. Chỉ đạo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý và Công an cấp huyện mở chuyên đề phòng, chống ma tuý trong học sinh, sinh viên; triển khai các phương án, kế hoạch phối hợp, trao đổi thông tin, triển khai các mô hình phòng, chống ma tuý bảo đảm an ninh trật tự tại khu vực xung quanh trường học với các đơn vị nghiệp vụ của ngành giáo dục.

Cuộc thi “Trường học không ma túy tổ chức” tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng “Nhà trường không ma tuý”, đưa nội dung giáo dục phòng, chống ma tuý vào chương trình giảng dạy dưới dạng lồng ghép, tích hợp trong các môn học có liên quan và các hoạt động ngoại khoá, hoạt động giáo dục ngoài giờ để cung cấp kiến thức về tác hại của ma tuý, giáo dục kỹ năng phòng, chống ma tuý cho học sinh các cấp phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông như: tích hợp giảng dạy phòng, chống ma túy và chất gây nghiện vào chương trình Sinh học lớp 11, tuyên truyên Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 được lồng ghép vào môn Giáo dục công dân... 100% các cơ sở giáo dục treo băng rôn, khẩu hiệu, panô, áp phích truyền thông về phòng, chống tệ nạn ma tuý với các nội dung phong phú; lồng ghép vào phong trào thi đua: “Xây dựng trường học hạnh phúc”; lập hòm thư tố giác tội phạm; tổ chức cho học sinh, sinh viên ký cam kết thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống ma tuý.

Nhiều địa phương đã xây dựng những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong công tác phòng, chống ma tuý ở các trường học như mô hình: “Trường học nói không với ma tuý”; “Trường học văn minh, học sinh thân thiện, không ma tuý và bạo lực học đường”, Câu lạc bộ “Tuổi trẻ phòng, chống ma túy”; xây dựng và duy trì hoạt động Website, Facebook, Fanpage nhằm chia sẻ trên mạng các thông tin về hoạt động của trường, đoàn trường; đồng thời định hướng giáo dục trên không gian mạng. Một số cơ sở giáo dục đã xây dựng lực lượng học sinh nòng cốt giúp nhà trường kịp thời nắm bắt những thông tin xấu trong bạn bè; xây dựng góc truyền thông về phòng, chống ma túy, phân công mỗi chi đoàn, chi đội phụ trách cập nhật nội dung thông tin, trang trí bảng tin theo tuần hoặc theo tháng. Thông qua các mô hình, các điển hình, các phong trào đã từng bước nâng cao hiểu biết, nhận thức, ý thức cảnh giác của cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma tuý.

Kết quả, tính đến ngày 30/6/2024, lực lượng Công an các cấp đã phối hợp với ngành giáo dục tổ chức gần 20 nghìn buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ma túy, thu hút gần 3,5 triệu học sinh, sinh viên và cán bộ công nhân viên tại các cơ sở giáo dục tham gia. Trong đó, có 16 địa phương tổ chức cho học sinh, sinh viên và cán bộ công nhân viên ký cam kết tuân thủ pháp luật về ma túy, không sử dụng ma túy và không để xảy ra tình trạng nghiện ma túy; 08/63 địa phương tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật phòng, chống ma túy.

Trong công tác tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng phòng, chống ma tuý, các cơ sở giáo dục các cấp phối hợp với lực lượng Công an thường xuyên tổ chức tập huấn, cập nhật các kiến thức và đào tạo kỹ năng tuyên truyền phòng, chống ma tuý cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, tuyên truyền viên trong các nhà trường; đưa nội dung giáo dục pháp luật về phòng, chống ma tuý là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hàng năm đối với các cơ sở giáo dục. 6 tháng đầu năm, có 24/63 địa phương đã tổ chức 59 buổi tập huấn kỹ năng phòng, chống ma túy cho cán bộ giáo viên, giảng viên, công nhân viên tại các cơ sở giáo dục. Thông qua các buổi tập huấn đã nâng cao các kỹ năng tuyên truyền, giám sát, phát hiện các vi phạm pháp luật về ma tuý trong học sinh, sinh viên cho cán bộ quản lý, giáo viên trong các nhà trường.

Đối với công tác phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ma tuý tại các cơ sở giáo dục: lực lượng Công an đã tăng cường phối hợp với các cơ sở giáo dục nắm tình hình về tội phạm và tệ nạn ma tuý tại các khu vực trường học, đặc biệt là các trường đóng trên địa bàn có tình hình phức tạp về tội phạm ma tuý. Qua kiểm tra, lực lượng Công an đã phát hiện 04 trường hợp cán bộ, giáo viên trong các cơ sở giáo dục vi phạm pháp luật về ma túy; phát hiện 61 trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật về ma túy và có biện pháp xử lý, quản lý, giáo dục phù hợp.

Có thể khẳng định, sau 6 tháng triển khai, Chương trình phối hợp số 03 đã được các đơn vị trực thuộc hai Bộ triển khai thực hiện nghiêm túc từ Trung ương tới cơ sở, thể hiện qua việc: Chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch triển khai và ban hành quy chế phối hợp giữa các đơn vị để tổ chức thực hiện; công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phòng, chống ma tuý trong các cơ sở giáo dục được quan tâm chỉ đạo theo hướng chuyên sâu; các mặt công tác tập huấn, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ma tuý tại các cơ sở giáo dục được tập trung thực hiện và bước đầu phát huy hiệu quả góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng vi phạm pháp luật về ma tuý trong học sinh, sinh viên.

Nhật Nam