Kiểm soát chặt chẽ caffeine để phòng ngừa tội phạm sản xuất trái phép chất ma túy

Trong thời gian qua, lực lượng chức năng các nước trong khu vực Đông Nam Á như Lào, Thái Lan, Myanmar… đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ mua bán, vận chuyển trái phép chất caffeine do pháp luật của các quốc gia kể trên quy định đây là tiền chất hoặc chất hướng thần cần kiểm soát. Vậy pháp luật Việt Nam quy định thế nào với caffeine và các cơ quan chức năng cần phải làm gì để kiểm soát chặt chẽ caffeine nhằm ngăn chặn tội phạm lợi dụng vào các hoạt động sản xuất trái phép chất ma túy.


29/03/2022 | Article Rating

Caffeine là một hợp chất có trong tự nhiên, tồn tại trong hơn 60 loại thực vật, bao gồm các loại hạt cà phê, trong lá chè xanh, hạt cô la, hạt ca cao, lá mate… Từ năm 1820 con người đã điều chề thành công chất caffeine và sử dụng trong công nghiệp sản xuất đồ uống, thực phẩm, thuốc... Theo thông tin tra cứu tại Martindale 36- tài liệu y văn có giá trị trong y học (được xuất bản bởi Pharmaceutical Press-Great Britain): Caffeine là một chất thuộc nhóm methylxanthin, có tác dụng kích thích thần kinh trung ương, tạo ra tình trạng tỉnh táo và tăng hoạt động trí óc, kích thích trung tâm hô hấp, tăng nhịp độ và độ sâu của hô hấp và giãn phế quản.

Trong y học caffeine được sử dụng làm thuốc để khôi phục sự tỉnh táo của cá nhân khi mệt mỏi hoặc buồn ngủ; là thành phần phổ biến trong một số loại thuốc giảm đau nhức đầu hoặc được sử dụng để giảm cân... Trong lĩnh vực dược phẩm, caffeine thường được kết hợp với các thuốc giảm đau khác như aspirin, paracetamol hoặc ergotamine để tăng hiệu quả. Tại Việt Nạm, một số thuốc đã được cấp giấy đăng ký lưu hành có chứa caffeine như thuốc dạng tiêm đơn chất để điều trị chứng ngừng thở ở trẻ sinh non; một số thuốc dạng phối hợp caffeine với paracetamol có tác dụng giảm đau; thuốc dạng phối hợp caffeine với paracetamol và hoạt chất để điều trị cảm cúm. Trong ngành chế biến thực phẩm, caffeine được sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp để sản xuát các loại đồ uống (cà phê, nước tăng lực, nước ngọt, ca cao, socola...) nhằm cải thiện sự tỉnh táo của tinh thần.

Ngoài những tác dụng tích cực, caffeine khi dùng nhiều sẽ gây ra những ảnh hưởng nhất định như: căng thẳng thần kinh, hưng phấn, tăng huyết áp, giãn nở phế quản, mất ngủ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không xếp caffeine vào nhóm các chất gây nghiện. Tuy nhiên, việc dùng caffeine nhiều có thể dẫn đến sự phụ thuộc về tâm lý làm xuất hiện các biểu hiện như nhức đầu, căng thẳng, run rẩy, hồi hộp, thiếu tập trung, cáu giận. Nếu dùng caffeine với liều lượng cao cỏ thể làm tăng nhịp tim, thậm chí quá liều có thể gây tử vong. Mặc dù caffeine có trong danh sách doping của Ủy ban Thế vận hội quốc tế (IOC), nhưng hàm lượng tiếp thu vào trong người đủ để bị cấm là rất cao. Vì vậy các vận động viên vẫn có thể uống cà phê trong bữa ăn hàng ngày.

Nghiêm trọng hơn, vì là một chất kích thích, không có mùi vị đặc trưng nên đôi khi bọn tội phạm đã sử dụng caffeine để bổ sung vào một số loại ma túy tổng hợp trong quá trình sản xuất nhằm tăng hưng phấn cho người sử dụng. Bên cạnh đó, do ma túy là món hàng siêu lợi nhuận nên nhiều đối tượng đã sử dụng các chất phụ gia khác (trong đó có caffeine) trộn lẫn với ma túy nhằm tăng khối lượng; hoặc sản xuất ra các loại ma túy tổng hợp kém chất lượng bán ra thị trường. Hiện nay, tội phạm ma túy tại khu vực Tam giác vàng đang có xu hướng sử dụng chất caffeine như một loại phụ gia dùng trong sản xuất ma túy, đặc biệt là methamphetamine dạng viên. Ngoài ra còn phát hiện caffeine có trong thành phần một số loại ma túy tổng hợp khác như thuốc lắc (ecstasy).

Đối với Việt Nam, tại Điều 2, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 quy định: Tiền chất là hóa chất không thể thiếu được trong quá trình điều chế, sản xuất chất ma túy được quy định trong danh mục tiền chất do Chính phủ ban hành. Theo đại diện của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an), caffeine chỉ là chất phụ gia được thêm vào trong quá trình sản xuất chất ma túy, không tham gia vào phản ứng hóa học sản xuất chất ma túy mà đứng độc lập. Vì vậy, caffeine không được quy định trong Danh mục các chất ma túy và tiền chất của Chính phủ; chỉ quy định về việc sử dụng caffeine trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các ngành công nghiệp, y tế và quản lý caffeine như những chất thông thường. Cũng theo thống kê của Tổng cục Hải quan, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu hàng triệu tấn hàng hóa (chủ yếu là cà phê và chè xanh) có chứa caffeine nên giá trị kinh tế mà nó mang lại là rất lớn. Các doanh nghiệp nhập khẩu caffeine chủ yếu dùng làm nguyên liệu dược phẩm, sản xuất thuốc, nguyên liệu thực phẩm, nước giải khát, nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm.

Với tính chất đặc biệt như trên của caffeine, các quốc gia trong khu vực Châu Á tiếp giáp hoặc gần khu vực Tam giác vàng như: Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan đã có các biện pháp quản lý chặt chẽ đối với chất này. Thậm chí 03 quốc gia gồm Lào, Thái Lan và Myanmar đã đưa caffeine vào danh mục tiền chất có kiểm soát; Trung Quốc đưa caffeine vào danh mục kiểm soát như chất hướng thần. Thậm chí trong Bộ luật Hình sự Trung Quốc quy định nghiêm cấm mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép caffeine và áp dụng khung hình phạt cao nhất là tử hình đối với tội danh mua bán, vận chuyển trái phép từ 200 kg caffeine trở lên. Từ năm 2016 đến nay, các quốc gia kể trên cũng đã bắt giữ nhiều vụ mua bán, vận chuyển caffeine có liên quan đến Việt Nam, điển hình như: Ngày 24/10/2018, Công an tỉnh U-đôm-xay (Lào) phát hiện, bắt giữ 05 người Việt Nam vận chuyển trái phép 02 tấn bột màu trắng, nghi là caffeine được vận chuyển từ Nghệ An (Việt Nam) qua Lào để đưa vào khu vực Tam giác vàng; ngày 26/3/2021, lực lượng chức năng của Myanmar đã phát hiện, thu giữ 3.275 kg caffeine chứa trong bao tải, bên ngoài có chữ viết “Vica Hoàng Thành” trên xe của đối tượng người Myanmar, nghi được vận chuyển từ Việt Nam qua Lào theo đường sông Mê Công đến Myanmar.

Ngày 04/12/2020, cơ quan chức năng tỉnh Bò Kẹo (Lào) phát hiện, bắt giữ 3 đối tượng vận chuyển chất cấm qua biên giới từ Myanmar vào Lào; thu giữ 7.250 kg caffeine chứa trong 290 bao tải.

Trước thực trạng trong khu vực đã xuất hiện ngày càng nhiều vụ mua bán, vận chuyển caffeine có liên quan đến Việt Nam để sử dụng vào mục đích bất hợp pháp, trong đó có việc sản xuất trái phép chất ma túy, ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình ma túy ở trong nước, mới đây Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tổ chức hội thảo đánh giá thực trạng tình hình; bàn giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, kiểm soát caffeine với sự tham gia của các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan và các đơn vị, doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến caffeine. Tại hội thảo, hầu hết các ý kiến đề nghị không đưa caffeine vào Danh mục tiền chất và chất ma túy của Chính phủ vì caffeine không phải là tiền chất ma túy; caffeine là chất kích thích tự nhiên được sử dụng nhiều trong công nghiệp thực phẩm và dược phẩm. Việc đưa caffeine vào danh mục sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh vốn là động lực chính của tăng trưởng kinh tế đất nước. Tuy nhiên, việc kiểm soát các hoạt động hợp pháp về nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, sản xuất, bảo quản, lưu trữ, mua bán, vận chuyển, phân phối, sử dụng caffeine… là rất cần thiết. Vì vậy đề nghị các ban, ngành liên quan cần có những đánh giá cụ thể tình hình để có biện pháp quản lý, kiểm soát chặt chẽ caffeine; đưa ra hướng dẫn quy định hàm lượng caffeine tối đa trong các chế phẩm, sản phẩm để các doanh nghiệp thực phẩm làm căn cứ sản xuất và cơ quan chức năng có cơ sở kiểm soát. Nhất là việc ban hành các quy định pháp luật mới để quản lý, kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy nhằm phòng ngừa tội phạm lợi dụng caffeine để sản xuất trái phép chất ma túy ở trong nước./.

Nhật Nam